Quảng cáo một đằng, thực tế một nẻo
Theo tìm hiểu, thời điểm cuối năm 2022 thị trường bất động sản trầm lắng, siết tín dụng gây khó cho các nhà đầu tư nhưng lại là cơ hội tốt cho những người có sẵn tiền mặt, nên chị Hà Giang (TP.HCM) tìm mua một lô đất nền để đầu tư khi trong tay đang có hơn 1,5 tỉ đồng.
Lướt các trang mạng xã hội, chị Giang thấy một bài đăng ở nhóm mua bán nhà đất đang bán “cắt lỗ” mảnh đất hơn 60m2 tại huyện Nhà Bè có giá 1,5 tỉ đồng. Theo nội dung bài đăng giới thiệu mặt trước của mảnh đất rộng hơn 5m. Như vậy, nếu chị Giang mua được với giá này là rẻ hơn thị trường khoảng 300-400 triệu đồng.
Nhiều người lợi dụng cơ hội rao bán "cắt lỗ" nhưng thực chất chỉ là chiêu trò - Ảnh minh họa.
Tính toán xong xuôi, chị Giang liên hệ với người đăng tin để đi xem đất và hẹn lịch. Đúng 9 giờ sáng chị Giang có mặt ở điểm hẹn, nhưng người đến gặp chị là một cái tên khác. Anh ta giới thiệu mình là người quen của chủ đất và dẫn chị Giang đi xem. Tuy nhiên, khi xem thực tế lô đất này chị Giang thấy không giống với những gì trong bài quảng cáo. Khi được hỏi, nhân viên tư vấn nói lô này gần nên dẫn chị đi xem trước, còn lô chị muốn mua cách đây hơn 5km nữa.
“Cứ thế môi giới dẫn tôi xem đến 5 lô đất, nhưng không lô nào giống với lô đã giới thiệu. Có lô diện tích lớn hơn nhưng lại trong ngõ hẹp, có lô mặt tiền đúng là có rộng 5m nhưng cũng không đúng với diện tích như đã quảng cáo. Bực mình chỉ là một phần, nhưng tôi thấy hụt hẫng nhiều hơn vì đang hi vọng tìm được một mảnh đất phù hợp để đầu tư trong giai đoạn này” – chị Giang chia sẻ.
Tương tự, anh Ngọc Hà – một nhà đầu tư nhỏ tại TP.HCM cũng bị môi giới bất động sản đưa vào các “ma trận” khi đi xem một lô đất. Theo bài đăng giới thiệu, anh ưng một lô đất rộng 65m2 ở quận 7 có giá ban đầu là 1,8 tỉ đồng, nhưng chủ đất đang cần tiền nên bán “cắt lỗ” 30%, chỉ còn gần 1,3 tỉ đồng.
“Nghe môi giới tư vấn một hồi tôi mới nhận ra lô đất này không phải ở quận 7 như đã giới thiệu mà thuộc huyện Nhà Bè. Giá của lô đất cũng ngang ngửa thị trường chứ không có chuyện cắt lỗ như đã quảng cáo” – anh Hà bức xúc kể lại.
Chia sẻ của người trong cuộc
Từng có một thời gian làm môi giới cho một công ty bất động sản, Đình Phúc (28 tuổi, Hải Dương) nhớ lại những ngày dẫn khách đi xem đất.
Nhân viên môi giới nghỉ đủ chiêu trò để ép được khách cọc tiền - Ảnh minh họa.
Phúc cho hay: “Mình vào TP.HCM và bắt đầu làm trong công ty bất động sản từ một bài đăng tuyển dụng. Công việc của mình là nhân viên môi giới, đăng bài bán đất rồi tư vấn cho khách hàng. Ban đầu mình chỉ nghĩ đơn giản không phải mảnh đất mình đăng nhưng vẫn có mảnh đất khác tương tự, chỉ là xa hơn một chút. Tuy nhiên, làm dần rồi mới thấy tất cả chỉ là treo đầu dê bán thịt chó thôi. Đăng bán đất ở trong thành phố với giá rẻ, nhưng lại đưa người mua xuống các dự án tận Long Thành, Củ Chi, Bình Dương… tư vấn rồi yêu cầu người mua cọc tiền mới có suất ưu đãi nhưng lại không có giấy tờ gì đảm bảo hay công chứng sổ sách gì. Những ngày tháng đó mình thấy những người bằng tuổi ba mẹ mình phải đi đến những nơi họ không có nhu cầu mua, nhưng vẫn bị ép phải cọc, sau đó chấp nhận mất tiền vì không đòi được”.
Anh chàng 9X cho biết, sở dĩ anh chọn theo nghề này là vì một số bạn bè đã làm và thành công, có nguồn thu nhập tốt. Có người mua nhà, mua xe thành phố. Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi trong tảng băng chìm.
