Chờ đợi "cây đũa thần" giải quyết vấn đề giao thông đô thị
Chờ đợi 1 triệu lượt khách/ngày
Theo quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có 8 tuyến đường sắt trên cao, trong đó đang triển khai 3 tuyến và 5 tuyến còn lại đang trong giai đoạn nghiên cứu. Dự án trọng điểm cấp quốc gia đầu tiên đang được dốc toàn lực để hoàn thành, đi vào hoạt động trong 1, 2 năm tới là tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Theo kế hoạch, dự án sẽ được hoàn thành, chạy thử vào năm 2015 nhưng nhiều khả năng tuyến đường sắt đầu tiên này chỉ được vận hành từ năm 2016.
Tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại của người dân khu vực Tây Nam Thủ đô Hà Nội. Toàn tuyến dài khoảng 13 km, gồm 12 nhà ga trên cao với 13 đoàn tàu, 4 toa xe chạy liên tục, cứ 4 – 6 phút sẽ có một lượt, và có thể đạt lưu lượng vận chuyển hơn 1 triệu lượt khách mỗi ngày. Chủ đầu tư dự án là Cục Đường sắt Việt Nam, nhà thầu là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc.
Tiếp nối dự án này, một tuyến trọng điểm khác cũng đang được đốc thúc triển khai là tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn Nhổn – ga Hà Nội. Tuyến đường sắt này do Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội làm chủ đầu tư với tổng chiều dài 12,5 km, trong đó 8,5 km đi trên cao và 4 km ngầm, có tất cả 12 ga trên toàn tuyến. “Cây đũa thần” Nhổn – ga Hà Nội sẽ góp phần giải quyết nhu cầu đi lại cũng như vấn nạn ùn tắc giao thông khu vực phía Tây về trung tâm Hà Nội.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn vướng mắc mà dự án đang phải đối mặt trong thời gian qua là công tác giải phóng mặt bằng. Nhưng theo ghi nhận của phóng viên, đến thời điểm cuối tháng 8, một số điểm nóng về giải phóng mặt bằng ở quận Hà Đông, Đống Đa đã cơ bản được tháo gỡ. Hiện chỉ còn lại vài ba hộ gia đình chưa đồng ý với mức giá đền bù đưa ra.
Để tháo gỡ khó khăn trong bước đầu triển khai dự án Cát Linh – Hà Đông, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng đã yêu cầu chủ đầu tư, các quận liên quan phải hoàn thành nốt phần còn lại trong công tác giải phóng mặt bằng ngay trong tháng 8. Như vậy công đoạn khó nhất, ảnh hưởng nhiều nhất đến tiến độ dự án là việc giải phóng mặt bằng đã cơ bản được giải quyết, chỉ còn chờ phía chủ đầu tư “dốc toàn lực” triển khai các bước tiếp theo.
Cùng với sự phát triển của chuỗi các hệ thống giao thông công cộng khác, sự ra đời của các tuyến metro với mục tiêu giải quyết những khó khăn vướng mắc về giao thông đô thị, đang được người dân thủ đô chờ đợi và kỳ vọng.
“Nhà tôi ở tận khu Hà Đông nhưng chỗ làm lại trên Giảng Võ. Do xe buýt không đảm bảo về thời gian, hàng ngày tôi phải đi lại bằng xe máy, rất cực nhọc, vất vả. Hi vọng khi tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông đi vào hoạt động sẽ giúp việc đi chuyển hằng ngày của tôi thuận tiện hơn” – chị Hoàng Điệp, một người dân sinh sống ở khu vực quận Hà Đông bày tỏ.
Tuy nhiên cũng không ít người còn tỏ ra băn khoăn vì không biết metro có thực sự tiện lợi như kỳ vọng. “Nhà tôi ở tận trong ngõ, mỗi lần đi xe buýt phải đi bộ tới gần 1 km mới tới điểm chờ. Nếu metro cũng như xe buýt, không có các dịch vụ công cộng khác đi kèm thì cũng rất bất tiện cho những người ở xa các tuyến đường chính như chúng tôi” – một người dân ở quận Bắc Từ Liêm nêu.
Vì sao metro được ví như “cây đũa thần”?
