13/06/2014 10:36 AM
Sự sôi nổi đầy bất ngờ trong hoạt động giao dịch tại một số dự án cũ đã “thay tên đổi họ” là điểm nhấn đáng chú ý trong bức tranh thị trường bất động sản nửa đầu năm 2014.

Ảnh minh họa.

Thanh khoản tăng trở lại

Thị trường cũng đã đi qua gần 1 nửa thời gian của năm 2014, việc có hồi phục nhanh hay không vẫn chỉ ở dạng dự báo nhưng nhiều dấu hiệu đã cho thấy tính thanh khoản thị trường đã được cải thiện rõ rệt.

Đặc biệt, điều này còn trở nên lạc quan hơn tại một số dự án căn hộ cả giá rẻ lẫn cao cấp với hàng loạt báo cáo bán hàng khá tốt của chủ đầu tư.

Một điểm chung dễ nhận thấy ở cả Hà Nội và TP.HCM, trong tháng 5, rất hiếm dự án căn hộ mới được mở bán chính thức hoặc giới thiệu ra thị trường.

Những dự án được các chủ đầu tư tập trung bung hàng hầu hết là dự án cũ, phần lớn đang có tiến độ tốt hoặc đã hoàn thiện.

Bên cạnh đó, một dấu hiệu đáng chú ý là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đã bắt đầu quan tâm, định hướng đầu tư mạnh vào phân khúc căn hộ giá trung bình, diện tích phù hợp với đại bộ phận người mua.

Khảo sát cho thấy, có đến hơn 90% số căn hộ mở bán trong tháng có mức giá dễ chịu chỉ dao động từ trên 500 triệu đến dưới 1,6 tỷ đồng/căn.

Không những thế, người mua cũng dễ thở hơn với lịch thanh toán linh hoạt được các chủ dự án đưa ra nhằm kéo khách, với việc chỉ cần thanh toán khoảng từ 30 - 40% là đã có thể nhận nhà ở.

Tại khu vực Hà Nội, báo cáo nghiên cứu của chuyên trang bất động sản CafeLand cho thấy, riêng trong tháng 5, có hơn 1.600 căn hộ từ 10 dự án được đưa ra thị trường trong tháng 5, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2013.

Chỉ có 1/10 dự án chào bán lần đầu tiên với khoảng 120 căn hộ, điều này cho thấy các chủ đầu tư vẫn đang tập trung để đẩy hàng tồn kho hơn là phát triển và tung ra sản phảm mới.

Một số dự án chung cư cũng đã đạt doanh số bán tốt từ 50 - 80% số lượng căn hộ như Viện 103 Văn Quán, 136 Hồ Tùng Mậu, C37 Bắc Hà,…

Tổng nguồn cung căn hộ tính đến hết tháng 5/2014 khoảng 22.440 căn. Có khá nhiều dự án chào bán đã hoàn thành hoặc sắp hoàn thành trong năm 2014.

Khảo sát cho thấy, khoảng 15 dự án căn hộ quy mô lớn đang và sẽ tung hàng trong năm 2014. Mặc dù chưa có con số thống kê chính thức từ các chủ đầu tư nhưng theo tính toán của BizLIVE, khoảng 5.000 căn hộ chuẩn bị bung hàng ra thị trường.

Trong đó, chiếm đa số là các dự án căn hộ chung cư giá rẻ và trung bình với mức giá dao động từ 11 - 21 triệu đồng/m2, diện tích căn hộ nhỏ dao động từ 45 - 70m2, tương đương căn hộ chỉ khoảng trên dưới 700 triệu đồng.

Có thể kể đến những cái tên đang thu hút sự chú ý của thị trường như: Green Stars số 234 Phạm Văn Đồng (Hà Nội), HUD3 Tower Linh Đàm, Mỹ Sơn Tower (Nhân Chính, Thanh Xuân), dự án Hei Tower tại Nhân Chính, Tây Nam hồ Linh Đàm…

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều sàn giao dịch bất động sản, việc hầu hết các dự án chuẩn bị hoàn thiện đều là dự án cũ, chắc chắn sẽ gây áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với các dự án phát triển mới.