“Quy định công ty không quá khắt khe, mọi người cũng hỗ trợ nhau trong công việc. Lương cơ bản 4,5 triệu đồng, nếu sale tốt, bán được sẽ có mức hoa hồng hấp dẫn. Nhưng mình làm được gần một năm, phải chịu áp lực từ những người bị lừa nhắn tin chửi mình, sếp thì bắt phải lấy được cọc của khách… nên quyết định nghỉ việc. Mình làm hai ba công ty, nhưng đều làm việc với hình thức như vậy” – Phúc chia sẻ thêm.
Theo các chuyên gia, để nhận diện một dự án có dấu hiệu lừa đảo, người mua có thể thông qua một số dấu hiệu sau: Thứ nhất, những dự án có vấn đề thường là không phải “chính chủ”, họ xưng danh chủ đầu tư của dự án nhưng thực tế dự án chưa có, đất vẫn thuộc của người khác, thậm chí là dự án “ma”. Cũng có trường hợp họ ký hợp đồng môi giới với chủ đầu tư, chủ đất nhưng sau đó lại xưng danh là chủ đầu tư trong các thông tin giới thiệu dự án, trong các văn bản ký kết, nhận tiền của người mua. Người mua trước khi giao dịch cần kiểm tra thông tin bên bán về tên công ty, địa chỉ, số vốn điều lệ,… và cả những dự án khác của họ để kiểm chứng những thông tin của người đứng tên bên bán hàng. Thứ hai, thường các dự án có biểu hiện lạ là không có bất kỳ văn bản pháp lý nào về dự án, hoặc có "đầu nhưng không có đuôi". Những dự án này, các môi giới có thể dẫn người mua xem thực địa nhưng đến người dân ngay cạnh dự án, chính quyền địa phương cũng không biết dự án gì, chủ đầu tư là ai. Việc thi công mang tính cấp tốc để trình diễn cho người mua tin tưởng xuống tiền. Thông tin ngay tại dự án như bảng thông tin dự án, chủ đầu tư, đơn vị thi công… không có hoặc mập mờ. Thức ba, các dự án có những dấu hiệu sử dụng cách thức bán hàng rất bất bình thường từ nhân viên môi giới, đến thông tin đưa ra, khiến cho người mua rối tâm, mất cảnh giác, thúc giục…, cho đến sử dụng “chim mồi”, nêu danh người thành công, hô hào khẩu hiệu theo kiểu kích động… không đi vào bản chất của vấn đề: chủ thể bên bán - dự án - rủi ro giao dịch. Họ luôn xoay quanh "bao vây" một cách vội vã thúc giục ký hợp đồng, đóng tiền và không cho người mua có thời gian tìm hiểu thông tin thêm, hoặc có cơ hội gọi điện cho người thân để hỏi tham vấn. Để tránh rơi vào những dự án kiểu này, người mua nhà nên chọn những dự án có đủ điều kiện giao dịch theo thông báo của Sở Xây dựng tại địa phương, sau khi ký hợp đồng mua bán thì yêu cầu chủ đầu tư phải cung cấp văn bản bảo lãnh của ngân hàng. Trường hợp chủ đầu tư không cung cấp được thì có thể khởi kiện để buộc chủ đầu tư phải thực hiện nghĩa vụ về bảo đảm nghĩa vụ giao nhà. |
-
Lật tẩy chiêu trò “treo đầu dê, bán thịt chó” qua lời mời mua nhà phát mãi giá rẻ
Tiếp cận người có nhu cầu mua nhà, chào mời sản phẩm nhà phát mãi giá rẻ, “cò đất” tìm cách dẫn dụ thêm “con mồi” lên những chuyến xe đi xem đất nền ngoại thành.
-
Biết là “treo đầu dê, bán thịt chó”, vẫn sập bẫy ngon ơ
Ham nhà đất giá rẻ, rồi trắng tay bỏ nghề là những câu chuyện cười ra nước mắt, biết rồi nói mãi của nhiều nhà kinh doanh bất động sản tay mơ.
-
Trắng tay vì mua căn hộ chưa đủ điều kiện bán
“Đầu tư phải có rủi ro, chứ đợi hình thành thì không còn lợi nhuận đâu” – Khánh Huyền (Quảng Nam) được nhân viên môi giới tư vấn tại một dự án chung cư.
-
Ngân hàng Nhà nước muốn cấm cho vay đặt cọc bất động sản hình thành trong tương lai
Ngân hàng Nhà nước vừa công bố Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng....
-
Bên bán đất gian dối, tôi có được quyền đòi lại tiền đặt cọc?
Tôi tin tưởng hàng xóm lâu năm nên đặt cọc 150 triệu đồng để mua lô đất 1,2 tỉ đồng của anh T. (theo anh T. thì lô đất nằm ở mặt tiền đường), khi tôi xem đất thì phát hiện lô đất này không có lối đi ra đường (muốn ra đường phải đi qua phần đất của ng...