11/02/2020 7:43 AM
Số lượng dự án căn hộ giá bình dân dưới 2 tỉ đồng/căn ngày càng khan hiếm dù nhu cầu của người dân là rất lớn.

Thị trường bất động sản (BĐS) những năm qua vẫn đang tồn tại sự lệch pha về cung cầu. Trong khi nhu cầu về nhà ở giá rẻ trên thị trường là rất lớn thì nguồn cung sản phẩm này lại ngày càng khan hiếm hơn. Các chủ đầu tư chủ yếu phát triển thị trường trung và cao cấp khiến người lao động ngày càng khó sở hữu cho mình một ngôi nhà mơ ước.

Đỏ mắt tìm căn hộ bình dân

Sau nhiều năm dành dụm, anh Tính quyết định mua nhà với giá tầm 1,5 tỉ đồng đổ lại. Giá nhà phố, đất tại các quận, huyện ở TP.HCM đều đang cao chót vót, thấp nhất cũng 40-50 triệu đồng/m2. Do đó anh Tính hy vọng mua được căn hộ bình dân.

Thế nhưng từ nửa năm nay anh tìm kiếm nhưng căn hộ dưới mức 1,5 tỉ đồng gần như không có. “Tôi tìm ở nhiều quận, huyện nhưng tối thiểu cũng ở mức 1,9-2,5 tỉ đồng/căn chỉ 55-65 m2. Chúng tôi khó kham nổi nếu vay ngân hàng vì còn rất nhiều khoản phải chi tiêu” - anh Tính nói.

Ông Đức Quang (ngụ quận Gò Vấp), một nhà đầu tư BĐS, cho biết giờ giá căn hộ mới bàn giao thấp nhất cũng trên dưới 2 tỉ đồng cho diện tích hơn 50 m2. Hơn nữa, nhà giá bình dân rất ít, đa số ở các quận xa như quận 9, quận 7, huyện Bình Chánh… và cũng là mua lại từ nhà đầu tư nên giá đã tăng cao. “Quỹ đất khan hiếm, chi phí tăng, các doanh nghiệp BĐS tập trung phát triển dự án trung cấp, cao cấp cũng là điều dễ hiểu. Chỉ khổ cho người lao động sẽ ngày càng khó mua nhà hơn” - ông Quang chia sẻ.

Phân tích sâu vấn đề này, chuyên gia BĐS Sử Ngọc Khương cho biết năm 2019, hầu hết dự án giá rẻ ở TP.HCM đều được nâng thành nhà trung cấp. Nguyên nhân là thủ tục pháp lý dự án vướng mắc mất nhiều thời gian, các chi phí như tiền sử dụng đất cao, hạn mức tín dụng ngày càng thu hẹp. “Do đó, nếu trước đây doanh nghiệp dự kiến bán giá bình dân 20-25 triệu đồng/m2 căn hộ thì thủ tục kéo dài đã khiến giá BĐS tăng, buộc họ phải bán 40-50 triệu đồng/m2 mới có lợi nhuận” - ông Khương nói.


Các dự án nhà giá rẻ ở TP.HCM ngày càng hiếm. Ảnh: HTD

Năm 2020 sẽ càng khó kiếm nhà giá rẻ

Năm 2020 sẽ là một năm nhiều thách thức do việc chậm cấp phép vẫn tiếp diễn và tín dụng vào BĐS tiếp tục được thắt chặt. Người mua nhà sẽ gặp khó khăn hơn do không có nhiều lựa chọn. Ông Khương cho rằng các chủ đầu tư chỉ có thể phát triển căn hộ bình dân ở ngoại thành, thậm chí phải ra các tỉnh vùng ven như Bình Dương, Đồng Nai… Ông cho rằng TP.HCM cũng như các đô thị lớn khác cần phải có quỹ đất dự trữ để phát triển nhà ở xã hội, nhà cho người thu nhập thấp.

“Cũng cần phải có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp BĐS phát triển sản phẩm giá rẻ như giảm tiền sử dụng đất, thuế, phí… Đồng thời có các gói tín dụng cho người mua nhà với mức lãi suất thấp. Khi đó thì doanh nghiệp mới làm được” - ông phân tích.

Năm 2019, tổng số giao dịch nhà, đất thành công trong cả nước giảm 26,1% so với năm 2018. Lĩnh vực BĐS có số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động hoặc bị giải thể cao nhất, tăng gần 40% so với năm 2018. TP.HCM chỉ có một dự án nhà ở thương mại có quyền sử dụng đất ở được TP chấp thuận chủ trương đầu tư; bốn dự án nhà ở thương mại được chấp thuận chủ trương và công nhận chủ đầu tư, 16 dự án nhà ở thương mại được chấp thuận đầu tư; không có dự án nhà ở xã hội mới nào.

Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), chỉ ra giá nhà năm 2019 đã tăng rất cao. Căn hộ tăng khoảng 15%-20%, cá biệt có dự án tại quận 9 tăng đến 39% nên số đông người có thu nhập trung bình sẽ khó tạo lập nhà ở hơn. Đồng thời, doanh nghiệp BĐS cũng còn rất nhiều vướng mắc.

Vì vậy, HoREA đã đề xuất các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển nhà ở xã hội tới UBND TP.HCM. Đơn cử như đề xuất TP ban hành quy trình các bước xét duyệt hợp lý đối với các dự án nhà ở xã hội có quỹ đất hỗn hợp do doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, trong đó có phần đất rạch, đường, bờ đất thuộc Nhà nước quản lý xen kẹt trong dự án theo hướng rút gọn quy trình xét duyệt đơn giản hơn dự án nhà ở thương mại.

Ngoài ra, TP cần phối hợp với Bộ KH&ĐT và Bộ Xây dựng xem xét, ban hành tiêu chí đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội đã có quỹ đất sạch do Nhà nước quản lý.

“Do nhiều khả năng Nhà nước không bố trí thêm được nguồn vốn ngân sách để thực hiện hỗ trợ tín dụng nhà ở xã hội trong năm 2020 nên hiệp hội đề nghị TP phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện kết nối ngân hàng với doanh nghiệp là chủ đầu tư để người mua tiếp cận được nguồn tín dụng lãi suất hợp lý nhất” - ông Châu cho hay.

Nhà ở bình dân chỉ chiếm 2% tổng nguồn cung

Theo số liệu thống kê của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, năm 2019, nguồn cung mới phân khúc nhà ở giá rẻ tiếp tục giảm sút, phân khúc bình dân chỉ chiếm 2% tổng nguồn cung. Tại TP.HCM, hầu hết các sản phẩm nhà giá rẻ đều được nâng thành sản phẩm trung cấp.

Quang Huy (PLTP)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.