Trao đổi với phóng viên, chuyên gia giao thông – TS Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, hệ thống metro có thể được ví như “cây đũa thần” để giải quyết vấn đề giao thông đô thị tại các thành phố lớn và cực lớn. Metro được xem là hệ thống giao thông thuận lợi, hiệu quả và phù hợp nhất trên thế giới hiện nay.
Ở các thành phố có dân số từ 2 – 15 triệu dân như New York, Matxcova, Thượng Hải… metro đã xuất hiện hàng trăm năm nay. Từ khi tuyến metro đầu tiên trên thế giới xuất hiện ở Luân Đôn vào năm 1863 đã cho thấy, metro chính là “cây đũa thần” đẩy lùi nạn ùn tắc, tai nạn giao thông trong nội đô. Với quy mô dân số của TP Hà Nội và TPHCM, lẽ ra phải có “cây đũa thần” từ những năm 2000.
Sở dĩ metro được ví như một “cây đũa thần” vì nó hội tụ được 4 cái “tốt nhất”: lưu lượng vận chuyển lớn nhất, vượt xa các phương tiện cá nhân, công cộng khác; metro là loại hình phương tiện tiện nghi nhất và hoạt động rất đúng giờ; metro giúp hành khách có thể đi lại nhanh nhất, khi tốc độ đạt tới 60 – 70 km/h, trong khi xe buýt chỉ đạt 15 – 20 km/h; Cuối cùng, metro chính là phương tiện ít tạo ra ô nhiễm nhất, một điều kiện lý tưởng cho các thành phố đông dân.
Với tần xuất vận chuyển từ 30 – 40 nghìn người mỗi giờ, gấp 10 lần hệ thống xe buýt, bằng 4 – 5 lần tàu điện, sự xuất hiện của metro sẽ giải quyết hiệu quả vấn nạn ùn tắc tại Hà Nội, TP. HCM hiện nay. Như tuyến metro Nhổn – ga Hà Nội sẽ vận chuyển được 30 – 50 vạn khách mỗi ngày, các loại hình phương tiện cá nhân sẽ giảm bớt đi rất nhiều, lúc đó mới thực sự giải quyết được vấn nạn giao thông.
Tuy nhiên TS Thủy cho rằng, vấn đề giao thông đô thị chỉ mang lại hiệu quả khi các tuyến metro được kết nối với chuỗi các phương tiện giao thông công cộng khác như tàu điện, xe buýt, tàu ngoại thành…Hệ thống chuỗi các phương tiện này hoàn toàn phù hợp với một quốc gia còn nghèo như Việt Nam và đông dân như TP Hà Nội, TPHCM.
“Lẽ ra Việt Nam phải có metro từ cách đây hàng chục năm nay rồi, nhưng đáng tiếc tầm nhìn về giao thông của chúng ta chưa được xa. Nếu bỏ ra 100 nghìn tỷ làm giao thông, chúng ta phải ưu tiên xây dựng đường sắt trên cao chứ không phải đầu tư cho phát triển đường cao tốc. Theo tổng kết thì khi có metro sẽ góp phần tăng trưởng 2 – 3% GDP, còn như Hà Nội và TPHCM sẽ tiết kiệm được 6 – 10 nghìn tỷ đồng mỗi năm” – TS Thủy nhìn nhận.
-
Khám phá thông tin về tuyến metro số 1: Bạn có biết?
Tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) là dự án đường sắt đô thị đầu tiên của TP.HCM, được kỳ vọng sẽ thay đổi hoàn toàn diện mạo giao thông thành phố. Hãy cùng khám phá chi tiết giá vé, lộ trình và những lợi ích mà Metro số 1 mang lại....
-
Đến năm 2035, TP.HCM sẽ phát triển thêm 355 km đường sắt đô thị
Chiều 27/12, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cùng Phó chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường đã có buổi thăm và làm việc với Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP.HCM (MAUR) và Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị TP.HCM (HURC1)....
-
Sáng nay, chính thức vận hành tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên ở TP.HCM
Sáng nay (22/12), tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên chính thức vận hành thương mại, đánh dấu cột mốc quan trọng trong phát triển giao thông đô thị của TP.HCM.