Đây là kết quả “vận động tháo dỡ” do ông Dương Văn Canh, Chủ tịch UBND phường lý giải
Trong khi hợp đồng thuê đất giữa HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Kỵ với 116 hộ dân vẫn còn hiệu lực đến năm 2021 thì chính quyền phường Đồng Kỵ (TX Từ Sơn, Bắc Ninh) lại chen ngang bằng cách cưỡng chế, phá nhà điều hành và một số công trình của HTX này trên thửa đất đang được HTX thuê của dân.
Hợp đồng còn hạn, phường “đè” ra cưỡng chế
Năm 2001, HTX Dịch vụ nông nghiệp (DVNN) Đồng Kỵ có tờ trình lập dự án đầu tư mô hình trang tại nuôi trồng thủy sản VAC khu vực Đồng Quang trong 14 vùng hay bị ngập úng với diện tích 4,42ha.
Dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giao cho HTX tổ chức thực hiện từ năm 2002 - 2021. Sau đó, HTX DVNN Đồng Kỵ thành lập HTX Nuôi trồng thủy sản VAC Đồng Quang, phường Đồng Kỵ giao trực tiếp cho HTX này quản lý. Có hơn 100 hộ là xã viên có đất cho HTX thuê, mỗi năm HTX phải trả cho xã viên 176kg lúa/sào.
Ban quản lý HTX cam kết có trách nhiệm thanh toán đầy đủ thóc (hoặc tiền) cho các hộ có diện tích cho thuê. Đồng thời, HTX phải thực hiện nuôi trồng thủy sản như tờ trình đã được phê duyệt. Trong hợp đồng thuê ruộng giữa HTX DVNN Đồng Kỵ ký với các hộ nêu rõ thời gian thuê 20 năm (2002 - 2021).
Đợt 1 ký thuê đến năm 2013, theo hạn bìa của Nhà nước cấp là hết hạn, nếu được Nhà nước cấp tiếp sẽ hợp đồng bổ sung theo thời gian trên theo đúng hợp đồng. Đến hết năm 2013, sau khi thống nhất chủ trương giữ nguyên quyền sử dụng đất đối với đất nông nghiệp được Nhà nước thông qua, thì việc hợp đồng thuê đất giữa HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Kỵ với các hộ dân đương nhiên có hiệu lực đến hết năm 2021.
Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, trong các ngày 14, 15 và 16/4/2016, UBND phường Đồng Kỵ cho các lực lượng chức năng tiến hành cưỡng chế, phá dỡ toàn bộ các chuồng, trại, 4 căn chòi bảo vệ cá và 1 toà nhà điều hành của HTX. Tại hiện trường, ghi nhận của PV cho thấy, tất cả các công trình xây trên đất đã bị tháo dỡ hoàn toàn. Gạch, gỗ, tấm lợp được vứt ngổn ngang.
Hàng tấn thức ăn chăn nuôi cho cá tại căn chòi bảo vệ nằm giữa trời mà không được bảo quản. Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ nhiệm HTX Nuôi trồng thủy sản Đồng Kỵ cho biết, không hề có thông báo cưỡng chế, không hề có lệnh, dưới sự chỉ huy của ông Nguyễn Văn Tạo, Phó Chủ tịch UBND phường Đồng Kỵ, các lực lượng chức năng gồm dân quân tự vệ, thanh niên, công an phường và một vài cán bộ công an huyện... tiến hành cưỡng chế và tháo dỡ tất cả. Khi đại diện HTX yêu cầu các lực lượng trên xuất trình lệnh cưỡng chế thì không được đáp ứng.
“Chúng tôi không ngăn cản, chỉ yêu cầu họ lập biên bản cưỡng chế và ký vào đó nhưng họ cũng không nghe mà kiên quyết thực hiện việc tháo dỡ các công trình, bất chấp tài sản của các xã viên vẫn đang được bảo quản trong đó”, ông Dũng cho hay.
Làm liều hay có sự “bảo kê” của DN?
PV có mặt tại hiện trường sáng 16/4, trước khi lực lượng chức năng của phường tiền hành tháo dỡ nốt những công trình còn lại trên đất, gồm nhà điều hành và căn chòi bảo vệ cá cuối cùng. Khi biết có mặt PV, ông Nguyễn Văn Tạo vẫn tiếp tục lệnh bằng miệng cho các lực lượng tiến hành phần việc phá hủy công trình.
“Chúng tôi không có nghĩa vụ phải trả lời nhà báo, muốn biết, mời anh lên phường, còn việc của chúng tôi, chúng tôi cứ làm”, ông Tạo nói khi PV đề nghị được xem lệnh cưỡng chế.
Tại trụ sở phường Đồng Kỵ, ông Dương Văn Canh, Chủ tịch UBND phường lý giải rằng, không hề cho chuyện cưỡng chế. “Đây là anh em chỉ đi vận động tháo dỡ các công trình sai phép”, ông Canh nói.
Tuy nhiên, được biết, tại hợp đồng nuôi trồng thủy sản được ký giữa HTX DVNN Đồng Kỵ và Đội nuôi trồng thủy sản (tiền thân của HTX nuôi trồng thủy sản Đồng Kỵ), thì Chủ tịch UBND huyện Từ Sơn (nay là TX Từ Sơn) cho phép HTX chuyển đổi từ đất lúa sang xây nhà bảo vệ với diện tích 84 m2, chuyển từ đất lúa sang chuồng trại chăn nuôi với diện tích gần 400 m2, còn lại là diện tích ao thả cá và trồng cây ăn quả.
Đến thời điểm UBND phường tiến hành biện pháp “vận động tháo dỡ” như lời ông Chủ tịch phường nói, thì HTX vẫn thực hiện đúng chức năng là nuôi thả cá, trồng cây ăn quả và chăn nuôi. Chưa có bất cứ biên bản xử lý hay văn bản nào của chính quyền nói rằng HTX hoạt động sai chức năng của mình.
Trở lại với hành vi cưỡng chế, chính ông Canh cũng không chứng minh được việc tháo dỡ công trình đúng phép của HTX là thực hiện theo lệnh cưỡng chế hay bất cứ văn bản nào liên quan. Dư luận đặt câu hỏi, có hay không thế lực đứng sau chính quyền để giật dây, nhằm thu hồi đất trái phép? Ông Canh cũng “tiết lộ”, sau khi tiến hành cái gọi là “trả lại mặt bằng nguyên trạng”, chính quyền sẽ họp 116 hộ dân cho HTX thuê đất để bàn giải pháp làm thế nào cho khu đất trở lên hiệu quả nhất (?!)
Được biết, khu đất hơn 4,4 ha trên nằm trong diện đất vàng, cận kề làng nghề gỗ mỹ nghệ nổi tiếng Đồng Kỵ. Ở thời điểm hiện tại, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất ở, mỗi lô đất khoảng 100 m2 có giá chuyển nhượng không dưới 3 tỷ đồng. Đây có thể là lý do khiến nhiều DN nhòm ngó....
Theo các xã viên HTX, nguyện vọng của họ là được thực hiện hợp đồng theo đúng thời gian quy định là hết năm 2021, bởi tại khu đất bị cưỡng chế, đang có rất nhiều cây ăn quả lâu năm, đặc biệt là có những cây sưa hơn 10 năm tuổi, giá trị kinh tế cao. Nếu bị chính quyền phá dỡ, thì thiệt hại về vật chất của những xã viên là rất lớn. |