CafeLand - Hiệp hội Môi giới Quốc gia Mỹ cho biết doanh số bán nhà tại thị trường này trong tháng Sáu đã tăng 20,6% so với tháng trước đó. Đây là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ năm 1968, bất chấp sự sụt giảm mạnh trong ba tháng trước đó do đại dịch Covid-19. Tuy vây, tổng lượng nhà ở bán được vẫn thấp hơn 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mức tăng 20,6% được tính toán khi so sánh với số lượng hợp đồng ký kết vào cuối tháng Tư và tháng Năm, trước khi phần lớn nền kinh tế Mỹ bắt đầu mở cửa trở lại và ghi nhận số ca nhiễm virus tăng lên.

Ông Lawrence Yun, nhà kinh tế trưởng của Hiệp hội cho biết: “Thị trường bất động sản Mỹ hiện đang phát triển quá nóng, nếu chỉ nhìn vào dữ liệu và số lượng giao dịch. Thị trường tại các khu vực đô thị bớt nóng hơn, bởi đang có sự chuyển dịch sang các thị trấn nhỏ và vùng ngoại ô”.

Doanh số tại Mỹ có thể sẽ còn tăng mạnh hơn nếu có đủ nhà để rao bán. Bởi nguồn cung hiện tại đã giảm đến 18,2% so với năm ngoái, chỉ còn 1,57 triệu đơn vị ở thời điểm cuối tháng Sáu vừa qua và ít hơn 350.000 đơn vị so với cùng kỳ năm ngoái. Theo tốc độ bán hàng hiện tại, nguồn cung này chỉ đủ đáp ứng nhu cầu trong vòng 4 tháng.

Chuyên gia vẫn lo ngại về tương lai của thị trường bất động sản Mỹ 1

“Chúng tôi đang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn cung, đặc biệt là ở các phân khúc có mức giá thấp hơn”, ông Yun cho biết. “Lượng hàng còn lại đang ngày càng ít đi, và điều này có thể gây ra khó khăn cho việc giao dịch trong thời gian tới”.

Mức lãi suất thế chấp tại Mỹ gần chạm ngưỡng thấp kỷ lục trong suốt vài tuần vừa qua. Điều này thúc đẩy sức mua của người dân, nhưng lại khiến giá nhà luôn ở mức cao. Giá trung bình của một căn nhà được bán trong tháng Sáu đã tăng 3,5% so với năm ngoái, lên mức 295.300 USD. Đây cũng là mức giá cao kỷ lục được ghi nhận.

Những thành tích mà thị trường bất động sản Mỹ đang đạt được phần lớn là do nhu cầu mua nhà đã bị dồn nén trong suốt mùa xuân. Nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy tình trạng này có thể tiếp diễn ít nhất là qua mùa hè. Theo Hiệp hội, số lượng đơn xin vay thế chấp để mua nhà tại Mỹ đã tăng 19% so với năm 2019.

Những người mua nhà lần đầu cũng đang tăng lên nhanh chóng, đạt khoảng 35% tổng số người mua nhà trong tháng Sáu so với mức 30% trong các tháng gần đây.

“Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là sau khi nhu cầu mua nhà đang bị dồn nén được giải quyết, liệu tốc độ bán hàng có tiếp tục ổn định trong bối cảnh không chắc chắn của thị trường việc làm và thu nhập hiện tại hay không”, ông Peter Boockvar, Giám đốc Đầu tư của công ty tư vấn và quản lý tài chính Bleakley Advisory Group nói. “Ngoài ra, các yếu tố nhân khẩu học của thế hệ millennial cũng sẽ là một yếu tố có thể tác động lớn đến thị trường trong những năm tới”.

Chuyên gia vẫn lo ngại về tương lai của thị trường bất động sản Mỹ 2

Về mặt khu vực, doanh số bán hàng ở vùng Đông Bắc và Trung Tây của Mỹ đã tăng lần lượt 4,3% và 11,1%. Trong khi đó, mức tăng đạt 26% ở miền Nam và 31,9% ở miền Tây.

Doanh số bán các căn nhà mới xây cũng tăng vọt trong tháng Năm, một phần do nguồn cung nhà ở sẵn có rất hạn chế. Trong bối cảnh này, các công ty xây dựng lại được hưởng lợi rất nhiều từ nhu cầu cải tạo nhà của khách hàng như ngôi nhà phải nhiều tiện ích công nghệ hơn, nằm ở khu vực xa trung tâm đô thị hơn, và có bố trí mặt bằng hiện đại hơn để có nhiều không gian riêng làm văn phòng hoặc nơi học tập tại nhà.

Tuy vậy, trong tương lai gần, ông Yun vẫn bày tỏ lo lắng đối với thị trường nếu có một đợt phong tỏa thứ hai tại Mỹ do số lượng ca nhiễm virus đang tăng lên nhanh chóng ở nhiều nơi.

“Giá cả có thể không bị ảnh hưởng, nhưng doanh số thì có thể. Bởi các hình thức giới thiệu và bán bất động sản trực tuyến chỉ mang lại khoảng 7% số lượng khách hàng”, ông nhận định.

Chủ đề: Bất động sản Mỹ,
Lam Vy (CNBC)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.