21/04/2022 1:23 PM
Kết hợp các dịch vụ và bầu không khí của một khách sạn sang trọng, căn hộ hàng hiệu thu hút sự quan tâm của dân du mục kỹ thuật số và các nhà đầu tư bất động sản.

Dự án căn hộ hàng hiệu Aman Niseko, khai trương năm 2023

Khái niệm về một ngôi nhà chắc chắn đã có sự thay đổi đáng kể trong đại dịch Covid-19, khi ranh giới giữa nơi ở, nơi làm việc và nghỉ dưỡng bị lu mờ do hình thức làm việc từ xa và các đợt giãn cách. Đối với dân du mục kỹ thuật số và giới thượng lưu, họ có thể làm việc từ mọi nơi trên thế giới. Đây cũng là lý do các căn hộ hàng hiệu đang dần xác lập vị thế mới.

Vanessa Grout, người đứng đầu mảng nhà ở tại chuỗi nghỉ dưỡng Aman Resorts, cho biết: “Số lượng đặt phòng tại các biệt thự và dinh thự của Aman tăng lên với thời gian lưu trú dài hơn. Khi du lịch chưa hoàn toàn trở lại bình thường và sự an toàn tiếp tục là tiêu chí hàng đầu, thì các căn hộ hàng hiệu mang tính riêng tư, bao gồm cả các dịch vụ như máy bay riêng của chúng tôi, được khách hàng hết sức quan tâm”.

Căn hộ hàng hiệu là mô hình đã xuất hiện từ năm 1927, khi dự án khách sạn – căn hộ mang tên Sherry-Netherland gồm 38 tầng được khai trương ở Manhattan, New York. Nhưng phải đến những năm 1980, các căn hộ hàng hiệu mới thực sự tạo ra dấu ấn mạnh mẽ.

Căn hộ hàng hiệu The Residences at Mandarin Oriental, Moscow

“Trong 10 năm qua, thị trường căn hộ hàng hiệu đã tăng trưởng 170% và có thêm hơn 52.000 căn hộ từ 370 dự án. Bất chấp đại dịch, 100 dự án căn hộ hàng hiệu đã khai trương trong năm 2020”, Michael Roberts, Giám đốc mảng khách sạn tại châu Á - Thái Bình Dương của Savills, cho biết.

“Căn hộ hàng hiệu thu hút những khách hàng đánh giá cao giá trị thương hiệu và dịch vụ hoàn hảo mà nó mang lại, đặc biệt là tầm quan trọng của không gian trong nhà và ngoài trời cùng các vấn đề về sức khỏe. Căn hộ hàng hiệu cũng đáp ứng nhu cầu kinh doanh, giải trí và khẳng định phong cách sống”, Deepu Mahboobani, Phó Chủ tịch của Wimberly Interiors cho biết.

Đại dịch đã tạo ra một cộng đồng người mua có cùng sở thích và lối sống, thay vì các yếu tố nhân khẩu học truyền thống như độ tuổi, quốc tịch hoặc nghề nghiệp. Căn hộ hàng hiệu đáp ứng mọi yêu cầu mới xuất hiện sau Covid-19 về quyền riêng tư, sức khỏe, sự an toàn, không gian để làm việc và nghỉ ngơi thoải mái. Mặc khác, nó mang lại phong cách sống đáng mơ ước, bao gồm quyền tiếp cận các dịch vụ và đặc quyền của các chuỗi khách sạn như khu spa sang trọng hay các nhà hàng sao Michelin.

Mahboobani dự đoán rằng “mức giá căn hộ hàng hiệu thường cao hơn 30% so với căn hộ hạng sang thông thường có thể là một điều bất lợi trong khi kinh tế suy thoái. Tuy nhiên, các ưu điểm và lợi ích mà chủ sở hữu nhận được lại vượt xa sự chênh lệch về giá này”.

