TP Cần Thơ nhận diện những mặt hạn chế để từ đó vạch phương hướng phát triển, xứng tầm là đô thị trung tâm vùng ĐBSCL.

Sau 16 năm thành lập, TP Cần Thơ ngày càng thể hiện vai trò là động lực thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển, từng bước khẳng định vai trò trung tâm của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Với những thành quả đã đạt được, Cần Thơ đã sẵn sàng bứt phá để phát triển nhanh và bền vững hơn.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP.Cần Thơ, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM những điểm mạnh, hạn chế và vạch những định hướng lớn để TP Cần Thơ đạt được sự phát triển như kỳ vọng.

TP Cần Thơ nhìn từ trên cao. Ảnh: CHÂU ANH

Những bước chuyển mình lớn

. Phóng viên: Từ khi là TP trực thuộc trung ương, Cần Thơ có những bước phát triển gì so với trước đó, thưa ông?

+ Ông Trần Việt Trường: Điều dễ nhận thấy nhất là diện mạo của TP Cần Thơ có những thay đổi đáng kể theo hướng tích cực. Bên cạnh việc cải tạo, nâng cấp, chỉnh trang đô thị, nhiều khu đô thị mới, khu tái định cư, khu thương mại, dịch vụ ở các quận, huyện, nhất là ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy đã được đầu tư theo hướng quy hoạch hiện đại. Cần Thơ đặc biệt chú ý việc chỉnh trang hệ thống sông rạch, tăng cường không gian xanh, không gian mặt nước trong đô thị. Hoàn thành các dự án phục vụ cộng đồng, môi trường, xử lý rác, nước thải... theo hướng bền vững. Kết quả là TP Cần Thơ được vinh danh “Cảnh quan đô thị châu Á 2016”.

Cần Thơ cũng luôn quan tâm việc thiết lập, phát triển, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức quan hệ với các đối tác nước ngoài; xây dựng các chương trình ưu tiên thúc đẩy các mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa, thương mại quốc tế.

Trong thời gian qua, Cần Thơ cũng đã cơ bản phát triển và đổi mới hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không để kết nối, lan tỏa, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL nói chung và TP nói riêng.

. Việc phát triển luôn là kỳ vọng của người dân và chính quyền, tuy nhiên để đạt được phải thấy rõ những hạn chế. Vậy Cần Thơ có những hạn chế, tồn tại nào phải khắc phục, thưa ông?

+ Chúng tôi đã nhìn nhận và xác định sáu hạn chế lớn cần tiếp tục khắc phục, tháo gỡ.

Về kinh tế, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt mức cao nhưng chất lượng tăng trưởng chưa cao, thiếu ổn định và bền vững; chuyển đổi mô hình tăng trưởng chuyển biến chậm so với bốn TP trực thuộc trung ương và một số tỉnh trong vùng.

Chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều hạn chế, việc tổ chức triển khai quy hoạch còn chậm, quy hoạch phát triển đô thị thiếu tầm nhìn. Vấn đề ùn tắc giao thông cục bộ, ngập diện rộng lúc triều cường, sụt lún đô thị, tình trạng ô nhiễm ở một số địa bàn; tình trạng xây dựng không phép, trái phép làm mất mỹ quan đô thị vẫn còn xảy ra.

Mặt khác, môi trường đầu tư, thông tin kinh tế - xã hội, hợp tác liên kết vùng thiếu phân công cụ thể, chưa thật sự hiệu quả, chưa đủ sức hấp dẫn thu hút đầu tư. Việc tổ chức thực hiện các dự án, công trình mang tính chất vùng, quốc gia còn nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là thiếu cơ chế phối hợp, hợp tác, liên kết chưa đủ mạnh, thiếu vốn đầu tư, còn mang tính cục bộ địa phương, thiếu kết nối, thiếu đồng bộ.

Ông Trần Việt Trường.

Bảy giải pháp trọng tâm để phát triển

. Nhận diện hạn chế là điều quan trọng nhưng vấn đề vạch hướng đi đúng để phát triển là điều then chốt. Cần Thơ có những giải pháp nào để khắc phục những hạn chế?

+ Qua tổng kết, đánh giá, giữa năm 2020, Bộ Chính trị có Nghị quyết 59-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Có thể nói Nghị quyết số 59 lần nữa khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của Cần Thơ đối với vùng ĐBSCL và cả nước, vạch ra những giải pháp mới để xây dựng và phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL, thành đô thị hạt nhân vùng ĐBSCL...

