Chung cư cả hai thành phố Hà Nội và TP. HCM đều lội ngược dòng trong bão Covid-19.
Theo một báo cáo mới đây của kênh thông tin batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản (BĐS) tháng 5 có mức độ quan tâm và lượng tin đăng giảm 7% và 3% so với tháng 4. Mức quan tâm giảm mạnh nhất ở loại hình đất (19%) và đất dự án (23%). Đáng chú ý, chung cư lội ngược dòng với mức quan tâm tăng từ 3-5%.
Chung cư "áp đảo"
Sau cơn sốt đất hồi tháng 2-3 đi qua, thị trường đất nền để lại sự ảm đạm, tuy nhiên giá vẫn không giảm như kỳ vọng của nhiều nhà đầu tư. Nguyên nhân được chuyên gia cho rằng do mặt bằng giá đã lên quá cao, khó có thể giảm giá về như đợt trước cơn sốt. Hiện nhiều nhà đầu tư muốn bán không ai mua, tiền đang “chôn vùi” vào đất.
Anh Trần Anh Tuấn (nhà đầu tư tại TP. HCM), sau Tết 2021 trong cơn sốt đất đã mua một lô đất nền gần thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), giá hôm đặt cọc 30 triệu đồng/m2, chỉ sau 1 tuần giá đã nhảy lên 40 triệu đồng/m2. Kỳ vọng vào thị trường tiếp tục tăng, anh đã không bán khi đã có lời. Từ hồi đầu tháng 5, đại dịch Covid lần thứ tư trở lại, lô đất mà anh đầu tư đã giảm giá đáng kể, tuy nhiên muốn bán cũng không có khách hỏi.
Khác với anh Anh Tuấn, chị Nguyễn Thu Quyên (Trung Hoà, Cầu Giấy) cùng một nhóm bạn đã kịp "thoát hàng" trước khi thị trường ảm đạm, chị đã quyết định đầu tư một số chung cư mới khu vực Nam Từ Liêm. Sở dĩ chị Quyên đầu tư vào chung cư, theo chị giải thích đó là nhu cầu thực, có giá trị sử dụng cao. Hơn nữa, theo tính toán của chị, khoảng từ nay đến cuối năm giá nhà sẽ tăng vì giá vật liệu xây dựng và nhân công đang tăng.
Thực tế cho thấy, thị trường BĐS hiện đang khá trầm lắng sau cơn sốt đất, nhiều điểm nóng thị trường không còn sự quan tâm lớn của các nhà đầu tư như trước đây. Báo cáo của batdongsan.com.vn tháng 5/2021 cũng thể hiện cho thấy, thị trường BĐS Hà Nội, xét riêng theo loại hình, chung cư là loại hình được quan tâm nhất với mức tăng 5-7% cả ở thị trường bán và cho thuê. Đất và đất nền vốn là loại hình BĐS “hot” có lượt quan tâm quay đầu giảm mạnh 19% so với tháng 4.
Chung cư Hà Nội sau nhiều tháng đi ngang, sang tháng 5/2021 có bước tăng ấn tượng cả về mức độ quan tâm và lượng tin đăng. Lượt quan tâm tăng đều ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân với mức tăng lần lượt là 16%, 14% và 11%.
Còn tại TP. HCM, chung cư tiếp tục là loại hình BĐS thu hút sự quan tâm và có mức giá tăng đều duy trì qua nhiều tháng. Trong tháng 5, giá chung cư TP. HCM tăng 5% so với cùng kỳ năm trước và lượt quan tâm tăng ở cả 3 phân khúc cao cấp, trung cấp và bình dân so với 1 tháng trước đó.
Lượng quan tâm sụt giảm mạnh ở loại hình đất nền tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tại những tỉnh có số lượng ca nhiễm cao. Đơn cử như Bắc Giang (49%), Bắc Ninh và Hà Nam (46%), Vĩnh Phúc (38%), Đà Nẵng (36%), Quảng Nam (35%)...
Nhu cầu nhà ở thực lớn
Theo ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc batdongsan.com.vn, tháng 5 dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Việt Nam ảnh hưởng không nhỏ tới thị trường BĐS. Trước việc nhiều nhà đầu tư chưa thoát hàng sau cơn sốt đất, xu hướng nhà đầu tư đang quan tâm mạnh đến phân khúc chung cư. Tuy nhiên, giới đầu tư BĐS thận trọng và suy tính dài hạn hơn trong bài toán tài chính.
