Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm thâm hụt ngân sách không phải hai mục tiêu đối nghịch, thực tế, chúng bổ sung và hỗ trợ cho nhau.
Chiến lược phục hồi kinh tế của Mỹ

CafeF trân trọng gửi tới độc giả loạt ba bài viết về vấn đề có nên thắt chặt ngân sách ngay lập tức hay không. Trong bài viết đầu tiên, columnist từng được phong tước Hiệp sỹ Hoàng gia Anh, TS danh dự Trường Kinh tế London Martin Wolf tóm tắt lại những lập luận chủ yếu của hai phe phản đối và ủng hộ thắt chặt ngân sách. Trong bài viết thứ hai, GS Sử học kinh tế ĐH Havard Niall Ferguson chỉ ra những khác biệt cơ bản giữa thập niên 2010 và thập niên 1930 để đi đến kết luận, cần thắt chặt ngay lập tức. Bài viết cuối cùng là của Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia Mỹ Lawrence Summers, ông Summers sẽ bảo vệ cho những chính sách đã được TT Obama tiến hành kể từ khi nhậm chức.

Người viết là Cố vấn Kinh tế của Tổng thống Obama, Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Quốc gia thuộc Nhà trắng, ông Lawrence Summers.

Các nhà bình luận kinh tế đang sa lầy trong những mối liên hệ vô bổ giữa “việc làm” và “thâm hụt” trong khi nó lại quá đơn giản và rõ ràng.

Thay vì làm sáng tỏ hơn các lựa chọn chính sách cho Mỹ, Châu Âu hay bất kỳ nơi nào khác, họ chỉ đang làm mọi chuyện thêm rối.

Những lời chỉ trích cho rằng chính quyền Tổng thống Barack Obama tiếp tục cam kết hỗ trợ phục hồi trong ngắn hạn và giảm thâm hụt trung và dài hạn là “trái ngược”.

Thực tế, đó là cách giải quyết duy nhất đúng đối với một nền kinh tế đang chịu thử thách kép vừa đang thiếu hụt tổng cầu vừa cần thay đổi chính sách tài khóa theo hướng bền vững hơn.

Hầu hết các nhà kinh tế dù theo trường phái nào cũng sẽ đồng ý rằng chính sách tài khóa có ba tiên đề cơ bản.

Thứ nhất, lúc bình thường, quy mô thâm hụt ngân sách chính phủ ảnh hưởng tới cơ cấu chứ không ảnh hưởng tới mức sản lượng. Trong các điều kiện đó, tăng thâm hụt sẽ tăng cả chi tiêu công lẫn tiêu dùng tư nhân.

Nhưng vì lãi suất điều chỉnh tăng để cân đối cung cầu ở trạng thái toàn dụng lao động hoặc tại mức sản lượng mong muốn của NHTW, bất kỳ sự tăng lên nào ở phía cầu sẽ bị triệt tiêu bởi đầu tư và xuất khẩu ròng giảm.

Kết quả là thâm hụt ngân sách sẽ không kích thích cả sản lượng lẫn việc làm

Nhiều lý do khác như thoái lui đầu tư tư nhân, phụ thuộc vào các chủ nợ nước ngoài, phân bổ nhầm nguồn lực vào các dự án công kém hiệu quả và niềm tin vào khả năng sinh lời dài hạn của các khoản đầu tư giảm, tất cả đều là lý do hợp lý để thận trọng về tài khóa và giảm thâm hụt ngân sách trong thời bình.

Có rất nhiều ví dụ cho vấn đề này, đáng chú ý là nước Mỹ trong thập niên 90, khi thâm hụt ngân sách giảm góp phần thúc đẩy kinh tế.

Thứ hai, khi mức sản lượng của nền kinh tế bị giới hạn bởi sức cầu và khả năng dỡ bỏ giới hạn này của NHTW bị hạn chế vì họ không thể giảm lãi suất xuống dưới 0, chính sách tài khóa có thể có tác động đáng kể tới sản lượng và việc làm.

Bằng cả chi tiêu trực tiếp và cắt giảm thuế khuyến khích chi tiêu, thuê mướn và đầu tư tư nhân, chính phủ có rất nhiều công cụ để trực tiếp tăng tổng cầu.

Khi tổng cầu tăng làm tăng thu nhập, các biện pháp đó giúp sản lượng tăng mạnh hơn. Kết quả sẽ là tăng trưởng kinh tế và giảm thất nghiệp.

Ảnh hưởng của chính sách tài khóa mở rộng tới nợ nần trong tương lai giảm đi nhờ thu thuế tăng, thanh toán chuyển nhượng (transfer payment) giảm và khả năng trả nợ của nền kinh tế tăng lên.

