“Đầu tư phải có rủi ro, chứ đợi hình thành thì không còn lợi nhuận đâu” – Khánh Huyền (Quảng Nam) được nhân viên môi giới tư vấn tại một dự án chung cư.

Sau khi tốt nghiệp, Khánh Huyền đi làm được hai năm, có chút vốn nên dự tính đầu tư vào chứng khoán.

“Mình được nghe mấy anh chị phân tích về cách chơi chứng khoán, nhưng nghe xong vẫn không thể hiểu nên cuối cùng nghe lời một người anh đầu tư vào đất. Thời điểm mua đất khoảng đầu năm 2021, mảnh đất ban đầu có giá 650 triệu đồng, rộng 80m2 tại khu vực Điện Bàn. Đến giữa năm, nhiều người đến xem và trả giá 1,1 tỉ đồng, đỉnh điểm lên đến 1,5 tỉ đồng” – Khánh Huyền cho hay.

Được biết người mua đất cùng Huyền là người có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực bất động sản, anh tư vấn Huyền thời điểm này chưa bán được vì vẫn còn lãi nữa. Hai tháng sau, lô đất tăng giá lên 1,7 tỉ đồng, lúc này anh mới quyết định bán vì “thị trường có dấu hiệu đi xuống, đầu tư vào căn hộ sẽ tốt hơn”.

“Mình hỏi tại sao lại đầu tư vào căn hộ thời điểm đó, anh ấy nói thị trường lắng xuống và có thể đóng băng nên lúc này là cơ hội cho những người có nhu cầu ở thực, có sẵn tiền” – Khánh Huyền kể.

Nghe lời người anh, Khánh Huyền bắt đầu tìm hiểu dự án căn hộ. Vừa bình luận vào bài viết giới thiệu dự án, Huyền đã được một nhân viên gọi điện tư vấn và hẹn đến xem trực tiếp.

Theo lịch hẹn của nhân viên môi giới, Huyền đến khu đất dự án đang xây dựng. Dự án được quây tôn, hàng rào, bên ngoài có ghi rõ thông tin chi tiết về dự án. Bên trong công trường cũng nườm nượp công nhân thi công, máy xúc, xe tải hoạt động nhộn nhịp nên Huyền không chần chừ ký tên vào hợp đồng mua bán với hình thức hợp đồng góp vốn.

Tuy nhiên, sau đó nhiều người phản ánh dự án chưa đủ điều kiện để đưa vào kinh doanh theo qui định, nhưng chủ đầu tư đã tiến hành các giao dịch mua, bán theo hình thức hợp đồng góp vốn khiến Huyền hoang mang.

Ảnh minh họa.

Trường hợp như Huyền không hiếm, theo ông Trần Vũ – người sáng lập công ty nghiên cứu và khảo sát thị trường miền Trung cho hay chiêu thức này đang khá phổ biến ở thị trường bất động sản Đà Nẵng, Quảng Nam nhiều năm qua.

“Khi tìm hiểu một dự án sẽ thấy nhiều dự án được chạy quảng cáo có giấy phép quy hoạch 1/500 và được nhân viên tư vấn là pháp lý vững, nhưng phải lưu ý rằng điều này không đồng nghĩa doanh nghiệp đã nộp tiền sử dụng đất, đất dự án đã hoàn thành chuyển đổi mục đích sử dụng và dự án được cấp giấy phép xây dựng. Giấy phép quy hoạch 1/500 chỉ là công nhận quy hoạch dự án mà thôi” – ông Vũ cho hay.

Theo Điều 55 Luật Kinh doanh Bất động sản sửa đổi năm 2014 quy định, dự án hoàn thành cơ sở hạ tầng mới được phép mở bán. Ngoài ra, trong hợp đồng hợp tác đầu tư, chủ đầu tư được nhận vốn góp của khách hàng và trả bằng lãi suất, không được trả bằng căn hộ.

Bên cạnh đó, theo điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở quy định, Luật nhà ở năm 2014 không cho phép chủ đầu tư ký hợp đồng đặt cọc với cá nhân, tổ chức nhằm huy động vốn xây dựng dự án nhằm mục đích được ưu tiên đăng ký hoặc hưởng quyền mua nhà ở hình thành trong tương lai.

Việc chủ đầu tư bất chấp quy định của pháp luật để lách luật, đồng nghĩa khi xảy ra vấn đề tranh chấp, người chịu thiệt chắc chắn là người mua nhà vì đây là một hợp đồng giả cách, các bên xác lập giao dịch dân sự nhằm mục đích mua bán nhà.

Theo quy định của Bộ luật dân sự, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Như vậy, người mua nhà cuối cùng không mua được nhà, số tiền đã giao cho chủ đầu tư cũng không thể ngay lập tức lấy lại được. Ngược lại, chủ đầu tư lại có thể xoay vốn tại thời điểm đó.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.