Để đạt được mục tiêu trên, TP xác định bảy nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm. Trước hết là thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo hướng phát huy ở mức cao nhất các tiềm năng, lợi thế không chỉ của TP mà của cả vùng ĐBSCL.

Kế đến là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, kết nối nội vùng và liên vùng, liên vận quốc tế. Thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế - xã hội, nhất là cho phát triển cơ sở hạ tầng và các ngành kinh tế có tiềm năng, lợi thế.

Xem thêm thông tin: BĐS Tp.Cần Thơ

Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ khoa học và công nghệ... và là trung tâm giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế chuyên sâu của vùng. Cần Thơ cũng gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội.

Thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái; tăng cường liên kết, hợp tác với các tỉnh trong vùng ĐBSCL, khu vực và các tỉnh, thành khác.

Về mô hình quản trị đô thị, TP đã xây dựng và đang xem xét phê duyệt “Đề án xây dựng TP Cần Thơ phát triển thành đô thị thông minh, giai đoạn 2016-2025”.

Khi triển khai đề án về cơ bản sẽ khắc phục, bổ sung những điểm yếu của mô hình quản trị truyền thống hiện nay cho phù hợp với sự phát triển xã hội tại địa phương.

Phát triển nguồn nhân lực

. Quy hoạch đô thị luôn là vấn đề lớn, Cần Thơ cũng xác định nó là một trong các giải pháp trọng tâm để phát triển, ông có thể thông tin rõ hơn, thưa ông?

+ Năm 2020, Thủ tướng đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Cần Thơ đang khẩn trương đánh giá kết quả đấu thầu quốc tế, lựa chọn đơn vị tư vấn để lập quy hoạch trình Thủ tướng phê duyệt.

Khi có quy hoạch, nó sẽ là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hội nhập, đối ngoại trên địa bàn. Và là căn cứ để hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch đầu tư và kiến tạo động lực phát triển sản xuất, kinh doanh, an sinh xã hội, an ninh, an toàn, văn minh.

Cần Thơ cũng đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, sở, ngành liên quan và địa phương nâng cao chất lượng quy hoạch phân khu các quận, quy hoạch chung thị trấn, đầu tư xây dựng đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; đô thị hạt nhân của vùng đồng ĐBSCL, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái.

. Muốn làm được việc thì cần phải có nguồn nhân lực tốt. TP đã và sẽ có những cơ chế, chính sách gì thu hút được nguồn nhân lực cho sự phát triển của mình trong thời gian tới?

+ Cần Thơ luôn quan tâm đến công tác xây dựng và phát triển nguồn nhân lực và đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo tính đột phá trong công tác phát triển nguồn nhân lực. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; thu hút nhân tài. Tập trung xây dựng đội ngũ lãnh đạo các cấp, chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên môn có bản lĩnh... đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ hội nhập quốc tế và sẽ có đề án cho việc này.

Riêng đối với chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực, trên cơ sở tổng kết, UBND sẽ trình HĐND ban hành chính sách thu hút, hỗ trợ, khuyến khích nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn tới.

. Xin cám ơn ông.

Hoàn thiện giao thông, mở rộng không gian đô thị

Bộ GTVT đang triển khai lập các quy hoạch đường bộ, đường thủy, cảng biển, hàng không, đường sắt thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050.

Trên cơ sở đó, Cần Thơ sẽ đề xuất đưa vào quy hoạch phát triển giao thông liên kết vùng qua địa bàn TP như sau: Hoàn chỉnh các tuyến cao tốc, quốc lộ trục dọc, trục ngang kết nối TP Cần Thơ với các tỉnh vùng ĐBSCL và TP.HCM, hoàn chỉnh giai đoạn 2 dự án luồng cho tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu, phát triển cảng Cái Cui thành cảng biển quốc tế; phát triển các hành lang đường thủy và logistics khu vực phía Nam; nâng cấp mở rộng cảng hàng không quốc tế Cần Thơ đạt quy mô hai đường băng hạ cất cánh và xây dựng trung tâm logistics hàng không tại Cần Thơ; xây dựng tuyến đường sắt TP.HCM - Cần Thơ.

TP Cần Thơ phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/5000 các quận và quy hoạch chung xây dựng tỉ lệ 1/5000 các huyện, trong đó đã cơ bản hình thành quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông. Ưu tiên quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông giải quyết được các điểm nghẽn và tăng khả năng liên kết toàn TP, liên kết giữa các phương thức vận tải, phát triển giao thông đô thị và giao thông công cộng.

Nhẫn Nam - Gia Tuệ (Pháp Luật TP.HCM)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.