CafeLand - Trước quyết định giảm 0,25%/năm một loạt các lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) áp dụng từ 16/9/2019, các chuyên gia tài chính cho rằng mức giảm này quá nhỏ, và đề xuất NHNN nên giảm thêm 0,25% nữa.

Chuyên gia Tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là thời điểm thuận lợi để NHNN giảm lãi suất. Tuy nhiên, mức giảm 0,25% là quá nhỏ, sẽ không có tác động lớn tới thị trường. Vị tiến sĩ này cho rằng, nên chăng NHNN giảm thêm 0,25% lãi suất thì tác động tới thị trường sẽ rõ ràng và phù hợp hơn.

Theo ông Hiếu, động thái giảm lãi suất điều hành ở thời điểm hiện tại của NHNN được hỗ trợ bởi ba yếu tố: lạm phát được kiểm soát tốt; lãi suất huy động trên thị trường 1 (thị trường dân cư) đang có dấu hiệu “nóng” lên; và cuối cùng là việc một loạt các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng đang theo đuổi chính sách đồng tiền giá rẻ để hỗ trợ xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng

“Giảm lãi suất luôn là động thái nới lỏng tiền tệ. Việc giảm lãi suất điều hành của NHNN cũng không nằm ngoài mục đích này, giúp giảm giá VNĐ, hỗ trợ xuất khẩu. Cùng với đó, NHNN giảm lãi suất sẽ giảm áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung để lãi suất có cơ hội giảm hoặc giữ ổn định”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đánh giá tác động của việc NHNN giảm lãi suất lên mặt bằng lãi suất, theo ông Hiếu, là còn phải chờ phản ứng của thị trường. Bởi việc giảm lãi suất của NHNN là giảm lãi suất trên thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng) và để tác động lên thị trường 1 thì cần có một độ trễ nhất định hoặc có thể là tác động rất nhỏ.

Ông Hiếu cho biết, thị trường 1 và thị trường 2 ở Việt Nam không thực sự có nhiều gắn kết, lãi suất điều hành và lãi suất thị trường có độ chênh lớn. Vì thế, với động thái giảm 0,25% lãi suất điều hành của NHNN sẽ tác động thế nào tới thị trường rất khó dự đoán.

Cùng quan điểm với ông Hiếu, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, cho rằng mức giảm 0,25%/năm tác động rất nhỏ tới tỷ giá và chỉ có thể giúp tỷ giá tăng lên 0,1-0,15%.

Ông Nghĩa nhận định, một số thị trường được hưởng lợi khi lãi suất điều hành giảm như thị trường chứng khoán tăng trưởng tích cực hơn. Thực tế, sau quyết định này, hàng loạt cổ phiếu đã tăng mạnh nhất là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Thị trường bất động sản có cơ hội để tăng cung bất động sản. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ bớt căng thẳng hơn. Ngoài ra, nó cũng giảm tác động vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp…

“Nhưng tôi cho rằng, mức điều chỉnh vẫn còn khiêm tốn. Thời gian tới NHNN cân nhắc giảm thêm lãi suất điều hành nhằm tác động tích cực đến thị trường và tăng trưởng tín dụng khả quan hơn. Dẫu sao đây là tín hiệu tích cực đối với thị trường ngân hàng và cả nền kinh tế”, ông Nghĩa nói.

Chia sẻ việc điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ của NHNN, cho biết trong thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ để điều hành linh hoạt và đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế hợp lý, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Về tín dụng, NHNN tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo định hướng cả năm khoảng 14%. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định mặt bằng lãi suất.

Đối với điều hành tỷ giá, NHNN theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường trong nước và quốc tế, diễn biến căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tiếp tục điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ.

Theo Quyết định số 1870/QĐ-NHNN ngày 12/9/2019, NHNN điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn từ 6,25%/năm xuống 6,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 4,25%/năm xuống 4,0%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng từ 7,25%/năm xuống 7,0%/năm. Lãi suất chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở từ 4,75%/năm xuống 4,5%/năm. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 16/9/2019.
Đình Vũ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.