04/04/2024 8:23 AM
Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu thép này do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp.

Công ty CP Thép Pomina (mã chứng khoán POM) tiền thân là nhà máy thép Pomina 1, được thành lập từ năm 1999. Ngày 17/8/1999, nhà máy thép Pomina chuyển thành Công ty TNHH Thép Pomina với vốn điều lệ 42 tỷ đồng.

Đến năm 2010, công ty được niêm yết lần đầu tại Sở giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mã cổ phiếu là POM.

Hiện tại, Pomina đang có 3 nhà máy luyện phôi và cán thép xây dựng với tổng công suất 2,6 triệu tấn và khoảng hơn 1.100 lao động. Trong đó, công suất luyện phôi thép đạt 1,5 triệu tấn/năm và công suất cán thép xây dựng là 1,1 triệu tấn.

Trong quá khứ, Pomina từng là nhà sản xuất thép xây dựng lớn nhất Việt Nam và có thị phần cao hơn Tập đoàn Hòa Phát (mã: HPG). Thời điểm năm 2010, Pomina chiếm 17% thị phần thép xây dựng toàn quốc trong khi Hòa Phát chỉ chiếm 12% thị phần.

Được biết, chiến lược của hãng thép có trụ sở tại Bình Dương này là tập trung ở phân khúc thép xây dựng và thị trường trọng điểm miền Nam.

Mới đây, HoSE vừa ra thông báo về việc hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu POM. Hiện cổ phiếu POM đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp.

Ngày 2/4, HOSE đã có công văn nhắc nhở Pomina chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023. Như vậy, HOSE cho biết sẽ thực hiện hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu POM do tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính trong 3 năm liên tiếp.

Trước đó, vào ngày 2/2, HoSE cũng gửi công văn nhắc nhở Pomina về việc cổ phiếu POM có thể bị hủy niêm yết nếu doanh nghiệp này chậm nộp BCTC kiểm toán năm 2023 (yêu cầu nộp trước ngày 1/4).

Lên tiếng ngay sau đó, Pomina cho biết đây chỉ là lời nhắc nhở của HoSE về việc công ty cần nộp BCTC kiểm toán năm 2023 đúng hạn. Doanh nghiệp này khẳng định sẽ nghiêm túc chấp hành các quy định, không để rủi ro cổ phiếu POM bị hủy niêm yết.

Đến ngày 28/3, Pomina lại xin gia hạn nộp BCTC kiểm toán năm 2023 đến ngày 15/5/2024. Lý do là đang tích cực làm việc với đối tác đầu tư cho phương án tái cấu trúc để cung cấp cho kiểm toán xem xét đánh giá khả năng giả định hoạt động liên tục cùng với các bằng chứng chắc chắn cho giả định này để khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu.

Như vậy, đây là lần chậm nộp thứ 3 của Pomina và do đó rơi vào trường hợp bị hủy niêm yết bắt buộc theo điểm i khoản 1 điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.

HoSE cho biết sẽ thông báo về việc thực hiện hủy niêm yết bắt buộc với cổ phiếu POM của Pomina theo quy định nêu trên.

Lỗ gần 1.000 tỷ năm 2023

Về kết quả kinh doanh, trong quý 4/2023, Pomina ghi nhận doanh thu thuần đạt 333 tỷ đồng, giảm mạnh tới 81% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, với việc giá vốn bán hàng và chi phí lãi vay tăng cao khiến doanh nghiệp này tiếp tục báo lỗ 313 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 460 tỷ đồng.

Lũy kế cả năm 2023, hãng thép này đạt doanh thu thuần hơn 3.280 tỷ đồng, giảm 75% so với mức thự hiện của năm ngoái và bị lỗ sau thuế 960 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức lỗ 1.168 tỷ năm 2022.

Lý giải nguyên nhân thua lỗ, theo ban lãnh đạo Pomina, do thị trường bất động sản vẫn trong tình trạng đóng băng khiến nhu cầu tiêu thụ thép trong kỳ sụt giảm mạnh.

Trong khi đó, chi phí tài chính và chi phí cố định của dự án mới đưa vào hoạt động còn cao. Nhà máy thép Pomina 3 vẫn còn ngưng hoạt động nhưng công ty phải gánh nhiều chi phí, trong đó có chi phí lãi vay.

Với việc tiếp tục lỗ trong năm vừa qua, tính tới 31/12/2023, tổng lỗ lũy kế của Pomina là 1.271 tỷ đồng, tương đương 45% vốn chủ sở hữu.

Tại thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của Pomina đạt hơn 10.400 tỷ đồng, giảm gần 6% so với số đầu năm. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất là chi phí xây dựng cơ bản với hơn 5.800 tỷ đồng. Các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận ở mức 1.600 tỷ đồng, chiếm 15% tổng tài sản. Hàng tồn kho giảm 44%, còn gần 662 tỷ đồng.

Bên phía nguồn vốn, nợ phải trả tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm, lên mức 8.809 tỷ đồng. Tổng giá trị nợ vay là hơn 6.300 tỷ đồng, gồm 5.400 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và 845 tỷ đồng nợ vay dài hạn.

Đầu tháng 3/2024, Pomina đã tổ chức ĐHĐCĐ bất thường để thông qua phương án tái cấu trúc công ty.

Theo đó, nhằm đồng bộ khâu luyện và cán thép để tối ưu hóa năng lượng sản xuất tại nhà máy thép Pomina 1 và Pomina 3, cổ đông đã thông qua việc Pomina sẽ cùng với nhà đầu tư mới góp vốn thành lập CTCP Pomina Phú Mỹ.

Cụ thể, Pomina Phú Mỹ dự kiến có vốn điều lệ khoảng 2.700 - 2.800 tỷ đồng và vốn vay ngân hàng 4.000 tỷ đồng, được sử dụng thương hiệu và hệ thống phân phối của Pomina.

Pomina sẽ góp 35% vốn điều lệ, tương đương 900 - 1.000 tỷ đồng, bằng toàn bộ giá trị đất đai, nhà xưởng, dây chuyền thiết bị của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3. Trong khi đó, nhà đầu tư mới sẽ góp 65% vốn còn lại bằng tiền, tương đương 1.800 - 1.900 tỷ đồng.

Theo kết quả định giá tài sản của Công ty kiểm toán AFC và Savills, giá trị tài sản hiện vật của 2 nhà máy Pomina 1 và Pomina 3 là 6.694 tỷ đồng (chưa bao gồm VAT). Trong đó, giá trị của nhà máy Pomina 1 là hơn 336 tỷ đồng và Pomina 3 là 6.358 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này kỳ vọng thu hồi lại khoảng 5.100 - 5.800 tỷ đồng sau khi đã trừ phần vốn góp vào Công ty Pomina Phú Mỹ. Số tiền này dự kiến sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn và dài hạn tại các ngân hàng và khoản nợ phải trả cho nhà cung cấp.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.