08/08/2014 10:52 AM
1.Cuối tháng 8-2012, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phạt Công ty Quản lý quỹ Lộc Việt 165 triệu đồng vì đã sử dụng tài sản của nhà đầu tư ủy thác để thực hiện các hợp đồng mua bán kỳ hạn, tương lai, không tuân thủ quy định về hạn chế hoạt động đối với công ty quản lý quỹ.

Nhân viên Ngân hàng TMCP Đại Tín (Trust Bank), tiền thân của Ngân hàng Xây dựng. Ảnh: THANH TAO

Thông tin nhỏ nhoi trên đáng lẽ đã lẫn vào dòng chảy tin tức vì khi đó UBCKNN đang “dẹp loạn” xu hướng bán khống nổi lên sau vụ bắt ông Nguyễn Đức Kiên và VN-Index rớt mạnh, nhưng nó lại được một số tổ chức đầu tư chú ý. Người ta lật lại báo cáo tài chính năm 2011 đã kiểm toán của Lộc Việt và nhận ra công ty quản lý quỹ có vốn điều lệ 25 tỉ đồng này đã được ủy thác số lượng tiền rất lớn 1.520,6 tỉ đồng năm đó và 3.774,5 tỉ đồng năm trước nữa. Cá nhân hay tổ chức đầu tư nào “thừa” tiền, ủy thác cho Lộc Việt nhiều thế?

Đầu tháng 2-2013 tập đoàn Thiên Thanh - cổ đông mới - chính thức tiếp quản Ngân hàng TMCP Đại Tín (sau đổi tên thành Ngân hàng Xây dựng). Ba tháng sau Ngân hàng Xây dựng ký hợp đồng ủy thác hơn 900 tỉ đồng kỳ hạn hai năm cho Lộc Việt để đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp. Cuối tháng 6-2013, trả lời phỏng vấn TBKTSG về việc ngân hàng đang tái cơ cấu, sao lại ủy thác cho một khách hàng nhiều vậy, ông Phạm Công Danh cho biết “khó khăn cũng phải hoạt động” và nhấn mạnh tỷ lệ cho vay trên huy động vốn của Ngân hàng Xây dựng khá thấp, tức ở mức an toàn.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xác nhận đúng là dư nợ của Ngân hàng Xây dựng tương đối thấp. Tổng vốn huy động của ngân hàng trong sáu tháng đầu năm nay khoảng 34.000 tỉ đồng, cho vay ước 19.000 tỉ đồng.

Điều này lý giải tại sao 1-2 ngày sau khi ba lãnh đạo của tập đoàn Thiên Thanh bị khởi tố và bắt tạm giam, Ngân hàng Xây dựng vẫn tự cân đối được nguồn để chi trả cho khách hàng có nhu cầu rút tiền mà không cần vay tái cấp vốn của NHNN. Phó thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh trong lễ ký kết hợp tác chiến lược giữa Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) và Ngân hàng Xây dựng ngày 1-8-2014 nói: “Chúng tôi chưa hỗ trợ gì cho Ngân hàng Xây dựng, tự họ chống đỡ được những ngày qua”. Và khi được hỏi về sự tham gia của Thiên Thanh liệu có để lại hậu quả, ông Thanh khẳng định: “Trên đường đi có sự vấp ngã thì chúng ta tiếp tục củng cố. Khi cần thiết, các ngân hàng phải biết dắt tay nhau mà đi, nếu có sai thì sửa”.

2. Giới tài chính phía Nam thường có những quy định bất thành văn mà dân ngoại đạo không dễ hiểu. Họ “ngửi” thấy từ sớm trước khi tin chính thức được công bố về sự thay đổi lãnh đạo các ngân hàng, nhất là tổ chức tín dụng cổ phần. Rồi họ tranh luận về xuất thân của những người mới đến, về kinh nghiệm nghề nghiệp và phỏng đoán tương lai của ngân hàng đó.

Tuy nhiên, trong những cuộc gặp gỡ của người cùng giới ngân hàng cả năm nay, không thấy ai đề cập đến Ngân hàng Xây dựng. Thậm chí khi ông Danh, ông Phan Thành Mai tham dự những cuộc họp ngân hàng do cơ quan quản lý chủ trì, tổng giám đốc hay chủ tịch một số ngân hàng còn ngơ ngác hỏi nhau hai vị ấy ở đâu ra, đại diện cho tổ chức tín dụng nào. Thiên Thanh là cái tên mới toanh, hoàn toàn lạ lẫm, lạ lẫm đến nỗi cho đến khi đã ngồi ở vị thế cổ đông lớn của Ngân hàng Xây dựng, giới tài chính cũng không mảy may biết họ là ai.