Bởi lẽ, sau gần 5 năm thị trường gặp khó khăn, câu chuyện chậm tiến độ đã trở thành nỗi khiếp sợ của không ít người mua.

Do đó, hiện tại, đại bộ phận khách hàng chỉ quan tâm đến và lựa chọn những dự án đã, đang hoặc sắp hoàn thiện để tránh những rắc rối về chậm bàn giao cũng như chất lượng căn hộ.

Tại khu vực TP.HCM, trong tháng 5, chỉ có khoảng 770 căn hộ được chào bán, giảm 41% so với tháng trước. Tổng nguồn cung căn hộ tại Tp.HCM tính đến hết tháng 5/2014 khoảng là 35.567 căn.

Đáng chú ý là chủ đầu tư vẫn chỉ tập trung để đẩy hàng dự án cũ thay vì mở bán dự án mới. Chỉ duy nhất một dự án mới tham gia thị trường với khoảng 200 căn hộ.

Các dự án còn lại như: Ngọc Khánh Tower, The Useful Apartment, Samland Giai Việt, Thảo Điền Pearl, The Eastern… được mở bán đợt tiếp theo với mức giá bán căn hộ từ 800 triệu đồng/căn.

Điểm chung của các dự án này chính là đã hoàn thiện, người mua nhà có thể nhận nhà ở ngay.

Dấu ấn từ dự án “thay tên đổi họ”

Một điểm đáng ghi nhận từ thị trường căn hộ những tháng vừa qua thuộc về các dự án cũ nhưng đã được đổi tên mới.

Đặc biệt, xu hướng “thoát xác” dự án bằng việc ồ ạt “thay tên đổi họ” đang rộ lên tại thị trường Hà Nội.

Đối với thị trường chung, câu chuyện đổi tên dự án không còn gây nhiều bất ngờ, tuy nhiên, một điều lạ là hoạt động giao dịch gần đây của những cái tên kể trên lại đang cho thấy những tín hiệu đáng mừng.

Có thể kể đến một số cái tên đáng chú ý như: HP Landmark Tower của Hải Phát trước đây là CT3 The Pride; Xuân Mai Tower Hà Đông đổi thành Park State; CT1 Vân Canh đổi thành CT Number One…

Cả 3 dự án nêu trên đều đang được liệt vào loại hàng hot của thị trường căn hộ Hà Nội, được cả giới đầu cơ và người mua săn đón ráo riết với thanh khoản tăng khá.

Thậm chí tại một số dự án như HP Landmark Tower của Hải Phát, đã có đơn vị mua sỉ tới 40% tổng số căn hộ…

Tuy nhiên, nếu để ý kỹ, đa số các dự án được đổi tên mới đều thuộc loại dự án có nhiều “tai tiếng” ở thời điểm trước đó đặc biệt là việc bị “ngâm” tiến độ trong thời gian dài.

Do đó, theo nhận định của nhiều chuyên gia bất động sản, việc thay tên đổi họ dự án được kỳ vọng là cửa thoát hiểm cho nhiều ông chủ, những thông tin không mấy tốt trước đó sẽ được quên dần thậm chí được xóa đi.

Bởi lẽ, trong bối cảnh thị trường bất động sản Việt Nam còn hoạt động trong tình trạng “bát nháo”, ít minh bạch thông tin đặc biệt là những điều không có lợi cho dự án.

Do đó, không phải người mua nào cũng có đủ khả năng nắm bắt chính xác toàn bộ các thông tin liên quan đến dự án căn hộ mình quan tâm.

Tuy nhiên, về lâu dài, dù có sử dụng chiêu “thoát xác” tài tình đến mấy, nếu không tôn trọng thị trường và tập trung vào các dự án đáp ứng được nhu cầu của đại bộ phận người mua, các ông chủ địa ốc cũng sẽ không thoát khỏi cảnh “dở khóc, dở cười”.

Vũ Minh (BizLIVE)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.