Dự án Habico Tower được xây dựng trên khu đất rộng 4.490m2, tại số 288 Phạm Văn Đồng, với vốn đầu tư khoảng 220 triệu USD (hơn 5.000 tỉ đồng).
Theo thiết kế, Habico Tower có hai tòa tháp cao 180m, gồm 4 tầng hầm và 36 tầng nổi. Dự án có chức năng là tòa nhà thương mại, dịch vụ, khách sạn, văn phòng và nhà ở cao cấp cho thuê.
Dự án được khởi công vào năm 2008, dự kiến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2011. Habico - một đơn vị kinh doanh thiết bị xăng dầu "nhảy" qua làm bất động sản, chính là chủ đầu tư của dự án siêu sang này.
Là một “tay ngang” trong lĩnh vực bất động sản, nhưng Habico biết cách “bảo đảm” cho dự án bằng những tên tuổi nổi tiếng như nhà thầu Doosan, nhà đầu tư lớn là Công ty Dong Ri Won hay Công ty thiết kế Doul của Hàn Quốc.
Toà tháp bỏ hoang án ngữ đất vàng nhiều năm nhưng chưa bị xử lý.
Thời điểm dự án được chào bán ra thị trường, giới bất động sản được phen sốt sắng khi mỗi mét vuông sàn chung cư này được bán với giá từ 4.000 USD, ngang với giá các dự án Royal City, Madarin Gaden (trên 2.000 USD/m2) hay Keangnam (2.000 – 2.300 USD/m2) cùng thời. Với mức giá này, căn hộ rẻ nhất của tòa tháp có giá 21 tỉ đồng và căn hộ đắt nhất lên tới 85 tỉ đồng.
Tuy nhiên, nếu như các dự án đắt đỏ cùng thời với Habico Tower có lợi thế hơn hẳn bởi uy tín chủ đầu tư cũng như những đặc trưng mà không phải toà nhà nào cũng có thì toà tháp này lại được giới kinh doanh bất động sản thời điểm đó dự báo có “đỏ mắt” cũng khó tìm được người mua.
Giới bất động sản cho rằng, dự án tung ra chỉ mang tính chất gây sốt cho thị trường, nhà đầu tư muốn lướt sóng kiếm lời hay muốn đầu tư lâu dài cũng khó có thể xuống tiền cho một căn hộ như vậy.
Song lý giải cho sự đắt đỏ này, chủ đầu tư khẳng định, tòa nhà sẽ sử dụng toàn bộ nội thất và hệ thống thiết bị thông minh của Đức, Nhật Bản và Hàn Quốc. Thậm chí, căn hộ còn được lắp đặt nhiều thiết bị chưa từng có ở Việt Nam như: hệ thống sưởi sàn, vườn trong phòng, bồn tắm bằng gỗ Hinoki của Nhật Bản, sơn tường sản sinh ion âm tốt cho sức khỏe… và cả hệ thống kiểm tra y tế ngay trong từng căn hộ. Đặc biệt, căn hộ còn có phòng Panic Room có chức năng bảo vệ, được thiết kế chống cháy, ngăn khói bảo đảm an toàn trước súng đạn, hỏa hoạn…
Sau gần thập kỷ, cả toà tháp chỉ là khối bê tông 9 tầng bỏ hoang, nhiều hạng mục bị xuống cấp.
Không những vậy, chuyên gia Hàn Quốc còn hướng đến một kỷ lục trong xây dựng bằng việc hoàn thành một tầng nhà chỉ trong vòng bảy ngày. Tốc độ xây dựng được đẩy nhanh nhưng chất lượng luôn phải là tốt nhất và sẽ hoàn thành trong năm 2011.
Thế nhưng, trái với những đảm bảo của chủ đầu tư và những đơn vị tên tuổi từ Hàn Quốc, từ 2011 đến nay, dự án nằm im bất động sau khi xây xong khối bê tông 9 tầng.
Đáng chú ý, sự kiện khiến cho dự án vang danh một thời phải ngừng thi công vô thời hạn là tháng 5/2011, khi nhà thầu tiến hành căng cáp dự ứng lực tại sàn tầng 9 khối căn hộ thì xảy ra sự cố bê tông sàn bị phá hủy.
