29/09/2020 10:35 AM
Trao đổi với ĐTTC, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, cho biết chính quyền đô thị (CQĐT) mà 3 địa phương Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đang hướng đến tinh gọn và hiệu quả. Do đó cần nghiên cứu, luận giải làm sao để khi đưa vào thực hiện bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính.

Khu Đông TPHCM, nơi TPHCM đang có đề án thành lập TP Thủ Đức. Ảnh: Hoàng Hùng

PHÓNG VIÊN: - Vậy theo ông việc xây dựng CQĐT sẽ hướng tới những mục tiêu nào?

Thứ trưởng TRẦN ANH TUẤN: - Trước hết mục tiêu xây dựng CQĐT tại Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM nhằm đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động CQĐT các cấp trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, đặc biệt sự giám sát HĐND cấp trên.

Ngoài ra, việc tổ chức lại CQĐT cũng hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả quản lý cấp phường, cấp quận, giải quyết thủ tục cho người dân nhanh gọn hơn. UBND cấp phường, cấp quận sau khi tổ chức lại sẽ là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc chính quyền cấp trên.

Hiện nay, xu hướng trên thế giới chỉ tổ chức 1 cấp chính quyền đối với đô thị và 2 cấp chính quyền đối với nông thôn.

Ở Việt Nam, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019, đã có cơ sở pháp lý thuận lợi để xây đựng đề án không tổ chức HĐND quận, phường theo hướng CQĐT.

- Thưa ông, hiện nay TPHCM đề xuất đề án thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM. Về bản chất và cơ chế vận hành của đơn vị này sẽ như thế nào?

- Về bản chất của TP Thủ Đức cũng chỉ ngang cấp huyện, nhưng quy mô và mức độ đô thị cao hơn các quận và thị xã. Do đó, nếu TPHCM giữ quan điểm vẫn có HĐND ở đơn vị hành chính này sẽ có độ vênh với đề án không tổ chức HĐND cấp quận, phường. Bởi lẽ TP Thủ Đức bản chất cũng là đơn vị hành chính cấp huyện. Song có điều về tích tụ, mức độ đô thị hóa cao hơn rất nhiều.

Lưu ý, sau khi thành lập TP Thủ Đức, TPHCM sẽ giảm được 2 quận và 10 phường. Do đó, cần có phương án bố trí, giải quyết đối với đội ngũ cán bộ công chức ở các đơn vị hành chính mới sau khi sắp xếp, kể cả những người hoạt động không chuyên trách ở cấp khu phố.

Còn vấn đề có nên tổ chức một cấp chính quyền ở đó, hay có đưa vào diện không tổ chức HĐND quận, phường, cần nghiên cứu, luận giải làm sao để khi đưa vào thực hiện, bảo đảm được tính đồng bộ, thống nhất giữa các cấp đơn vị hành chính với nhau. Phải làm sao TPHCM vẫn đảm bảo giữ vững vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước.

- Nếu không có HĐND ở quận, phường, tiếng nói, nguyện vọng của người dân sẽ khó tới được cơ quan dân cử cấp trên, nên cơ quan nào sẽ giám sát hoạt động của cơ quan hành chính ở quận, phường?

Nếu không tổ chức HĐND cấp quận và phường, Hà Nội sẽ giảm được khoảng 4.400-5.300 biên chế. Tương tự, Đà Nẵng sẽ giảm được khoảng 1.800 biên chế. TPHCM giảm được 8.300 biên chế.

- Quá trình tổ chức lại CQĐT tại TPHCM nói riêng và Hà Nội, Đà Nẵng nói chung từ ngày 1-7-2021, sẽ gắn liền với việc đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử cấp trên.

Hoạt động HĐND cấp TP, cấp quận cũng phải đổi mới theo hướng tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, đa dạng kênh tiếp nhận phản ảnh của người dân. Tại TPHCM và Đà Nẵng, khi không tổ chức HĐND ở quận, phường, HĐND TP sẽ trực tiếp giám sát hoạt động của cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường.

Hà Nội chỉ thí điểm không tổ chức HĐND cấp phường, nên hoạt động cơ quan hành chính cấp phường sẽ do HĐND cấp quận trực tiếp giám sát. Sau khi tổ chức lại CQĐT theo hướng tinh gọn, hợp lý, cơ quan hành chính cấp quận sẽ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp TP, cơ quan hành chính cấp phường chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp quận.

- Khi tổ chức CQĐT tại 3 TP lớn nói trên sẽ giảm được bao nhiêu biên chế, thưa ông?

- TP Hà Nội hiện có 12 quận, 1 thị xã, với 177 phường; TP Đà Nẵng có 6 quận, 45 phường và TPHCM có 19 quận, 259 phường. Tương đương với số lượng quận, phường này là số đơn vị HĐND các cấp đang hoạt động với hàng ngàn biên chế, người hưởng lương ngân sách. Các địa phương chưa có thống kê cụ thể số biên chế giảm được sau khi tổ chức lại CQĐT.

Nhưng nếu Hà Nội không tổ chức HĐND tại 177 phường, sẽ giảm được khoảng 4.400-5.300 cán bộ cấp phường. Tương tự, Đà Nẵng sẽ giảm được khoảng 1.800 biên chế, người hưởng lương. Việc tổ chức lại HĐND cấp quận, huyện, phường tại TPHCM thời gian qua cũng làm tăng số biên chế toàn TP khoảng 8.300 người, nếu không tổ chức HĐND, số biên chế, người hưởng lương này sẽ không còn.

Trong quá trình xây dựng mô hình CQĐT, các địa phương sẽ thực hiện điều chuyển, sắp xếp, bố trí vị trí việc làm mới phù hợp với năng lực của công chức. Trường hợp không bố trí được việc làm mới trong chính quyền, các địa phương phải giải quyết theo chế độ công chức dôi dư.

Thực tế, 12 năm trước, chúng ta đã thí điểm không tổ chức HĐND tại 67 huyện, 32 quận và 483 phường của 10 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, gồm Lào Cai, Vĩnh Phúc, TP Hải Phòng, Nam Định, Quảng Trị, TP Đà Nẵng, Phú Yên, TPHCM, Bà Rịa - Vũng Tàu và Kiên Giang.

Lần này chúng ta chỉ thí điểm không tổ chức HĐND ở cấp quận, cấp phường tại các đô thị. Xây dựng cơ quan hành chính cấp quận, cấp phường theo chế độ thủ trưởng, trực thuộc chính quyền TP là phù hợp với nhu cầu quản lý, phát triển đô thị.

- Xin cảm ơn ông.

  • Xây dựng chính quyền đô thị để thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững

    Xây dựng chính quyền đô thị để thúc đẩy phát triển toàn diện và bền vững

    Tổ chức hệ thống chính quyền tại TPHCM theo mô hình chính quyền đô thị được cho là một trong những biện pháp chủ lực thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của thành phố trong dài hạn. Đề án đã được Bộ Nội vụ thẩm định sơ bộ và đang được các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục khẩn trương hoàn thiện để trình cho Quốc hội trong thời gian sớm nhất.

Hoàng Sơn (SGGPO)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.