Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp cùng Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) tổ chức buổi gặp gỡ các đoàn đại biểu Quốc hội để trao đổi thông tin về các dự án đầu tư giao thông đường bộ Việt Nam theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Buổi gặp gỡ có sự tham dự của 9 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh Cao Bằng, Phú Yên, Bình Định, Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Lạng Sơn, Cà Mau, Thừa Thiên - Huế, đại diện Bộ Giao thông Vận tải, Kế hoạch - Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Vietinbank.
Với vai trò đồng điều hành buổi gặp gỡ, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, nhận định từ thực tiễn trong quá trình triển khai dự án, trong lĩnh vực đầu tư theo hình thức PPP còn nhiều vấn đề tồn tại cần được giải quyết.
Dự án đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận do Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả làm nhà đầu tư xây dựng.
Chủ tịch VCCI nêu 3 vấn đề cần phải tháo gỡ đối với lĩnh vực này gồm: bảo đảm sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư; thay đổi cơ chế, chính sách ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án; cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và nhà đầu tư chưa sòng phẳng.
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng để các nhà đầu tư yên tâm trở thành đối tác thì Nhà nước cần bảo đảm nguyên tắc bình đẳng và hài hoà lợi ích các bên. Thực tế chỉ cơ quan nhà nước mới được quyền yêu cầu nhà đầu tư phải thực hiện đúng các cam kết về tiến độ, về chất lượng… nếu nhà đầu tư không thực hiện đúng sẽ bị xử lý vì vi phạm hợp đồng. Ở chiều ngược lại, khi cơ quan nhà nước không thực hiện đúng cam kết, làm ảnh hưởng đến dự án, gây thiệt hại cho nhà đầu tư, ngân hàng thì chưa có chế tài xử lý.
Có trường hợp, phần vốn tham gia của Nhà nước chưa thực hiện theo cam kết, mức phí sử dụng đường bộ tại các dự án BOT (xây dựng, vận hành, chuyển giao) cũng không được điều chỉnh theo lộ trình cam kết làm ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án. Việc chưa điều chỉnh mức phí theo lộ trình, chưa bố trí đủ vốn hỗ trợ của Nhà nước thuộc trách nhiệm của phía cơ quan quản lý đối với những cam kết trong hợp đồng đã ký.
Không những vậy, những năm gần đây, các chính sách, quy định pháp luật của Việt Nam thường xuyên thay đổi như quy định về thuế, về giá/phí hay quy định về quản lý, sử dụng tài sản công gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn.
Luật PPP chỉ quy định cơ chế chia sẻ rủi ro đối với các dự án mới (quy định ở bước phê duyệt chủ trương đầu tư) mà chưa làm rõ phạm vi cơ chế, cũng như hướng dẫn áp dụng đối với các dự án đã và đang triển khai nhằm chia sẻ và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, kể cả dự án cao tốc Bắc - Nam sẽ triển khai khi Luật PPP bắt đầu có hiệu lực vào năm 2021.
Sau khi nêu ra những bấp cập, ông Vũ Tiến Lộc kiến nghị: "Nhà nước cần sớm giải quyết các cam kết, tồn tại cũ của các dự án đã triển khai, đồng thời hoàn thiện hệ thống pháp lý bình đẳng, phù hợp với thực tiễn. Đó là việc phải xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại của các dự án PPP đã triển khai, trong đó tập trung thực hiện đúng các cam kết của Nhà nước, bảo đảm quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư nhằm tránh các hệ lụy và tạo niềm tin cho nhà đầu tư, tổ chức tín dụng tham gia các dự án mới. Ngoài ra, cần xây dựng Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật PPP, trong đó làm rõ quy định về việc chia sẻ rủi ro cho dự án đã/đang thực hiện để xử lý những tồn tại của các dự án đang bị ảnh hưởng do việc thay đổi chính sách pháp luật hoặc cơ quan nhà nước không thực hiện đúng cam kết của hợp đồng".
Tham gia ý kiến về vấn đề này, PGS-TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - nhìn nhận: "Chúng ta không bàn đến lợi ích kinh tế Nhà nước với doanh nghiệp hay ngân hàng với doanh nghiệp. Phải đứng trên tinh thần vì lợi ích chung để xử lý. Như hiện nay thì không thể giải quyết được. Tôi cho rằng không phải tháo gỡ bất cập, đây là câu chuyện thay đổi cách tiếp cận để giải quyết ách tắc cơ chế. Tôi rất mừng khi cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Nhà nước đã quyết định để cho doanh nghiệp Việt Nam thực hiện. Điều đó tạo cơ hội cho doanh nghiệp nội lớn lên bằng những dự án lớn. Nhưng mà tạo cơ hội mà không tạo điều kiện thì khả năng là doanh nghiệp Việt Nam cũng không thể làm được, đã tạo cơ hội thì phải tạo điều kiện, khuyến khích doanh nghiệp mới được".
-
Ẩn số tín dụng khiến 5 dự án PPP cao tốc Bắc - Nam “chênh vênh”
Ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được chọn và ký kết hợp đồng cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn.
-
Một doanh nghiệp được thuê 73ha đất để xây dựng tuyến đường bộ ven biển gần 4.000 tỷ đồng
UBND tỉnh Thái Bình vừa có quyết định về việc cho Công ty TNHH đầu tư PPP đường ven biển tỉnh Thái Bình thuê đất để sử dụng vào mục đích xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình tại huyện Thái Thuỵ và huyện Tiền Hải....
-
Ưu tiên đầu tư cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 theo hình thức PPP hoặc BOT
Cafeland - Đó là kết luận của Thủ tướng trong cuộc họp với Thường trực Chính phủ về Dự án Cao tốc Bắc Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025, vừa được Văn phòng Chính phủ Thông báo trong văn bản số 92/TB-VPCP ban hành ngày 3/5/2021....
-
Metro số 5 được đề xuất đầu tư hình thức PPP trong giai đoạn 2
Metro số 5 (giai đoạn 2) đang được TP.HCM xem xét thay thế lựa chọn đầu tư đối tác công tư (PPP) thay vì hình thức đầu tư vay vốn ODA.