Mới đây, CTCP Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAG) công bố hoàn thành việc chuyển nhượng 6 dự án thủy điện thuộc sở hữu của Tập đoàn. Giao dịch chuyển nhượng này giúp HAG giảm nợ vay 1.876 tỷ đồng và mang lại doanh thu 2.099 tỷ đồng (tổng quy mô là 3.975 tỷ đồng tương đương trên 189 triệu USD), đảm bảo tiến độ kế hoạch tái cơ cấu đã được Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thông qua, giúp Tập đoàn tập trung vào các mảng kinh doanh chiến lược khác của mình.
Ngoài ra, HAG cũng đã và đang tiếp tục lên kế hoạch cho việc tái cấu trúc các đơn vị thuộc ngành bất động sản bằng hình thức bán một số dự án, bán sỉ căn hộ hoặc bán cổ phiếu của các công ty con đang sở hữu dự án trực thuộc Tập đoàn này.
Theo Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS), đơn vị tư vấn cho thương vụ chuyển nhượng của HAG đánh giá, việc chuyển nhượng dự án của HAG là động thái hoàn toàn phù hợp trong tình hình hiện tại của DN, không những giúp HAG giải quyết được một khoản nợ đáng kể, mà còn tạo ra nguồn lực mới để công ty tài trợ cho những khoản đầu tư ở lĩnh vực khác hiệu quả hơn.
Trước đó không lâu, tại ĐHCĐ thường niên năm 2013, đại diện CTCP Vạn Phát Hưng (VPH), ông Trương Thành Nhân, Tổng giám đốc VPH cho biết, do tình hình thị trường chưa có dấu hiệu khởi sắc, trong khi nguồn tiền của công ty còn hạn chế và phải tập trung vào những dự án trọng điểm, VPH đã có kế hoạch bán đất nền của 5 dự án với doanh số ước tính hơn 377 tỷ đồng và rút vốn tại 2 công ty: CTCP Bất động sản Nhà Bè (8,7 tỷ đồng), CTCP Chứng khoán Sen Vàng (13,36 tỷ đồng).
Trong năm nay, Công ty chỉ tập trung thực hiện thi công 2 dự án chính là dự án La Casa (Quận 7) và san lấp mặt bằng, hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 của dự án Nhơn Đức (Nhà Bè).
Tương tự, CTCP Đầu tư Phát triển đô thị & KCN Sông Đà (Sudico) cũng đang xem xét, tính toán đến việc chuyển nhượng dự án đầu tư của mình nhằm giảm áp lực công nợ, chi phí lãi vay các tổ chức tín dụng do tính toán đây là phương án giúp giải tỏa nhanh nhất sức ép tài chính trong năm 2013…
Không riêng gì những đại gia bất động sản đã điểm mặt trên, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, do nguồn vốn hạn hẹp, rất nhiều công ty, chủ đầu tư phải “cắn răng” bán bớt một phần hoặc toàn bộ dự án để thoát khỏi vòng vây nợ nần hoặc thu vốn về tập trung vào mảng kinh doanh chính.
Đối với những DN kinh doanh trong lĩnh vực này, khi lượng hàng tồn kho lớn, quay vòng vốn chậm thì việc chuyển nhượng, bán bớt được dự án còn là “cứu cánh” trong việc giảm áp lực nợ và chi phí lãi vay cao trong lúc thị trường ảm đạm, chưa có lối thoát.
Việc vay nợ nhiều với lãi suất cao trước đây để đầu tư được coi là một trong những áp lực lớn nhất khiến các thương vụ mua bán, chuyển nhượng giữa các tập đoàn, DN diễn ra ngày một nhiều hơn. Vì vậy, không ít DN đang lâm vào cảnh phải bán bớt một phần tài sản, đất đai, nhà xưởng thuộc sở hữu của DN nhằm thu gọn, tái cơ cấu danh mục đầu tư một cách có trọng tâm, trọng điểm hơn.
Theo nhận định của một số chuyên gia kinh tế, việc chuyển nhượng bớt một số tài sản, dự án có thể coi là những cuộc tháo chạy, song nếu xét ở khía cạnh khác đây cũng là cách tính toán phù hợp với từng thời điểm, hoàn cảnh cụ thể nhằm mục đích tái cơ cấu đầu tư sao cho hợp lý và hiệu quả nhất của DN.
Tuy nhiên, chuyên gia cũng đưa ra cảnh báo, nên tránh tình trạng đầu tư ồ ạt theo kiểu “bầy đàn” trong lúc thị trường thăng hoa dễ dẫn đến tình trạng danh mục đầu tư không được kiểm soát chặt chẽ sẽ để lại nhiều hậu quả, gánh nặng về mặt tài chính, không những đẩy DN đến tình trạng phải bán tháo tài sản, dự án không đúng với giá trị thực mà thậm chí có thể dẫn đến phá sản, đóng cửa DN vĩnh viễn.