"Trong trường hợp thị trường hạ nhiệt, giao dịch giảm thì giới đầu tư cũng chỉ chấp nhận ra hàng với tầm giá ít nhất bằng giá mua vào, nếu có thì cũng chỉ giảm nhẹ", ông Quốc Anh nhận định. Vị chuyên gia này cũng cho rằng giá thị trường sẽ tiếp tục đi ngang, ít nhất là trong 2 quý tới đây.
Sự ảm đạm của thị trường được một số chuyên gia chỉ ra rằng, hầu hết dự án mới có mức giá cao so với mặt bằng giá tại các dự án căn hộ hiện hữu lân cận. Tỷ lệ người mua với nhu cầu ở thực thấp, chủ yếu là đối tượng khách mua với mục đích đầu tư. Trong khi đó, một bộ phận lớn người lao động có nhu cầu ở thực thì thiếu nguồn cung nhà ở chung cư.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, thời gian qua thị trường đất nền và dự án giao dịch sôi động, tạo ra sốt đất mạnh nhất. Tuy nhiên thị trường này đang trầm lắng, thậm chí nhiều người muốn bán đi mà không bán được vì tăng giá cao và cũng không ai mua.
Việc nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường chung cư và nhà ở xây sẵn là đang hướng tới đáp ứng nhu cầu thực của khách hàng. Xét riêng mảng nhà ở xây sẵn như nhà liền kề và biệt thự, đây là phân khúc đầu tư có sự ổn định nhất định, biên độ tăng giảm trước và sau cơn sốt đất không lớn, giữ giá tương đối tốt. Tuy nhiên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, phân khúc này lựa chọn khách đầu tư có nhiều tiền.
Riêng đối với chung cư, đây vẫn là thị trường có nhu cầu thực lớn, nhất là ở phân khúc bình dân. Do vậy, sự quan tâm tới chung cư tiếp tục là xu thế của nhà đầu tư và khách hàng.
Nhận định thị trường BĐS từ nay đến cuối năm 2021, vị chuyên gia này nhìn nhận, quỹ đất ngày càng khan hiếm, nên đất nền đô thị và vùng ven vẫn có thế mạnh với nhà đầu tư, người có nhu cầu thật. Do vậy, khả năng sức nóng sẽ quay trở lại, tuy nhiên giá sẽ không cao như hiện nay nhưng cũng không thể về giá như trước Tết được.
-
Giá thuê đất khu công nghiệp tiếp tục leo thang, bất chấp dịch Covid-19
CafeLand - Mặt bằng chi phí thuê đất khu công nghiệp tiếp tục tăng cao và trở thành điểm sáng trên thị trường, bất chấp dịch Covid-19.
-
eMagazine: Sun Group tìm hướng đi mới trong tâm dịch
Tìm hướng đi mới, xoay chuyển tình thế từ bị động sang chủ động gắn với tinh thần “3T” là cách mà Sun Group lựa chọn để đối mặt và vượt qua những thách thức mà đại dịch Covid-19 đặt ra. Trong một buổi trò chuyện cuối năm, bà Nguyễn Ngọc Thuý Linh, Tổ...
-
Đại dịch khiến nhu cầu mua ngôi nhà thứ hai lên cao kỷ lục
Đại dịch làm khối lượng tài sản của người giàu tăng lên nhanh chóng. Theo báo cáo, số cá nhân sở hữu tài sản trị giá trên 30 triệu USD đã tăng gần 10% vào năm ngoài. Điều này kéo theo nhu cầu cao kỷ lục đối với các bất động sản cao cấp hoặc những ngô...
-
Lợi nhuận homestay đâu chỉ đong đếm bằng tiền
Từ dạo bước chân vào làm homestay dù quy mô nhỏ xíu, mọi người vẫn mặc định tôi đang kinh doanh và thường hỏi về lợi nhuận. Đã là lợi nhuận thì nhất định câu trả lời phải bằng những con số, mọi câu trả lời khác được đánh giá thuộc dạng né tránh hoặc ...