Nguồn cung nhỏ giọt ở thị trường bình dân đang tạo ra sự mất cân đối cho thị trường căn hộ.
Ít tiền, ít lựa chọn
Thanh Lan (30 tuổi), đi làm đã gần 10 năm mới dám nghĩ đến chuyện mua nhà. Với 600 triệu đồng trong tài khoản tiết kiệm, cô quyết định bắt đầu thực hiện một bước ngoặc lớn trong cuộc đời mình - mua nhà. Thế nhưng tìm kiếm từ giữa năm 2019, cho đến hiện tại Lan vẫn chưa thể hoàn tất được giao dịch để chuyên tâm “cày trả nợ” như lời cô nói.
Bắt đầu hành trình tìm nhà từ Bình Chánh, lên quận 8, rồi xuống Nhà Bè vẫn chưa tìm được nơi ưng ý. Cuối cùng Lan chuyển hướng về khu Đông thành phố và chọn được căn hộ tại dự án ở Thủ Đức, gần ngã tư Bình Phước.
Thời điểm đó, dự án đã xong phần thô, rổ hàng từ chủ đầu tư đã bán hết, Lan phải đóng 50 triệu đặt cọc giữ chỗ để chờ bốc thăm mua lại từ một sàn môi giới. Thế nhưng, dù đã chuyển tiền ba tháng, Lan vẫn chưa được thông báo ngày bốc thăm. Ngán ngẩm thời gian chờ đợi, Lan lấy tiền cọc sang mua căn hộ 53m2 ở dự án gần đó với giá 1,5 tỉ đồng.
Tưởng chọn được nơi “xuống tiền” là xong, thế nhưng từ tháng 12/2019 đến nay, Lan vẫn chưa hoàn thiện thủ tục sang tên căn hộ từ chủ cũ vì thời điểm đó phải đợi TP.HCM ban hành bảng giá đất mới khiến việc làm hồ sơ nhà đất bị ngưng trệ. Chưa kể, Lan còn phải hoàn tất thủ tục để vay vốn từ ngân hàng thì mọi việc mới xong.
Toát mồ hôi với hành trình mua nhà, thế nhưng Lan tỏ ra hài lòng với quyết định của mình. “Càng để lâu giá đất càng lên, lựa chọn thông minh vẫn là phải mua nhà liền tay càng sớm càng tốt dù phải vay mượn, chấp nhận giật gấu vá vai” Lan nói.
Vốn sẵn kinh nghiệm nhiều năm lùng sục kiếm chỗ ở ổn định cho gia đình, anh Tuấn quê Đà Nẵng cho biết, nhà giá 1,5 tỉ đồng hiện nay khan hiếm trên thị trường. Vì vậy, người mua có tích lũy ít phải chịu khó săn lùng thì mới mong tìm được căn nhà như ý.
“Nếu nhà đất khó tìm quá thì mình chuyển sang căn hộ chung cư. Vợ chồng có thu nhập ổn định, chỉ cần có khoảng 30-50% giá trị căn hộ là có thể vay ngân hàng để mua, chứ đừng đợi tích lũy đủ vì khi đó giá nhà đã tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba rồi”, anh Tuấn chia sẻ.
Theo Thùy Vinh, một nhân viên môi giới khu vực Thủ Đức và quận 9, với giá nhà như hiện nay, những bạn trẻ muốn mua nhà đất 1,5 tỉ đồng là rất khó, phải đi ra xa mới mong có cơ hội. Chưa kể, với giá bán như vậy, rất nhiều căn nhà là nhà chung sổ hoặc mua bán giấy tay.
Vì vậy, theo môi giới này, muốn tìm được căn nhà ưng ý, người mua nên tìm đến môi giới chuyên nghiệp. Họ có trong tay nguồn hàng với đa dạng sản phẩm và giá cả, giúp người mua dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm sản phẩm.
Phí môi giới thường là bên bán nhà chi trả nên người mua không cần “lăn tăn” về khoản này. Quan trọng nhất là phải tìm được môi giới rành nghề và có “tâm” để yên tâm khi giao dịch.
