Sau mô hình bất động sản sầu riêng, gần đây trên các diễn đàn đầu tư Bất động sản lại xuất hiện nhiều bài đăng kêu gọi hình thức đầu tư mới. Cụ thể, nếu bỏ vốn 100 triệu đồng sẽ thu lãi 38 triệu đồng/năm và 200 triệu đồng sẽ được lãi hơn 110 triệu đồng/năm.

Cách đây hơn hai tháng, hình thức đầu tư mô hình bất động sản sầu riêng tạo nên “cơn sốt” trong giới đầu tư với lợi nhuận “khủng”. Cứ bỏ ra 3 tỉ đồng mua 1ha đất cùng với một vườn sầu riêng, nhà đầu tư sẽ có được thu nhập 1 tỉ đồng/năm mà không phải làm gì hết.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo phương pháp đầu tư này có thể là hình thức huy động vốn “trá hình” trùng với thời điểm lãi suất tăng cao. Một số cá nhân hay tổ chức vụ lợi có thể lợi dụng thời điểm sầu riêng tăng giá để huy động vốn, sau đó sử dụng tiền vào mục đích khác vì dòng tiền huy động này có thời hạn lên đến 5 năm, tương ứng với thời gian cây sầu riêng cho thu hoạch quả.

“Khi tới thời hạn 5 năm thì lúc đó các vấn đề đã được xử lý xong, chu kỳ bất động sản cũng đang ở giai đoạn đi lên, lúc đó họ có thể bán vườn hoặc lợi dụng điều khoản bất khả kháng để chấm dứt hợp đồng góp vốn đầu tư” – theo ông Trần Vũ, người sáng lập công ty nghiên cứu và khảo sát thị trường bất động sản miền Trung.

Mới đây, một hình thức đầu tư tương tự lại xuất hiện, nhưng thay vì trồng sầu riêng nhà đầu tư sẽ trồng… tre.

Bỏ vốn 200 triệu, thu lãi 1,6 tỉ

Trồng tre chỉ 2-3 năm là đã có thể khai thác măng. Tới năm thứ 4 là thu hoạch tốt - Ảnh minh họa.

Theo đó, sẽ có hai gói đầu tư để người góp vốn lựa chọn: Gói 1 đầu tư 200 triệu đồng, thu về 45% lợi nhuận trong 20 năm, tương đương 1,6 tỉ đồng (hơn 116 triệu đồng/năm, thu lãi từ năm thứ 5) và từ năm thứ 7 trở đi nhà đầu tư sẽ hoàn vốn và có lợi nhuận.

Gói 2, đầu tư 100 triệu đồng, thu về 30% lợi nhuận trong 20 năm, hơn 576 triệu đồng (khoảng 38 triệu đồng/năm, thu lãi từ năm thứ 5) và từ năm thứ 8 trở đi nhà đầu tư sẽ hoàn vốn và có lợi nhuận.

“Nhờ ưu điểm trong việc bảo vệ môi trường, mà những rừng Tre của nhà đầu tư sẽ trở thành những "tấm lá chắn" giữ nước - bồi đất - chống biến đổi khí hậu. Hơn thế nữa, chính rừng Tre cũng sẽ mang đến sinh kế vững bền cho những người dân tại vùng trồng” – giới thiệu của công ty kêu gọi đầu tư.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, chuyên gia lâm nghiệp đánh giá rất cao vai trò của tre, trúc trong cơ cấu rừng. Nó làm tăng độ xốp, tăng khả năng thấm nước của đất, giảm xói mòn trong mùa mưa nhưng lại tăng dòng chảy kiệt trong mùa khô. Tre được trồng ven sông, ven suối, dọc chân đê để tăng khả năng bám giữ đất, chống xói lở...

Ngoài là nguyên liệu để làm ra hàng loạt dụng cụ và đồ dùng phục vụ sản xuất, tre còn cung cấp cho chúng ta nguồn thực phẩm đặc sắc, đó là măng.

Trồng tre chỉ 2-3 năm là đã có thể khai thác măng. Tới năm thứ 4 là thu hoạch tốt. Bình thường cũng thu được 30-50 tấn măng/ha/năm và có thể đạt tới 100 tấn/ha/năm. Với giá măng ngày càng cao, thì việc trồng tre lấy măng cũng là một hướng đi nhiều triển vọng.

Tuy nhiên, việc đầu tư trong thời gian dài sẽ có những rủi ro không lường trước, nhà đầu tư cần cẩn trọng và tìm hiểu kỹ trước khi quyết định đầu tư.

  • Bẫy “lùa gà” quen thuộc, tại sao nhiều người vẫn sập?

    Bẫy “lùa gà” quen thuộc, tại sao nhiều người vẫn sập?

    Mới đây, một công ty bất động sản tại Đồng Nai vừa bị công An tỉnh bắt gọn khi đang dàn cảnh bán dự án không có thật. Trước tình huống này, nhiều người lại lắc đầu ngao ngán, bởi những chiếc bẫy quá quen thuộc, được cảnh báo liên tục trong thời gian qua tại sao vẫn có người sập.

Bảo Minh
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.