Trong khi nhiều dự án bất động sản tại TP.HCM giảm giá bán 35 - 40%, thì tại Hà Nội, các chủ đầu tư vẫn ra hàng với mức giá không mấy thay đổi.
Chủ đầu tư cầm cự giá bánMặc dù phải đối mặt với “cơn bão” tín dụng đen khiến các giao dịch bất động sản trong giới đầu cơ gần như đóng băng, nhưng các chủ đầu tư dự án bất động sản tại Hà Nội vẫn tỏ ra “ung dung” hơn so với các chủ đầu tư địa ốc tại TP.HCM.

Chiến dịch khuyến mãi đáng kể duy nhất trong tháng 10/2011 tại Hà Nội thuộc về Công ty cổ phần Đầu tư C.E.O với chương trình “Mua nhà hôm nay, tặng ngay Altis”, áp dụng với Dự án Sunny Garden City.

Trước đó, trong quý II/2011, Công ty Sông Đà - Thăng Long (STL) cũng thực hiện chiến dịch khuyến mãi với việc tặng thêm hàng chục mét vuông sàn thương mại cho khách mua đóng tiền một lần. Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) cũng giảm giá 12% đối với căn hộ Eco Park. Tuy nhiên, từ đó đến nay, STL và Vihajico chưa có thêm động thái giảm giá nào khác.

Trong quý III/2011, nhiều dự án bất động sản của các chủ đầu tư danh tiếng như VINCOM với các dự án như VINCOM Village hay Times City… có tốc độ bán hàng khá tốt. Các chủ đầu tư khác với các dự án tại khu vực Hà Đông như Nam Cường, Hải Phát hay Vina Megastar… vẫn “túc tắc” ra hàng.

Một câu hỏi được giới đầu tư đặt ra là, điều gì làm nên sự khác biệt giữa thị trường bất động sản Hà Nội và TP.HCM. Thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, tỷ lệ vay ngân hàng của các chủ đầu tư tại Hà Nội thấp hơn nhiều so với TP.HCM. Trong khi dư nợ cho vay bất động sản tại TP.HCM là 47%, thì tại Hà Nội, con số này chỉ khoảng 16%. Đây chính là điểm khác biệt của thị trường địa ốc Hà Nội và TP.HCM.

Lý giải sự “im ắng” của các chủ đầu tư bất động sản tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, còn do một tỷ lệ đáng kể dự án bất động sản đã được “bán trên giấy” từ trước khi khởi công. Số tiền này giúp chủ đầu tư thực hiện đầu tư hạ tầng, làm móng, trang trải cho nhà thầu…, mà không phải chịu nhiều sức ép từ lãi suất ngân hàng. Đây cũng là lý do khiến thị trường địa ốc Hà Nội chưa xuất hiện tình trạng bán tháo dự án.

Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, điều này không có nghĩa là, các chủ đầu tư Hà Nội không chịu sức ép giảm giá. Việc nhà đầu tư “cầm cự” như thế nào và cầm cự được bao lâu còn phụ thuộc vào tình hình thực tế của mỗi doanh nghiệp. Động thái giảm giá bán bất động sản, ngoài việc mang lại lợi ích cho người mua, cũng giúp người bán có nguồn vốn để xử lý các khó khăn trước mắt, như kết thúc dứt điểm dự án, có cơ hội tái cấu trúc doanh nghiệp, có nguồn vốn để đầu tư vào các cơ hội tốt hơn.

Ông Phan Thành Mai, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, thị trường hiện nay là hệ quả của giai đoạn phát triển bùng bổ và tăng trưởng tín dụng mạnh trong các năm 2006 - 2008. Đặc biệt, tỷ trọng cho vay đầu tư vào các dự án bất động sản rất cao. Sau thời gian ân hạn để xây dựng, các doanh nghiệp phải trả gốc và lãi. Ngoài áp lực trả lãi ngân hàng và giải ngân theo tiến độ dự án, doanh nghiệp còn phải chịu nhiều khó khăn khác, như áp lực cung - cầu. Tại TP.HCM, cung - cầu nhà ở đã tương đối cân bằng, trong khi tại Hà Nội, phân khúc căn hộ cao cấp đã bão hoà.
Theo Hà Quang (Báo Đầu tư)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.