Chỉ một lần, tháng 3 năm nay, trong một buổi gặp, một ngân hàng tình cờ cho biết Ngân hàng Xây dựng sắp xây trụ sở to, hoành tráng. Ông kể Ngân hàng Xây dựng có tờ trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản ký hợp đồng thuê khu đất trên đường Sư Vạn Hạnh, quận 10, TPHCM làm trụ sở văn phòng. Đúng là Ngân hàng Xây dựng có tờ trình thật, công khai cho mọi cổ đông, theo đó tiền đặt cọc thuê là 756,7 tỉ đồng; tiền trả ứng trước thời gian thuê 10 năm 265 tỉ đồng (thuê 40 năm). Tính ra chỉ nguyên thuê mặt bằng, chưa xây, Ngân hàng Xây dựng đã bỏ ra hơn ngàn tỉ đồng (đã thanh toán).

3. Một quỹ đầu tư đang sở hữu hàng triệu cổ phiếu Vietcombank đã bất ngờ khi đón nhận tin “anh cả” của hệ thống ngân hàng trở thành đối tác toàn diện của Ngân hàng Xây dựng. Tổng giám đốc quỹ cho biết họ e ngại vì không thấy nói rõ Vietcombank sẽ hợp tác với Ngân hàng Xây dựng trong bao lâu, vài tháng, vài năm hay mãi mãi? Trong khi đó, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, phát biểu trong lễ ký kết: “Không có gì tồi tệ hơn sự mất niềm tin của người gửi tiền vào hệ thống ngân hàng. Vietcombank có đủ nguồn lực, nhân lực, vật lực để hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng về thanh khoản, xử lý nợ xấu, phát triển tín dụng đúng hướng”. Ông Bình nói, 14 năm trước Vietcombank đã từng hỗ trợ Eximbank và không thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực này.

Trước mắt chưa có bất cứ nguồn tin nào đề cập khả năng Ngân hàng Xây dựng sẽ “về chung một nhà” với Vietcombank và dường như bản thân Vietcombank cũng không “chào đón” phương án đó. Trong quá khứ, năm 1998, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã từng phải nhận công việc tái cơ cấu, nói đúng hơn là “giải cứu” Ngân hàng TMCP Nam Đô.

Khác với các ngân hàng tái cơ cấu hiện nay, những ngân hàng như Nam Đô, Mê Kông, Châu Á - Thái Bình Dương, Việt Hoa... lúc đó không thu hồi được nợ vì một số doanh nghiệp vay vốn khó khăn nghiêm trọng, làm ăn thất bát do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính châu Á, do biến động tỷ giá... Không có hiện tượng rút ruột ngân hàng, hoặc tập trung vốn cho các công ty sân sau của ông chủ này, ông chủ kia vay. Ngoài ra quy mô nợ xấu thời ấy so với bây giờ quá nhỏ. Một khách hàng vay cỡ 1 tỉ đồng đã là lớn.

Có một điểm giống nhau: ngày trước Nhà nước chỉ định BIDV hỗ trợ Nam Đô, nay Nhà nước chọn Vietcombank hợp tác với Ngân hàng Xây dựng. Cái khác ở chỗ BIDV năm 1998 là ngân hàng 100% vốn nhà nước; Vietcombank năm 2014 Nhà nước vẫn là cổ đông chi phối. Nam Đô sau đó khi tháo gỡ xong nợ nần, trả hết tiền cho người gửi tiết kiệm, đã được cho làm thủ tục giải thể. Kể từ khi tái cấu trúc đợt này, Việt Nam chưa giải thể ngân hàng nào, chỉ hợp nhất, sáp nhập, mua bán. Giả sử tới đây khi đã “hồng hào” trở lại, Ngân hàng Xây dựng xin sáp nhập vào Vietcombank, Vietcombank cũng không thể tự động gật đầu.

Vietcombank đã có cổ đông nước ngoài - cổ đông tên tuổi quốc tế, Vietcombank đã niêm yết. Muốn sáp nhập, mua bán, họ phải xin ý kiến cổ đông thông qua cuộc họp đại hội đồng cổ đông. Tất nhiên khi nhận hỗ trợ Ngân hàng Xây dựng, Vietcombank có những ưu đãi nhất định từ phía Nhà nước. Vấn đề là những ưu đãi ấy liệu có đủ sức nặng để cổ đông Vietcombank cân nhắc chấp nhận Ngân hàng Xây dựng? Xét cho cùng đối với một ngân hàng hàng đầu, nằm trong danh sách những doanh nghiệp tốt nhất của quốc gia như Vietcombank, hỗ trợ Xây dựng không phải là “nhiệm vụ bất khả thi”. Quan trọng là phần thưởng phải làm sao xứng đáng với nhiệm vụ đó. Nếu được vậy, biết đâu sự hợp tác Vietcombank - Xây dựng sẽ mở đường cho hướng mới, thúc đẩy công cuộc tái cấu trúc hệ thống nhanh đến đích hơn.

Hải Lý (Thời báo kinh tế Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.