Giá một căn hộ tại thành phố đã tăng từ 5 đến 10 lần trong thập kỷ qua. Và nhà ở xã hội nhiều khi lại về tay người giàu, đi xe xịn.

Nếu có một thứ gì đó lập tức khiến một người dân thường trên xe bus tại Bắc Kinh nổi giận, chính là giá nhà đất tại các thành phố của Trung Quốc đã tăng quá cao.


Theo tính toán không chính thức, giá một căn hộ tại thành phố đã tăng từ 5 đến 10 lần trong thập kỷ qua.


Vị Thủ tướng tiếp theo của Trung Quốc sẽ phải tập trung giải quyết vấn đề nhà ở. Chính quyền các tỉnh thời gian qua đã thực hiện chiến lược xây nhà ở xã hội cho người nghèo sống tại các thành phố. Các quan chức kinh tế tuyên bố đã thành công, tuy nhiên việc người dân có hài lòng thực sự hay không lại thuộc phương diện khác.


Số liệu chính thức cho thấy trong những tuần gần đây, chính quyền các tỉnh tại Trung Quốc (thông thường vốn không mấy nhiệt tình với người nghèo) chạy đua để thực hiện hạn ngạch của năm 2011.


Ngày 10/10/2011, chính phủ Trung Quốc tuyên bố mục tiêu khởi công 10 triệu căn nhà ở xã hội đã được hoàn thành đến 98%. Chỉ riêng trong tháng 9/2011, đến hơn 1,2 triệu căn nhà đã được bắt đầu xây dựng, cao hơn gấp đôi tổng lượng nhà đơn lẻ được xây mới tại Mỹ trong năm 2010.


Chính phủ Trung Quốc không chỉ cố gắng để làm hài lòng người nghèo. Họ coi dự án này như cách để vực dậy kinh tế ở thời điểm kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng kém. Mục tiêu nhà ở xã hội năm 2011 đã cao hơn tới 70% so với năm 2010.


Tháng 3/2011, chính phủ công bố mục tiêu hoàn thành 36 triệu căn nhà ở xã hội trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2015. Trung bình nếu 3 người dân sống trong 1 căn hộ, số nhà ở xã hội trên tương đương với việc cả dân số Anh và Phần Lan sẽ có nhà mới.


Giới truyền thông Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích thông tin này. Trước đây Trung Quốc đã từng trải qua thời kỳ hoạt động xây dựng tăng trưởng nhanh chóng bởi chính quyền tỉnh này cạnh tranh với tỉnh khác nhằm chạy đua về thành tích. Một bình luận gia tại báo Panyu Daily ở Quảng Đông viết: “Dường như trò hề ngày xưa đang quay trở lại.”


Chỉ riêng trong tháng 9/2011, tỉnh Quảng Đông công bố nâng hạn ngạch tăng trưởng nhà ở xã hội từ mức 66% (thấp nhất tại Trung Quốc) lên 96% nhờ tỉnh đã khởi công thêm 291 nghìn căn nhà nữa. Sau đó, một bài báo đăng trên cổng thông tin Sina đặt câu hỏi liệu tỉnh Quảng Đông có “xào nấu” số liệu hay không.


Chính phủ Trung Quốc muốn khởi công 10 triệu căn nhà ở xã hội (tương đương với tổng số lượng nhà ở xã hội bán trên khắp Trung Quốc trong năm 2010). Giáo sư Zheng Siqi thuộc đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh lo ngại liệu cú sốc tăng trưởng trên thị trường nhà đất có duy trì.


Bà chỉ ra hiện Ngân hàng Trung ương đang chi trả khoảng từ 10 đến 20% chi phí xây dựng, tương đương khoảng 1,3 nghìn tỷ nhân dân tệ (204 tỷ USD) cho 10 triệu căn nhà. Bà khẳng định chính phủ cần chi tiêu thêm nữa.


Tháng 9/2011, chính phủ Trung Quốc thông báo với chính quyền địa phương rằng họ sẽ không được phép xây văn phòng mới nếu không thực hiện được hạn ngạch mới. Quy định mới cũng sẽ có tác dụng nhất định: chính quyền các tỉnh thường thích xây trụ sở hoành tráng.


Giới phân tích phàn nàn rằng chương trình nhà ở xã hội chủ yếu có lợi cho người dân thành phố có hộ khẩu. Người nhập cư từ các miền quê sẽ không thể có được giấy tờ có lợi như vậy ngay cả nếu họ đã sống ở thành phố trong nhiều năm. Chính quyền các tỉnh không muốn cấp hộ khẩu cho nhóm người này bởi như vậy đồng nghĩa sẽ phải thực hiện thêm nhiều cam kết khác về phúc lợi.


Chính phủ Trung Quốc hy vọng chương trình nhà ở mới sẽ giúp người dân nói chung, kể cả những người có hộ khẩu, bớt căng thẳng về giá bất động sản. Các quan chức gặp rất nhiều khó khăn trong việc đánh giá ai đủ tiêu chuẩn được mua nhà, bởi rất nhiều hộ gia đình che giấu thu nhập thực.


Trong nhiều trường hợp, nhà chất lượng tốt nhất thường về tay người thực ra không xứng đáng. Đến thăm một số khu nhà ở xã hội tại Bắc Kinh, người ta không khỏi ngạc nhiên khi thấy rất nhiều xe ô tô hạng sang đỗ xung quanh các khu nhà ở. Một công ty bất động sản gần đó thậm chí còn thông báo cho thuê nhà: dấu hiệu cho thấy chủ sở hữu nhà ở ở đây có hơn 1 căn nhà và đang muốn kinh doanh kiếm lời.


Chuyên gia Li nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhà ở xã hội nên được phân phối công bằng và quá trình xét duyệt mua nhà cần phải được giám sát bởi truyền thông và người dân. Tuy nhiên còn lâu điều này mới thực sự đi vào thực tế bởi giống như công ty chứng khoán Macquarie Capital Securities nhấn mạnh: “Vẫn khó để tìm kiếm sự thật.”

Theo Ngọc Diệp (CafeF/TTVN/Economist)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.