Những bất ổn trên thị trường bất động sản vừa được Bộ Xây dựng vạch mặt chỉ tên.

Thị trường bất động sản hiện nay phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng, do vậy chịu tác động lớn, trực tiếp, từ các chính sách tiền tệ của Nhà nước
Bình luận về diễn biến trên thị trường bất động sản (BĐS) 9 tháng đầu năm 2010, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Cao Lại Quang cho biết, giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát. Theo kết quả khảo sát thực tế, giá BĐS nói chung, trong đó có giá nhà ở nói riêng, tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, mức độ phát triển của nền kinh tế nước ta, cũng như vượt quá xa giá trị thực của BĐS.

Giá đất Hà Nội nóng nhất

Nỗ lực giải mã thị trường, đại diện Bộ Xây dựng phát hiện, giá cả BĐS biến động không đồng đều giữa các địa phương. Nếu thị trường bất động sản ở 2 thành phố lớn nhất nước (Hà Nội và TPHCM ) có biến động mạnh thì thị trường bất động sản tại các thành phố khác không có biến động đáng kể, thậm chí... đứng yên. Ngay cả sự biến động của thị trường bất động sản của Hà Nội và TPHCM cũng khác nhau. Ở khu vực Hà Nội, tại thời điểm quý II/2010, giá đất nền tăng trung bình 30% so với tháng 12/2009, đặc biệt tại khu vực phía Tây thành phố (quận Hà Đông, huyện Hoài Đức, Đan Phượng ...), giá cả căn hộ chung cư không tăng nhưng vẫn đứng ở mức cao, trong khi giá bất động sản (đất nền, căn hộ chung cư) tại khu vực TPHCM hầu như không tăng, giao dịch chậm.

Cơ quan quản lý Nhà nước về thị trường BĐS tạm kết luận: “Thị trường đã phục hồi nhưng vẫn phát triển thiếu ổn định, không bền vững”. Ở các đô thị lớn, tiến độ triển khai các dự án vẫn chậm làm giảm khả năng cung hàng hóa cho thị trường. Mặc dù cơ chế chính sách đã được tháo gỡ, thủ tục hành chính được đơn giản hóa và công khai cho mọi người dân nhưng khâu đền bù, giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó do chính sách liên tục thay đổi. Tại TPHCM, diện tích nhà ở xây mới năm 2009 chỉ đạt 4,05 triệu m2, thấp hơn nhiều so với bình quân khoảng 6 triệu m2/năm trong năm 2007 và năm 2008. Tương tự, tại Hà Nội, rất ít dự án khu đô thị mới có quy mô lớn được khởi công xây dựng trong năm 2010, do phải rà soát lại khi triển khai lập Đồ án quy hoạch Hà Nội mở rộng.

BĐS trông chờ… các ông chủ nhà băng

Theo thông tin từ NHNN, tăng trưởng tín dụng trong kinh doanh BĐS hiện nay vẫn được duy trì ổn định. Tính đến 31/7/2010, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực này đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2009, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%. Thị trường bất động sản tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Tính đến 20/8/2010, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản đạt 2,358 tỷ USD, chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của cả nước, tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009.

2,358 tỷ USD là số vốn FDI rót vào lĩnh vực BĐS từ đầu năm đến 20/8/2010

Tuy vậy, ý kiến từ phía các nhà chuyên môn cho rằng, hệ thống tài chính BĐS chưa hoàn thiện dẫn tới thị trường phụ thuộc lớn vào động thái của chính sách tiền tệ, tín dụng cũng như hệ thống ngân hàng. Đến quý III/2010, cùng với việc thắt chặt tín dụng cho BĐS, thị trường bắt đầu có dấu hiệu đình trệ về giao dịch. Dư nợ cho vay xây dựng khu đô thị mới tại thời điểm 31/7/2010 tăng trưởng âm (-) 2,35% so với mức tăng trưởng 10,2% của cả năm 2009. Tương tự, dư nợ cho vay xây dựng, sửa chữa, mua nhà để ở chỉ tăng 5,47% so với 27,2% của cả năm 2009. Mặt khác, lãi suất cho vay ở mức cao, đa số các ngân hàng đang áp dụng lãi suất xấp xỉ 13%/năm hoặc cao hơn. Điều này cũng cho thấy, nếu các yếu tố kinh tế vĩ mô không ổn định, lạm phát luôn đứng trước nguy cơ vượt ngưỡng cho phép, thì khó có thể tạo dựng được một thị trường BĐS phát triển bền vững.

Nên có quỹ tiết kiệm nhà ở

Xuất phát từ nhận định thị trường vẫn tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng trong giai đoạn trước mắt, các doanh nghiệp kinh doanh BĐS cho rằng, chính sách tài chính, tiền tệ cần rất linh hoạt để vừa đảm bảo không tạo ra “bong bóng” trên thị trường, nhưng cũng không thắt chặt đột ngột gây “đổ vỡ” thị trường trên diện rộng. Cùng với đó, về lâu dài, cần thành lập Quỹ tiết kiệm nhà ở để hỗ trợ cho người lao động có điều kiện mua nhà. Đồng thời, phải nghiên cứu thí điểm thành lập Cơ quan tái tài trợ thế chấp và Quỹ đầu tư tín thác BĐS để tạo thêm nguồn cung cấp vốn ngoài các tổ chức tín dụng cho thị trường.

Ngoài ra, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh tập trung nguồn lực cho các chương trình nhà ở xã hội trọng điểm (nhà ở cho công nhân, nhà cho người thu nhập thấp...) cũng như sớm giải quyết các vướng mắc có liên quan đến công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, nộp tiền sử dụng đất khi thực hiện Nghị định 69/2009/NĐ-CP. Đồng thời, cần thiết lập hệ thống thông tin về thị trường BĐS thống nhất từ Trung ương tới địa phương, với kỷ luật và chế độ báo cáo nghiêm túc, tập trung, đầy đủ, kịp thời, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, điều chỉnh thị trường bất động sản một cách khoa học, đồng thời góp phần công khai minh bạch hoá thị trường BĐS.

Cafeland.vn - Theo Phương Mai (Doanhnhan)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland