Để có sự thay đổi này, từ năm
2008 đến nay, 193 hộ dân hai bên đường đã hiến gần 2.000m2 đất, trị giá
hơn 50 tỷ đồng. Tiêu biểu là nhà bà Nguyễn Thị Chuân và bà Nguyễn Thị
Sen hiến hàng chục mét vuông đất để mở rộng đường làng.
Sau khi hiến đất, nhiều gia đình còn tự bỏ tiền xây dựng hàng rào và xây, sửa lại công trình kiên cố.
Bà
Phạm Thị Hoà, người tự nguyện dỡ bỏ công trình phụ cao 2 tầng của gia
đình để bàn giao mặt bằng xây dựng đường làng cho biết: “Mặc dù là gia
đình chính sách, đất chật nhưng tôi vẫn cố gắng góp đất để đẹp làng, đẹp
xóm”.
Hiện nay, ở Hà Nội, giá bất động sản không ngừng tăng. Do
vậy, việc vận động người dân hiến đất mở đường không phải dễ. Cấp uỷ
Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc thôn Lưu Phái sau khi họp bàn với
các hộ dân ven đường đã phát động cán bộ, đảng viên và người cao tuổi
gương mẫu đi đầu. Đồng thời chính quyền địa phương còn thực hiện kêu gọi
nhân dân quyên góp tiền để hỗ trợ một số gia đình xây, sửa lại nhà.
Chính những biện pháp đồng bộ này đã tạo ra sự đồng thuận cao trong nhân
dân.
Ngoài việc hiến đất, mở đường, người dân thôn Lưu Phái còn
đóng góp tiền làm cống thoát nước. Thậm chí, nhiều hộ dân chấp nhận điều
chỉnh diện tích trong sổ đỏ để tránh những phức tạp nảy sinh sau này.
Ông
Hoàng Vân - Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp cho biết, việc mở rộng đường
làng, ngõ xóm là một trong những yêu cầu phục vụ sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá nông thôn. Mô hình ở thôn Lưu Phái sẽ được xã triển
khai nhân rộng trong thời gian tới.
Cũng theo ông Vân, xã còn
thực hiện mô hình đèn chiếu sáng nông thôn và thôn Tự Khoát được chọn
làm thôn điểm. Mô hình này đã mang lại hiệu quả rõ rệt và đang được nhân
rộng.
Chào mừng Đại lễ, mỗi phường, xã ở thủ đô đều có những
công trình được gắn biển chào mừng. Nhưng để có được những công trình
của “ý Đảng- lòng dân” như ở thôn Lưu Phái, xã Ngũ Hiệp, huyện Thanh Trì
thì không dễ. Việc người dân hiến đất, mở đường một lần nữa khẳng định:
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.