Adelina Wong Ettelson, trưởng bộ phận tiếp thị nhà ở toàn cầu của Mandarin Oriental Hotel Group, cho biết: “Căn hộ hàng hiệu sẽ luôn có giá trị cao và là một khoản đầu tư thông thái. Sự kết hợp giữa bất động sản và một thương hiệu khách sạn uy tín đem lại cho chủ đầu tư sự khác biệt so với đối thủ cạnh tranh, mang lại giá vốn cao hơn và tính thanh khoản tốt hơn”.

Lý do là bởi các nhà đầu tư luôn muốn mua một bất động sản chất lượng từ các nhà phát triển và quản lý uy tín, với các tiện nghi và dịch vụ mà một nhà điều hành khách sạn cung cấp thông quad một thương hiệuđã được bảo chứng cả về chất lượng phần cứng (xây dựng, kiến trúc, đồ đạc) và phần mềm (chất lượng quản lý và dịch vụ).

“Đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi bộ mặt của thị trường bất động sản toàn cầu, nhưng không phải tất cả các lĩnh vực bất động sản đều chịu tác động như nhau. Giờ đây, bất động sản không chỉ là một khoản đầu tư chứng tỏ sự giàu có về tiền bạc, mà còn là khoản đầu tư về phong cách sống và chứng tỏ đẳng cấp của chủ sở hữu”, Richard Baumert, chủ đầu tư dự án căn hộ hàng hiệu Four Seasons Private Residences 706 Mission ở San Francisco, cho biết.

Theo Liam Bailey, trưởng bộ phận nghiên cứu toàn cầu của công ty tư vấn bất động sản Knight Frank, với việc mở cửa trở lại các thị trường như London và New York, tác động tiêu cực của Covid-19 lên nhu cầu về căn hộ hàng hiệu đang giảm đi. Trên thực tế, nhu cầu bị dồn nén sau thời gian hạn chế đi lại nên đã bật tăng lên khoảng 8% vào năm 2021 tại các khu vực đô thị.

Căn hộ hàng hiệu tại Aman New York

Guy Cooke, Giám đốc chiến lược của công ty kiến ​​trúc WATG, cho biết các căn hộ hàng hiệu ở thành phố và khu nghỉ dưỡng đáp ứng những nhu cầu khác nhau.

“Căn hộ hàng hiệu ở đô thị tìm đến những người mua “phong cách sống” chính, chiếm 60-70% thị phần. Họ muốn sử dụng nơi đây làm ngôi nhà chính hoặc ngôi nhà thứ hai một cách thường xuyên”.

Đối với các khu nghỉ dưỡng ở châu Á, tiềm năng đầu tư của các căn hộ hàng hiệu đi kèm với tăng trưởng du lịch mạnh mẽ của khu vực. Cooke nói, các căn hộ này thường đi kèm với những chương trình ủy thác cho thuê rõ ràng, minh bạch và giúp tăng vốn chủ sở hữu. Khoảng 70% chủ sở hữu sẽ đem tài sản đi cho thuê để bù đắp các chi phí bảo trì, do thời gian họ sử dụng bất động sản này ít hơn so với căn hộ hàng hiệu tại thành phố.

Ngược lại, các căn hộ hàng hiệu ngày càng có tầm quan trọng và như một động lực thúc đẩy du lịch ở các thị trường mới nổi. Chúng giúp tăng cường sức hấp dẫn của một điểm đến về mặt du lịch và đầu tư, đồng thời hỗ trợ sự phát triển kinh tế tại điểm đến đó.

Thị trường căn hộ hàng hiệu sẽ phải tiếp tục phát triển và tự nâng cấp, đặc biệt là trong bối cảnh nhiều dự án căn hộ độc lập đã bắt kịp về tiện nghi và dịch vụ, dù không hợp tác với các nhà điều hành khách sạn và gắn với một thương hiệu.

Theo Cooke, “chỉ riêng thương hiệu không làm tăng thêm giá trị cho căn hộ. Bản thân sản phẩm cũng phải nổi bật về phong cách thiết kế, chất lượng xây dựng, cũng như thể hiện đẳng cấp sống thông qua các dịch vụ mang tính cá nhân hóa và sự gắn kết chặt chẽ giữa các cư dân trong một cộng đồng tinh hoa”.

Lam Vy (TA)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.