Thứ ba và cuối cùng là gần như chắc chắn rằng kỳ vọng thâm hụt ngân sách giảm sau khi nền kinh tế phục hồi và không còn bị hạn chế bởi sức cầu sẽ mang lại tác động có lợi.

Đặc biệt là khi niềm tin tăng và chi phí vốn vay giảm khuyến khích đầu tư, thậm chí còn trước khi thâm hụt giảm.

Những tác động như thế sẽ đặc biệt quan trọng khi triển vọng thâm hụt là lớn và khiến nảy sinh nhiều câu hỏi khó về sự bền vững và thậm chí là cả khả năng trả nợ.

Ờ phần lớn các nước công nghiệp, nơi nền kinh tế đang gần hoặc đã vướng bẫy thanh khoản, chính sách nên dựa vào hai tiên đề sau.

Kết hợp lại, chúng khuyến nghị sử dụng chính sách tài khóa để duy trì hoặc tăng tổng cầu ngắn hạn trong khi đảm bảo thị trường bền vững trong trung hạn.

TT Obama đang thực hiện Đạo luật Phục hồi được thông qua đầu năm ngoái và hiện đầu tư công đang trong giai đoạn mạnh mẽ nhất: tăng trợ cấp y tế và thất nghiệp cho người không có việc làm, giúp chính quyền các bang và địa phương đang gặp khó khăn để họ không phải cắt giảm các dịch vụ thiết yếu và tránh để giáo viên, cảnh sát và lính cứu hỏa mất việc làm.

Cùng lúc đó, ông thúc đẩy các biện pháp giúp tạo mới và bảo vệ việc làm, củng cố kinh doanh.

Ông đã kêu gọi Quốc hội mở rộng tín dụng thuế đối với sản xuất bằng năng lượng sạch, trợ giúp doanh nghiệp nhỏ bằng cách cắt giảm thuế và cho vay, thông qua đề xuất tạo mới việc làm đồng thời tăng hiệu quả sử dụng năng lượng hộ gia đình.

Tuy bước đầu tiên trong bất kỳ một chiến lược tài khóa đúng đắn nào là phải làm mọi cách để hỗ trợ phục hồi, TT Obama cũng ưu tiên thực hiện các biện pháp cứng rắn để giảm thâm hụt xuống mức bền vững một khi kinh tế đã phục hồi.

Chính sách tài khóa có trách nhiệm không chỉ vì con cháu sau này. Thâm hụt ngân sách quá mức nếu không được quan tâm có nguy cơ làm suy yếu thị trường và mất dần nguyên khí của nền kinh tế.

Chúng làm nổi lên câu hỏi mà Washington đã né tránh trong phần lớn thập kỷ qua rằng con nợ lớn nhất thế giới còn đồng thời là siêu cường số một đến bao giờ.

Trong vòng 5 năm tới, thâm hụt ở Mỹ được kỳ vọng sẽ giảm nhanh nhất kể từ Thế chiến thứ hai. Phần lớn kết quả đó sẽ đến từ tăng trưởng và các chương trình của Đạo luật Hồi phục được thực hiện từng bước.

Nhưng TT Obama đã cam kết sẽ cắt giảm thâm hụt thêm 1.000 tỷ đôla nữa bao gồm ba năm không chi dùng các khoản không thiết yếu trừ an ninh quốc gia và miễn cắt giảm thuế đối với những người giàu nhất.

Ông cũng đưa ra một cơ cấu có thể hạn chế chi phí y tế, thành lập một ủy ban lưỡng đảng sẽ lên kế hoạch chi phí đối với mọi chương trình liên bang từ nay đến năm 2015 và cải thiện triển vọng tài khóa dài hạn.

Sự kết hợp của các biện pháp ngăn ngừa giảm tổng cầu ngắn hạn và các biện pháp củng cố niềm tin bằng cách kiểm soát các yếu tố gây thâm hụt sẽ mở ra con đường xán lạn nhất đối với nền kinh tế trong vài năm sắp tới.

Đương nhiên, tăng trưởng của Mỹ chỉ có thể song hành với cả thế giới.

Đó là lý do vì sao TT Obama chào đón lời khẳng định tháng trước của nhóm G20 về tầm quan trọng của các hành động toàn cầu để đảm bảo chính sách tài khóa được thực hiện tốt và có đủ xung lực cho quá trình phục hồi.

Những năm tới sẽ chứng kiến một điều rõ ràng rằng thúc đẩy tăng trưởng và giảm thâm hụt là hai mục tiêu bổ sung cho nhau thay vì đối nghịch nhau.

Xua tan ma thâm hụt sẽ thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn. Và đảm bảo tăng trưởng hợp lý trong ngắn hạn sẽ giảm thâm hụt dài hạn.

Cafeland.vn
Theo Economist
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland