Cổ phiếu của VinFast đã làm lu mờ cổ phiếu của các đối thủ lâu năm trong ngành hơn dù hãng chỉ bán được 24.000 xe vào năm ngoái, một bài viết mới đăng trên tờ Financial Times bình luận.
Nhà máy ô tô VinFast tại Hải Phòng. Ảnh: Reuters
Mặc dù chỉ bán được 24.000 xe vào năm ngoái, cổ phiếu hãng xe điện VinFast trong tháng này đã tăng vọt lên cùng hàng ngũ những nhà sản xuất ô tô giá trị nhất thế giới - vượt xa các đối thủ như Volkswagen, Ford và General Motors, vốn là các hãng xe có doanh số lên tới hàng triệu chiếc.
Vốn hóa thị trường của các nhà sản xuất ô tô tính đến ngày 31/8/2023 (tỷ USD) và doanh số bán ô tô năm 2022 (triệu chiếc).
Giao dịch cổ phiếu đầy phấn khích đã đẩy vốn hóa thị trường của công ty xe điện này lên mức cao nhất là 190 tỷ USD sau khi niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Nasdaq của Mỹ vào ngày 15/8 thông qua một công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC). Ngay cả sau khi giá cổ phiếu đã giảm 50% kể từ thứ Hai tuần qua, VinFast vẫn được định giá 95 tỷ USD.
Giá cổ phiếu tăng giảm chóng mặt của VinFast đã thu hút sự quan tâm của dư luận đến nhà sáng lập tỷ phú Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam ngay cả trước khi niêm yết và nắm quyền kiểm soát 99% công ty, đồng nghĩa với việc ông hiện có tài sản ít nhất là hơn 60 tỷ USD trên giấy tờ.
VinFast đã từ bỏ hình thức phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng truyền thống, thay vào đó niêm yết thông qua SPAC. Cổ phiếu của VinFast có tỷ lệ chuyển nhượng tự do dưới 1%, nghĩa là một lượng nhỏ cổ phiếu được giao dịch công khai – một phần lý do dẫn đến sự biến động lớn về giá trị.
Nhà sáng lập VinFast - ông Phạm Nhật Vượng là người giàu nhất Việt Nam ngay cả trước khi niêm yết công ty ô tô điện. Ảnh: Bloomberg
VinFast chỉ là một phần trong đế chế kinh doanh của ông Phạm Nhật Vượng. Ông là người sáng lập Tập đoàn Vingroup, một tập đoàn tư nhân có vận may theo sát nền kinh tế Việt Nam trong hai thập kỷ qua, theo Finacial Times.
Ông Vượng bắt đầu sự nghiệp ở Ukraine vào những năm 1990 bằng việc đồng sáng lập một trong những thương hiệu mì nổi tiếng nhất nước này, Mivina. Ông đã nhận được số tiền ước tính 150 triệu USD từ việc bán công ty cho tập đoàn thực phẩm Thụy Sĩ Nestlé và về nước ngay khi Việt Nam đang đẩy nhanh quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường.
Ở quê nhà, ông Vượng đầu tư vào bất động sản – dự án đầu tiên là khu nghỉ dưỡng mang tên Vinpearl – và tiếp tục phát triển mọi thứ từ tòa tháp văn phòng, trung tâm mua sắm cho đến các dự án nhà ở. Sau đó, ông mở rộng sang lĩnh vực giải trí, bán lẻ, y tế, giáo dục và công nghệ, các doanh nghiệp với những thương hiệu như Vinhomes, Vinschool, VinAI và VinBrain.
Năm ngoái, Vingroup báo cáo doanh thu 130,5 nghìn tỷ đồng (5,4 tỷ USD) và lợi nhuận sau thuế là 2 nghìn tỷ đồng. Đây là công ty sử dụng lao động tư nhân lớn nhất trong nước với 51.200 nhân viên và các nhà tài trợ quốc tế bao gồm quỹ tài sản có chủ quyền GIC của Singapore và tập đoàn SK của Hàn Quốc.
Sự trỗi dậy của Vingroup đi đôi với tốc độ tăng trưởng vượt bậc ở Việt Nam, thu hút hàng chục nhà đầu tư quốc tế khi đất nước này xây dựng vai trò là trung tâm sản xuất thay thế cho Trung Quốc.
Dù vậy, nhu cầu quốc tế chậm lại đã ảnh hưởng đến tăng trưởng trong năm nay, trong khi xuất khẩu của Việt Nam giảm tháng thứ sáu liên tiếp trong tháng 8, đợt giảm dài nhất kể từ năm 2009. Ngân hàng Thế giới trong tháng này dự báo tổng sản phẩm quốc nội sẽ tăng 4,7% vào năm 2023.
Mohamed Faiz Nagutha, nhà kinh tế Đông Nam Á tại Bank of America Securities, cho biết cơ cấu thuận lợi cho Việt Nam như một điểm đến cho đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn còn. “Tôi nghĩ chúng ta đã vượt qua thời kỳ tồi tệ nhất về mặt kinh tế…”.
Nhà sản xuất ô tô VinFast, vốn đã từ bỏ việc sản xuất phương tiện chạy bằng xăng để tập trung vào xe điện, đang xây dựng một nhà máy ở Bắc Carolina (Mỹ) và đã mở các phòng trưng bày trên khắp bờ biển phía Tây Hoa Kỳ. Công ty cho biết cũng có kế hoạch ra mắt ở châu Âu. “Mục tiêu cuối cùng của chúng tôi là tạo ra một thương hiệu quốc tế”, ông Vượng nói với Bloomberg trong một cuộc phỏng vấn hiếm hoi vào năm 2019.
Ông Vượng đã đầu tư một phần lớn tài sản của mình vào hãng sản xuất ô tô này, đồng thời cam kết hồi tháng 4 rằng sẽ bơm 2,5 tỷ USD vào nguồn vốn mới. “Vingroup và Chủ tịch của chúng tôi sẽ luôn hỗ trợ VinFast”, bà Lê Thị Thu Thủy, Giám đốc điều hành của hãng ô tô, nói với Financial Times trước khi niêm yết. “Bất cứ điều gì VinFast cần, Vingroup đều hỗ trợ”.
VinFast vẫn không có lãi sau 6 năm và việc ra mắt tại Mỹ đã gặp phải nhiều vấn đề, trong đó có việc thu hồi lô hàng 999 xe đầu tiên vào tháng 12 năm ngoái. Lỗ ròng tăng sâu trong quý 1 lên 14,1 nghìn tỷ đồng so với 9,7 nghìn tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Doanh số của VinFast vẫn thấp hơn nhiều so với đối thủ. Hãng dự kiến sẽ bán được 50.000 xe trong năm nay và cho biết công suất sản xuất là 300.000 xe điện mỗi năm.
Việc niêm yết VinFast ít nhất đã đảm bảo cho ông Vượng mục tiêu thu hút sự chú ý của quốc tế - mặc dù vào năm 2019, ông cũng thừa nhận rằng việc thâm nhập thị trường Mỹ sẽ rất khó khăn, theo Finacial Times. Ông nói: “Đó sẽ là một con đường rất khó khăn và chúng tôi sẽ phải nỗ lực rất nhiều. Nhưng phía trước chỉ có một con đường”.
-
Công ty Mỹ lý giải nguyên nhân vì sao cổ phiếu của VinFast tăng 312% trong 1 tuần
VinFast đã giao 11.300 xe điện trong nửa đầu năm 2023 và có 26.000 xe điện đặt trước tính đến ngày 30/6.