06/07/2015 1:57 PM
Biết di dân đi đâu, trong khi việc tháo dỡ, cắt ngọn công trình sẽ làm ảnh hưởng đến đời sống và tính mạng của hàng trăm hộ dân đang cư trú, sinh sống tại toà chung cư 93 Lò Đúc (Hai Bà Trưng – Hà Nội). Pháp luật đã quy định rõ ràng về việc xử phạt vi phạm hành chính, khắc phục hậu quả đối với hoạt động đầu tư xây dựng sai phép, không phép, vậy tại sao chúng ta không áp dụng theo những giải pháp hợp tình hợp lý đó mà cứ phải nhất nhất là phải phá dỡ công trình đi?

Khó cho dân và người thực thi quyết định

Việc 20 hộ dân cư trú tại những căn hộ “penthouse” của toà nhà 93 Lò Đúc đã được Thanh tra xây dựng và Thanh tra Chính phủ kết luận về mức độ sai phạm và yêu cầu xử lý. Tuy nhiên, việc tháo dỡ và trả lại nguyên trạng theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ trong buổi tiếp công dân hồi đầu tháng 4/2015 là chuyện không hề dễ, bởi việc tháo dỡ sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kinh phí, đời sống người dân do việc tháo dỡ gây nhiều nguy hiểm và phải di dân toàn bộ đi nơi khác.

Cũng sau khi có kết luận, nhiều hộ dân sống tại những căn hộ thuộc tầng 29, 30 của toà nhà đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp tới Thanh tra Chính phủ, UBND Thành phố Hà Nội để bày tỏ về những lo ngại và cho rằng giải pháp tháo dỡ là không phù hợp.

Đại diện phía chủ đầu tư là Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô cũng cho rằng, việc tháo dỡ tầng 30 sẽ gây thiệt hại rất lớn vì nếu cho tháo dỡ thì hàng nghìn hộ dân đang cư trú tại toà nhà phải được đưa đi sơ tán, điều này sẽ liên quan đến kinh phí, an toàn tính mạng và tòa nhà cũng phải ngưng mọi hoạt động.

Không những vậy, việc tháo dỡ cũng sẽ không đơn giản bởi hệ thống kỹ thuật để vận hành như điện, nước, Internet đều nằm hết ở phía trên cùng của toà nhà. Và với độ cao trên 100m, sự nguy hại về nhiều mặt cũng khó có thể lường trước được.

Như Báo Xây dựng đã đưa tin, chung cư 93 Lò Đúc được khởi công xây dựng từ năm 2004 với 2 tầng hầm, 28 sàn tầng và tum thang. Tuy nhiên, trong quá trình đầu tư xây dựng, Công ty TNHH Khách sạn Kinh Đô đã làm sai với giấy phép xây dựng đã được Sở Xây dựng cấp phép trước đó, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc, gây kiện tụng kéo dài như hiện nay.

Liệu có nhất thiết phải tháo dỡ công trình?

Thực tế cho thấy, toà nhà 93 Lò Đúc được vận hành và đi vào sử dụng đã ngót 10 năm, để kiểm tra mức độ an toàn, năm 2013, UBND Thành phố và Viện khoa học công nghệ xây dựng (Bộ xây dựng) đã cho khảo sát, kiểm tra và có kết luận cụ thể đối với việc đảm bảo an toàn về khả năng chịu lực của tòa nhà. Như vậy, công trình đã được đảm bảo đầy đủ về mức độ an toàn cũng như điều kiện sống cho hàng trăm hộ dân thì liệu có nhất thiết là cứ phải tháo dỡ hay đập phá đi? Trong khi, Chính phủ đã có hàng loạt các giải pháp xử lý hợp tình đối với những trường hợp “khó xử” như những công trình này.

Cụ thể, tại Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở.

TS.Phạm Gia Yên, Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng cho biết: Tại Khoản 9, Điều 13, Nghị định 121/2013/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định: “Hành vi quy định tại khoản 3, khoản 5, khoản 6 và điểm b khoản 7 Điều này mà không vi phạm chỉ giới xây dựng, không gây ảnh hưởng các công trình lân cận, không có tranh chấp, xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, còn bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được bằng 40% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép đối với công trình là nhà ở riêng lẻ và bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, sai thiết kế được phê duyệt hoặc sai quy hoạch xây dựng hoặc thiết kế đô thị được duyệt đối với công trình thuộc dự án đầu tư xây dựng hoặc công trình chỉ yêu cầu lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình. Sau khi chủ đầu tư hoàn thành việc nộp phạt thì cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng hoặc điều chỉnh giấy phép xây dựng”.

Như vậy, việc “cơi nới” thêm tầng 29,30 của toà 93 Lò Đúc theo kết luận của Viện Khoa học công nghệ xây dựng trước đó là đảm bảo an toàn và không gây ảnh hưởng đến các công trình lân cận. Mặt khác, theo những quy định đã nêu tại Nghị định 121, nhà quản lý nên xem xét mức độ tình- lý phù hợp để giải quyết xử phạt bằng 50% giá trị phần xây dựng sai phép, không phép, khi đó, nhà nước vừa có thể thực thi pháp luật mà người dân cũng không phải đêm ngày trăn trở việc “mình sẽ phải di dời đi đâu, về đâu?”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, giải pháp đập đi chưa hẳn đã là tối ưu, bởi việc này không những gây khó cho dân, mà nhà quản lý cũng khó lòng xử lý. Để đảm bảo công trình có đủ điều kiện an toàn hay không, các cơ quan chức năng cứ cho khảo sát về mức độ an toàn và khả năng chịu lực thêm một lần nữa, nếu mức độ an toàn chưa đảm bảo thì lúc ấy, phần sai phép đập đi cũng chưa muộn.

Mỗi con đường đều dẫn đến một tương lai sáng lạng nếu chúng ta biết đặt lợi ích của nhân dân lên làm trọng. Các hộ dân sống tại tầng 29 và 30 của toà 93 Lò Đúc hàng chục năm nay đang phải sống trong hoang sợ về nguy cơ sẽ bị cắt ngọn, mất nhà trong nay mai. Có sai, có sửa, vì những quy định pháp luật có sẵn, nhà quản lý nên có sự nhìn nhận, đánh giá phù hợp để có cách giải quyết thấu tình đạt lý, vẹn cả đôi đường, bởi đập nhà đi chưa hẳn đã là giải pháp tốt nhất.

Kim Thoa (Xây dựng)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.