Chủ đầu tư buộc phải tăng giá bất động sản trước nhiều áp lực về đầu vào nguyên liệu, giá đất, thuế đất... Ảnh minh hoạ
Đầu năm 2021, thị trường bất động sản đã phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, cùng với đó là cơn sốt đất quay cuồng từ Bắc chí Nam.
Tuy nhiên, vào cuối tháng 4 vừa qua, với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền, cơn sốt đất tạm thời đã hạ nhiệt.
Cùng với sự tái phát của dịch bệnh, nhu cầu tìm hiểu, giao dịch đất đai của người dân cũng giảm mạnh, nhiều khu vực đã xuất hiện giảm giá, cắt lỗ.
Trong bối cảnh đó, một số nhà đầu tư cho rằng việc dịch bệnh tái bùng phát sẽ ảnh hưởng đến lực cầu của người dân. Điều đó sẽ khiến giá bất động sản giảm trong ngắn hạn.
Lúc này, những nhà đầu tư có tiềm lực tài chính sẽ có cơ hội tốt để “bắt đáy” nhà đất với giá hời.
Lập luận này không phải không có lý. Bởi thực tế cho thấy, nhiều nhà đầu tư đã “bắt đáy” thành công, hoặc mua được những lô đất giá hời từ những người bị “mắc cạn”.
Tuy nhiên, ở một góc độ khác, nhiều nhà đầu tư lâu năm cho rằng, giá bất động sản khó giảm đại trà do dịch bệnh.
Chị Hoàng Ánh Tuyết, một nhà đầu tư tại Hà Nội, cho biết đúng là vẫn có cơ hội cho những ai muốn chờ bất động sản giảm giá, cắt lỗ trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, tình trạng bất động sản giảm sâu hoặc đại trà do dịch bệnh rất khó xảy ra.
Theo chị Tuyết, sau cơn sóng đất vừa qua, nhà đầu tư có thể chờ đợi để mua đất nền cắt lỗ ở vùng ven. Còn đối với các phân khúc vốn có tính ổn định như căn hộ và nhà phố, tình trạng cắt lỗ dù là trong thời điểm dịch bệnh không nhiều. Bởi lẽ, nhu cầu nhà ở luôn cao, còn dịch bệnh chỉ mang tính ngắn hạn.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cho biết hiện tượng cắt lỗ đúng là có, nhưng khó thống kê vì đó là giao dịch thứ cấp, hơn nữa cũng không có nhiều.
Nguyên nhân là do các nhà đầu tư lao vào mua với giá không tưởng, nên sau đó dù có cắt lỗ 10-20% thì mặt bằng giá vẫn rất cao.
Cũng theo ông Đính, ngay cả trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh, bất động sản vẫn có khả năng tăng giá trước nhiều áp lực.
Thực chất, nhiều chủ đầu tư buộc phải tăng giá do nhiều áp lực về giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, giá đất tăng, thuế đất cũng tăng, lãi vay ngân hàng cũng rất cao.
Ngoài ra, nguồn cung bất động sản hiện vẫn tiếp tục khan hiếm do việc phê duyệt các dự án vẫn chưa được cải thiện nhiều. Cung hiếm dẫn đến việc giá bất động sản sẽ bị đẩy lên.
Số liệu của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy, tại Hà Nội trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, trung bình nguồn cung mới ra thị trường chỉ đạt khoảng hơn 2.000 sản phẩm/quý. Đây là con số quá nhỏ cho một thành phố có gần 10 triệu dân.
Đơn vị này cũng cho biết, trước, trong và sau dịch bệnh, một số dự án thuộc phân khúc chung cư bình dân hiện tại giá đã được đẩy lên chạm ngưỡng phân khúc trung cấp.
Báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây cũng cho thấy, giá căn hộ chung cư ở các địa phương có xu hướng tăng đều theo tháng.
Giá căn hộ chung cư tại Hà Nội và TP. HCM đều tăng do khan hiếm nguồn cung, dự án mới được mở bán.
Theo ông Đính, việc tăng bao nhiêu, tăng như thế nào sẽ do thị trường quyết định, bởi nếu tăng cao hơn so với ngưỡng người mua có thể chấp nhận thì sẽ xảy ra tình trạng thị trường không có giao dịch.
“Cả chủ đầu tư và người mua đều ở thế khó. Chủ đầu tư thời điểm này sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi nếu tăng giá bán thì có nguy cơ không bán được hàng” ông Đính cho biết.
Trong khi đó, người mua lại không có nhiều tiền để cân nhắc bài toán lợi nhuận khi đầu tư. Theo ông Đính, giai đoạn này sẽ khó để đầu tư rồi cho thuê, mở cửa hàng.
Ông Đính cho rằng chẳng ai mua căn nhà 4-5 tỉ đồng để cho thuê 10-15 triệu/tháng, còn không bằng lãi ngân hàng.
“Chờ mua đi bán lại với giá cao để kiếm tiền chênh cũng rất khó vì lúc này, kinh tế đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh”, ông Đính phân tích.
Ông Đính lo ngại việc cung cầu không giao nhau, thị trường không có giao dịch dễ khiến thị trường có nguy cơ cao quay lại thời kỳ đóng băng 2012-2013.
Tuy nhiên, theo ông Đính, ở thời điểm hiện tại, lực cầu vẫn rất tốt. Vấn đề là phải điều tiết được giá cả để cân bằng được thị trường.
Dự báo về thị trường sáu tháng tới, ông Đính cho rằng, thị trường nhiều khả năng vẫn ảm đạm, trầm lắng vì đợt dịch thứ 4 phức tạp hơn các đợt trước.
Hoạt động mở bán theo đó sẽ bị hạn chế đáng kể, trong khi giao dịch bất động sản rất khó thực hiện qua hình thức online, chỉ có những khách hàng đã tìm hiểu trước thì mới thông qua sàn giao dịch online để đặt chỗ.
Đối với phân khúc đất nền, ông Đính cho rằng sẽ không xảy ra sốt đất lần nữa. Theo ông, các cơ quan, bộ ngành và địa phương đang kiểm soát tốt, cung cầu thị trường cũng chưa đến mức có thể tạo ra sốt đất.
-
Khan hiếm nguồn cung, giá căn hộ chung cư tăng mạnh
CafeLand - Sau một thời gian dài tương đối ổn định, sự khan hiếm sản phẩm mới đã đẩy giá bán căn hộ ở phân khúc trung và cao cấp tại Hà Nội tăng 3-5% trong quý 4-2019. Tương tự tại TP.HCM, giá căn hộ trung cấp cũng tăng từ 15-17%.
-
FLC miễn nhiệm 6 nhân sự cấp cao
Tập đoàn FLC vừa công bố nghị quyết Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 với việc miễn nhiệm 4 thành viên hội đồng quản trị cùng 2 thành viên ban kiểm soát.
-
Huyện có siêu dự án hơn 4,2 tỷ USD sắp khởi công hai dự án nhà ở xã hội
Động thái này đánh dấu bước chuyển mình sau gần 10 năm huyện này cũng như toàn thành phố Hà Nội chưa triển khai được dự án nhà ở xã hội (NOXH) nào bằng nguồn vốn ngân sách.
-
Khách hàng trẻ “chốt” căn hộ nội đô Hanoi Melody Residences
Với khách trẻ ưu tiên mua căn hộ nội đô, Hanoi Melody Residences đang trở thành “bến đỗ”, nhờ đáp ứng tiêu chí khắt khe và chính sách thanh toán linh hoạt lên tới 05 phương thức lựa chọn.