CafeLand – Theo ông Joseph Azzarello, Giảng viên đào tạo chứng chỉ Leed thuộc Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ, cuộc sống hiện đại ngày nay đang đẩy con người vào không gian sống ngột ngạt song chủ đầu tư lại chẳng mấy quan tâm điều đó.

Bị nhốt trong những chiếc “hộp”

Theo ông Joseph Azzarello, hiện nay tại nhiều tòa nhà cao tầng, người sử dụng giống như bị nhốt trong những chiếc hộp

Khái niệm công trình xanh được định nghĩa là những công trình đạt được hiệu quả cao trong việc sử dụng năng lượng và vật liệu, hạn chế tối đa những tác động không tốt lên sức khoẻ con người và môi trường tự nhiên.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, con số công trình đạt và đăng ký chứng chỉ công trình xanh tính đến thời điểm hiện tại khá khiêm tốn, khoảng hơn 120 công trình (theo thống kê của Hội đồng Công trình Xanh Việt Nam năm 2017).

"Nếu như trước đây, chúng ta có thể sống trong những căn nhà rộng rãi, đầy đủ ánh sáng, gió và khí trời trong lành, có thể dễ dàng đi qua hàng xóm hỏi thăm nhau thì giờ đây đã ngược lại", Ông Joseph Azzarello nói.

Ông cho biết, để đáp ứng nhu cầu xã hội, nhiều chủ đầu tư dự án đã xây nên những chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng mà không quan tâm đến sức khỏe người sử dụng. Những cư dân hay nhân viên sống và làm việc trong những tòa nhà này giống như bị nhốt trong những chiếc hộp và phải tiêu thụ nhiều năng lượng, không có lợi cho xã hội lâu dài, ông nói.

Ông Joseph Azzarello cũng cho rằng, những dự án bất động sản thương mại, nhà ở hiện nay chỉ đáp ứng được yêu cầu đảm bảo tính pháp lý theo quy định của nhà nước mà không quan tâm đến sức khỏe người tiêu dùng là những dự án tồi.

Khó thuyết phục chủ đầu tư

Có nhiều lý do khiến số lượng công trình xanh tại Việt Nam còn ít ỏi, trong đó quan trọng là nhận thức của cộng đồng và người tiêu dùng còn hạn chế.

Tai hội thảo Xu hướng phát triển của công trình xanh tại Việt Nam và trên thế giới do Tập đoàn Kohler cùng đối tác tổ chức, vừa diễn ra tại Tp.HCM, thành viên một công ty bất động sản Hong Kong mới vào Việt Nam cho biết, công ty bà có biết đến những chứng chỉ xanh hiện nay và công trình xây dựng theo các tiêu chí này sẽ tốt cho môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, hiện nay các cơ quan ban ngành không có ràng buộc chủ đầu tư các dự án phải thực hiện. Do đó, trong quá trình phát triển dự án rất khó để thuyết phục cấp trên làm dự án xanh.

Hầu hết chủ đầu tư xây dựng công trình xanh trước hết là nhằm mục đích marketing, bán được hàng

Nhìn nhận về vấn đề này, KTS.Trần Khánh Trung, Chủ nhiệm CLB Kiến trúc Xanh Tp.HCM cho biết, thực tế này là có thật. Nguyên nhân chính vẫn là nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế và phần dễ dãi chấp nhận những công trình không xanh.

Ông lấy ví dụ, hệ thống cửa hàng thực phẩm Starbucks có mạng lưới phát triển hầu như phủ đều khắp các tỉnh thành Việt Nam, tuy nhiên cho đến nay chưa có một cửa hàng nào đăng ký chứng nhận công trình xanh. Trong khi đó, cũng là Starbucks ở Thái Lan có đến mấy chục công trình xanh đạt chứng nhận của Leed. Cùng một chủ đầu tư nhưng ở Thái Lan họ suy nghĩ khác bởi nhận thấy nếu công trình đạt chứng nhận xanh thì có thể sẽ thu hút khách hàng nhiều hơn và doanh thu tăng.

Điều đó có nghĩa là các chủ đầu tư làm công trình xanh đầu tiên là nhằm mục đích marketing, bán được hàng và lợi nhuận tăng. Chính vì thế, nếu người tiêu dùng không quan tâm đến công trình có xanh hay không thì các chủ đầu tư cũng không mặn mà xây dựng bởi không mang lại lợi ích kinh doanh cho họ.

Do đó, để các chủ đầu tư thay đổi tư duy, theo ông Trung cần phải có sự tác động thông tin từ xã hội, trong đó nhận thức của người tiêu dùng rất quan trọng.

Một ý kiến khác cho rằng, ở các dự án chung cư, chủ đầu tư có thể dùng chứng nhận công trình xanh để thể hiện trong hồ sơ bán hàng. Khi người mua nhà, nhất là người mua nhà có 2-3 căn hộ biết được mỗi tháng họ tiết kiệm được một số tiền điện, nước nhất định cũng sẽ là yếu tố kích thích họ quyết định lựa chọn, thay vì mua nhà tại các dự án không thực hiện theo tiêu chí xanh.

Một khi nhìn ra lợi ích, chi phí đầu tư công trình xanh ban đầu 2-3% có thể sẽ không còn là rào cản quá lớn với chủ đầu tư. Nếu có khả năng tài chính, các chủ đầu tư nên dự trữ thêm chi phí này để thực hiện công trình xanh. Sau khi công trình đi vào hoạt động, khoảng 5 năm có thể hoàn khoản vốn này, 20-30 năm sau sẽ thu được rất nhiều lợi ích.

Thịnh Châu
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.