Vàng biến động mạnh, nhiều rủi ro; chứng khoán đang “dò đáy”; bất động sản ít cơ hội… khiến người dân có tiền nhàn rỗi, nhà đầu tư đang đau đầu chọn kênh đầu tư?

Phóng viên Báo Người Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, Giám đốc Viện Nghiên cứu Tin học và Kinh tế Ứng dụng, về vấn đề này.

Thưa ông, tình hình kinh tế trong nước tiếp tục gặp khó khăn khi CPI, lạm phát tiếp tục tăng cao khiến cả người dân lẫn doanh nghiệp (DN) đều “đuối”, ông nhận định thế nào?

TS Đinh Thế Hiển: Nhìn chung, kể từ khi áp dụng Nghị quyết 11 của Chính phủ, chính sách tiền tệ có vẻ đã bị thắt chặt quá mức và việc thực hiện cũng quyết liệt hơn so với chính sách tài khóa. Cả tăng trưởng huy động lẫn cho vay đều giảm rất mạnh so với cùng kỳ các năm trước. Lãi suất huy động cao khiến lãi vay rất cao (22%-24%/năm), gần như vượt quá khả năng kinh doanh sinh lời của các DN sản xuất. Trong khi đó, chính sách tài khóa vẫn chưa thực sự thắt chặt mạnh mẽ: đầu tư công và thâm hụt ngân sách còn ở mức cao.

Hiện nhà đầu tư và người dân có tiền nhàn rỗi đang băn khoăn giữa các kênh đầu tư vàng, chứng khoán, bất động sản (BĐS), ngoại hối… Cụ thể, giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục mới kéo giá vàng trong nước tăng theo. Có nên “lướt sóng” vàng lúc này, thưa ông?

Nhiều nhà phân tích cho rằng những yếu tố đẩy vàng tăng giá mạnh năm nay như cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu, chính sách nới lỏng tiền tệ của Mỹ, lạm phát Trung Quốc… sẽ còn kéo dài hết năm 2011. Tuy nhiên, cần lưu ý giá vàng đã tăng mạnh hơn các hàng hóa khác trong nhiều năm và tăng do khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chọn kênh đầu tư

Nhà đầu tư không mặn mà với chung cư cao cấp khi thị trường bất động sản có xu hướng giảm. Ảnh: HỒNG THÚY
Vì thế, nếu kinh tế Mỹ và thế giới ổn định vào cuối năm, giá vàng có thể giảm mạnh. Giá vàng trong nước tăng mạnh chủ yếu do giá vàng thế giới. Nếu giá vàng thế giới quay đầu thì giá trong nước cũng sẽ lao dốc, trừ trường hợp tỉ giá USD biến động tăng mạnh. Hiện giá vàng đang ở mức trên 1.600 USD/ounce.
Vì vậy, đầu tư vàng theo dạng “lướt sóng” lúc này khá rủi ro; còn theo quan điểm bảo tồn giá trị đồng tiền thì có khả năng giá vàng vẫn còn đứng ở mức 40 triệu đồng/lượng trong suốt quý III.

Chỉ số VN-Index và HNX-Index tiếp tục xuống thấp, giá nhiều cổ phiếu đang ở vùng “đáy” là cơ hội để mua vào?

Lãi suất cao và chính sách hạn chế tín dụng của Chính phủ đã ảnh hưởng rất mạnh, làm suy giảm thị trường chứng khoán trong giai đoạn hiện nay. Việc kỳ vọng một đợt tăng điểm vào cuối quý III khi CPI và lãi suất giảm đã khó xuất hiện. Thị trường đang kỳ vọng sự phục hồi ở mức 450 điểm vào cuối năm khi kinh tế ổn định. Khi thị trường chứng khoán giảm sâu luôn xuất hiện cơ hội cho nhà đầu tư giá trị. Hiện có rất nhiều cổ phiếu tốt để đầu tư trung dài hạn (từ 6 tháng đến 2 năm) nhưng nhà đầu tư có thể chờ đợi thêm một thời gian trước khi quyết định mua vào.

BĐS cuối năm sẽ ra sao khi tín dụng lĩnh vực này vẫn bị siết chặt để kiềm chế lạm phát?

Áp lực lạm phát và lãi vay cao khiến nhu cầu tiêu thụ BĐS bị giảm sút nghiêm trọng, thị trường BĐS ảnh hưởng khiến nhiều doanh nghiệp BĐS đối mặt với những khoản thua lỗ lớn; nguồn cung dư thừa. Chưa kể, giá BĐS khu vực TPHCM và Hà Nội đã tăng mạnh hơn mọi loại hàng hóa khác trong vòng 10 năm gần đây, ngang ngửa, thậm chí vượt qua các TP của các quốc gia phát triển. Với lãi suất và thu nhập hiện nay, khả năng chi trả mua nhà trả góp của người dân Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước khác. Do vậy, xét về tổng thể, hầu như BĐS không có cơ hội trong năm 2011 và quý I/2012.

Nhiều người đang chọn gửi tiền vào ngân hàng để hưởng lãi suất “thỏa thuận” hấp dẫn nhưng lãi suất không bao giờ được xem là kênh đầu tư mà chỉ là bảo toàn vốn. Nhưng hiện nay có thể xem đây là kênh đầu tư hấp dẫn khi khả năng được hưởng lãi suất 16% - 18% với số tiền trên 1 tỉ đồng còn hiệu quả hơn suất sinh lời của các doanh nghiệp.

Theo Thái Phương (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.