Kết quả kiểm tra ngày 10/5/2011 cho thấy toàn bộ sàn tầng 9, bê tông không đạt chất lượng theo yêu cầu thiết kế, chỉ đạt cường độ khoảng 50% so với yêu cầu thiết kế.
Sau khi xảy ra sự cố, dự án tạm ngưng thi công để giải quyết. Cùng với với một số rắc rối về mặt tài chính, chủ đầu tư Dong Ri Won gần như rút hết về nước, chỉ để lại một đơn vị nhỏ.
Cỏ mọc um tùm quanh dự án.
Tháng 8/2011, Thanh tra Sở Xây dựng Hà Nội tiến hành kiểm tra hoạt động xây dựng tại dự án Tòa tháp Habico. Kết quả kiểm tra cho thấy chủ đầu tư và các nhà thầu chưa xuất trình Quyết định phê duyệt tổng dự toán, chứng nhận phù hợp về chất lượng công trình, chưa thực hiện quan trắc lún công trình phần thân, hợp đồng thuê tư vấn giám sát. Đơn vị tư vấn giám sát (Công ty cổ phần tư vấn Toàn Cầu) phân công một số cá nhân làm công tác giám sát không có chứng chỉ hành nghề theo quy định.
Từ thời điểm bị ngừng thi công đến nay đã gần một thập kỷ, “huyền thoại” chung cư siêu đắt đỏ tại Hà Nội một thời nay chỉ là khối bê tông 9 tầng bỏ không, xung quanh cỏ dại mọc um tùm; công trường không có hoạt động thi công, cẩu thang, vận tháp cũng không còn.
Điều đáng nói là mặc dù không có dấu hiệu thi công trở lại sau nhiều năm, nhưng siêu dự án trị giá hàng nghìn tỉ đồng này vẫn hiên ngang án ngữ tại một trong những vị trí đắc địa bậc nhất Hà Nội hiện nay, gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí.
Cung đường Phạm Văn Đồng được coi là cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, với lưu lượng hàng ngàn xe qua lại mỗi ngày, chủ yếu từ các tỉnh phía Tây Bắc vào nội đô. Do đó, đây là vị trí mà nhà phát triển bất động sản nào cũng ao ước trong bối cảnh quỹ đất khan hiếm hiện nay.
Theo tìm hiểu, trong lần thay đổi đăng ký kinh doanh vào cuối quý 1/2017, Công ty cổ phần Hải Bình có vốn điều lệ là 100 tỉ đồng.
-
Doanh nghiệp “ôm” 4.000m2 đất vàng gần Bờ Hồ để nuôi cỏ
CafeLand - UBND TP.Hà Nội vừa trả lời kiến nghị của cử tri quận Hoàn Kiếm về khu “đất vàng” trên phố Hàng Bài bỏ hoang nhiều năm.
-
Công viên hơn 3.400 tỷ đồng tại Thủ đô chính thức đưa vào hoạt động sau 7 năm bỏ hoang
Sau nhiều năm bi bỏ hoàng, chủ đầu tư đã bàn giao tạm thời cho UBND quận Nam Từ Liêm các hạng mục thuộc dự án xây dựng công viên hồ Phùng Khoang để chính thức đưa vào hoạt động trước Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025....
-
Loạt dự án “đắp chiếu” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai vào tầm ngắm thu hồi?
Thời gian tới, UBND TP. Hà Nội sẽ chỉ đạo các Sở, ngành rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện các dự án “treo” nhiều năm tại Đông Anh, Đan Phượng, Quốc Oai. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, báo cáo UBND thành phố xem xét thu hồi t...
-
Vì sao dự án tái định cư bị "chê"?
Tại phiên chất vấn Quốc hội chiều 3.11, Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nêu vấn đề, nhiều dự án nhà ở tái định cư được hình thành nhưng đến nay bị bỏ hoang, không còn nhu cầu sử dụng. Hầu hết các dự án này hình thành trước khi có Luật Nhà ở năm 201...