Nhà giá rẻ vẫn là vấn đề bức bối
Theo giới chuyên gia, hiện tượng căn hộ bình dân, giá rẻ đang sụt giảm mạnh về nguồn cung và trở nên khan hiếm là quy luật tất yếu khi chi phí đầu vào của một dự án từ giá đất cho đến xây dựng đều tăng nhanh. Dù được xem là phân khúc có nguồn cầu lớn, song nguồn cung nhỏ giọt ở thị trường bình dân đang tạo ra sự mất cân đối cho thị trường căn hộ.
Theo báo cáo của Công ty Jones Lang LaSalle (JLL) Vietnam, tổng nguồn cung căn hộ đã hoàn thành tại TP.HCM và Hà Nội tính đến quý 4 -2019 đạt lần lượt 201.707 căn và 224.179 căn ở tất cả các phân khúc, tương đương với tỷ lệ 17 căn/1.000 người.
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam, cho biết “tỷ lệ này tương đối thấp và chúng ta nên tập trung vào thị trường nhà ở đại chúng, vì đây là phân khúc có nhu cầu nhà ở thực sự”.
Bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Quản lý Phòng Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của CBRE Việt Nam, nhận định 2020 sẽ vẫn là năm khó khăn đối với người mua, không chỉ vì giá tăng mà trên thị trường hiện nay đang thiếu sản phẩm bán.
“Sự mở rộng của thế hệ Y, những người đang ở độ tuổi 30 và bước qua tuổi 40, mới vừa lập gia đình nên có nhu cầu tìm kiếm căn nhà riêng. Còn những người đã lập gia đình có nhu cầu tìm nơi ở rộng rãi hơn đã thúc đẩy nhu cầu nhà ở của nhóm này tăng vọt”, bà Thanh cho biết.
Dù khó tìm được sản phẩm trên thị trường sơ cấp, nhưng theo bà Thanh, người mua sẽ có nhiều lựa chọn hơn trên thị trường thứ cấp với các căn hộ có tiến độ xây dựng tốt hoặc chuẩn bị bàn giao.
Nhìn về dài hạn, Tổng giám đốc của JLL Việt Nam cho rằng, việc phát triển nhà ở giá rẻ rất quan trọng để giảm bớt áp lực cho các thành phố. Nhưng việc thiết kế và thực hiện các giải pháp nhà ở này trên cả nước cần rất nhiều hỗ trợ từ chính phủ.
Chuyên gia này đề xuất một số giải pháp khả thi có thể đến từ mặt pháp lý như đặt ra hạn ngạch nhằm đảm bảo rằng luôn có một tỷ lệ căn hộ giá phải chăng nhất định trong mỗi dự án nhà ở, kết hợp với việc nới lỏng các quy định quy hoạch cho nhà đầu tư.
-
Nhà giá rẻ đã hiếm, nay càng khó tìm hơn
Số lượng dự án căn hộ giá bình dân dưới 2 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm dù nhu cầu của người dân là rất lớn.
-
Mức thu lệ phí cấp sổ đỏ hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh
Hiện nay, mức thu lệ phí cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thực tế thường gọi là sổ đỏ/sổ hồng) trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh được thực hiện theo Phụ lục 1C ban hành kèm theo Nghị quyết 124/2016/NQ-HĐND. Cụ ...
-
Hiện trạng con đường dài 600m nhưng tốn hơn 1.000 tỷ đồng để mở rộng ở TP.HCM
Dự án nâng cấp mở rộng đường Chu Văn An (quận Bình Thạnh) chỉ có chiều dài 600m nhưng sẽ tiêu tốn đến 1.067 tỉ đồng. Gần 1.000 tỉ trong tổng vốn đầu tư sẽ dùng để chi trả bồi thường, giải phóng mặt bằng....
-
Đề xuất giảm vốn đầu tư, gia hạn thời gian hoàn thành cao tốc Bến Lức – Long Thành
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành được đề xuất giảm tổng mức đầu tư gần 500 tỷ đồng, đồng thời gia hạn thời gian hoàn thành đến hết tháng 9/2026.