Lãi suất cho vay thỏa thuận bằng tiền đồng hiện đã cao hơn khoảng 1 - 3%/năm so với trước thời điểm lãi suất tiền gửi đồng thuận tăng lên 12%/năm.
Do đó, các ngân hàng cho biết, tăng trưởng dư nợ tín dụng chững hẳn so với trước, nhất là với khối khách hàng cá nhân, áp lực lãi suất đang là rào cản tương đối lớn, dù nhu cầu khá cao.

Dư nợ khó tăng

Mặt bằng lãi suất cho vay thỏa thuận được thiết lập ở mức mới cao hơn nhiều so với trước ngày 8/11, khi lãi suất huy động tiền gửi đồng thuận điều chỉnh lên 12%/năm. Trong đó, phải kể đến lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân. Các ngân hàng cho biết, điều chỉnh lãi suất tăng, tăng trưởng dư nợ chững hẳn, vì ngân hàng ngại áp lực lãi vay.

Cụ thể, với lãi suất cho vay tiền đồng được các ngân hàng áp dụng cho khách hàng cá nhân hiện dao động trong khoảng 17 - 20%/năm. Còn với khách hàng doanh nghiệp, tuy lãi suất thỏa thuận được ngân hàng áp dụng mức thấp hơn, nhưng áp lực lãi vay hiện đã cao hơn so với tháng trước khiến khách hàng tỏ ra e ngại.

Phó tổng giám đốc, kiêm giám đốc Khối khách hàng cá nhân của ACB, ông Bùi Tấn Tài cho biết, nhu cầu vốn của khách hàng cá nhân luôn có và theo thông lệ hàng năm, dịp cuối năm thường cao hơn các quý trước đó. Tuy nhiên, do rào cản lãi suất cho vay hiện ngân hàng phải điều chỉnh tăng lên theo chi phí đầu vào, nên tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng có dấu hiệu chững lại và nhiều khả năng giảm.

Tại ACB, theo ông Tài, lãi suất cho vay Ngân hàng áp dụng đối với khách hàng cá nhân hiện dao động trong khoảng 17 - 18%/năm, tùy từng đối tượng khách hàng, cao hơn khoảng 1 - 2%/năm so với cuối tháng trước. Nhưng nếu so với các ngân hàng khác, mức lãi suất cho vay thỏa thuận tiền đồng ACB áp dụng vẫn khá cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo ông Tài, với chỉ tiêu tín dụng được giao đối với Khối khách hàng cá nhân của ACB năm nay, khả năng sẽ khó đạt được, do lãi suất tăng.

Ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng giám đốc OCB cũng cho hay, với mức lãi suất cho vay phổ biến 17 - 18%/năm hiện nay, khách hàng thực sự cần vốn mới vay, bởi áp lực trả lãi không nhỏ. Đặc biệt là với các khoản vốn cho vay tín chấp, lãi suất thỏa thuận được nhiều ngân hàng áp dụng mức cao hơn, có nơi lên đến 19 - 22%/năm. Vì thế, nhà băng rất khó kích thích được tăng trưởng dư nợ trong 2 tháng còn lại của năm.

Đối với OCB, theo ông Tuấn, ngân hàng này đang phấn đấu để hoàn tất mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm 2010, song cũng rất khó đạt được như mục tiêu kỳ vọng.

Bởi mục tiêu đưa ra của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hiện nay là “siết” tín dụng để chủ động kiểm soát tốc độ lạm phát. Đó cũng chính là lý do lãi suất cơ bản tháng 11/2010 được điều chỉnh tăng thêm 1%. Mặt bằng lãi suất huy động vốn và cho vay từ đó đội lên cao khiến tăng trưởng dư nợ tín dụng chững lại.

Kết thúc 10 tháng đầu năm 2010, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 22,81% so với cuối năm 2009.

Tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối tháng 10 ước tăng 22,5% so với cuối năm 2009. Như vậy, so với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng dư nợ tín dụng NHNN đưa ra trong năm nay 25% thì khả năng đạt được là trong tầm tay, nên mục tiêu được đặt lên hàng đầu là kiểm soát lạm phát.

Mặt bằng lãi suất có ổn định?

Kể từ sau khi lãi suất tiết kiệm VND được các ngân hàng đồng thuận tái tăng lên 12%/năm, trên thị trường đã xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Ngân hàng lớn, dư nguồn vốn khả dụng, không muốn tăng lãi suất tiền gửi lên cao cũng phải “nghiến răng” tăng chi phí đầu vào để giữ chân nguồn tiền tiết kiệm.

Trong khi đó, nhằm thu hút tiền nhàn rỗi mở rộng hoạt động cho vay dịp cuối năm, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn ra sức khuyến mãi, tăng thêm tính hấp dẫn cho lãi huy động vốn.

Song điều đáng nói là chính các đợt điều chỉnh tăng lãi suất tạo tâm lý kỳ vọng và sự mặc cả của khách hàng gia tăng. Trên thị trường hiện nay, ngoài mức lãi suất được các ngân hàng công khai ở mức 12%/năm, áp dụng cho hầu hết kỳ hạn ngắn đến dài ngày, không ít nhà băng còn thỏa thuận lãi suất ngoài để “chiêu dụ” khách hàng gửi tiền.

Mặt khác, trước sự mặc cả của khách hàng, nếu không gia tăng thêm ưu đãi, lãi suất và khuyến mãi, người gửi tiền sẽ chuyển hướng sang ngân hàng có lãi suất cao hơn. Chi phí đầu vào của ngân hàng gia tăng, từ đó sẽ được cộng vào lãi suất cho vay.

Thực tế hiện nay, lãi suất của ngân hàng áp dụng tùy từng mức cho từng khoản tiền có giá trị khác nhau và dao động trong mức từ 12 - 15%/năm. Nếu có tiền nhàn rỗi càng nhiều, khách hàng sẽ mặc cả lãi suất cao hơn khiến ngân hàng nhỏ gặp khó.

Mặt bằng lãi suất trên thị trường chưa thực sự ổn định sau khi các ngân hàng đồng thuận điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm lên 12%/năm.

Theo ông Bùi Tấn Tài, chi phí đầu vào đã đội lên khá cao, dù nguồn vốn khả dụng của Ngân hàng không thiếu. Nhưng nếu không điều chỉnh lãi suất và cộng kèm khuyến mãi sẽ khó giữ được chân khách hàng gửi tiền. Nếu cộng cả khuyến mãi, lãi suất tiền gửi cao nhất tại ACB là hiện 13%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất này vẫn thấp hơn so với ngân hàng nhỏ.

Cạnh tranh lãi suất huy động vốn ngày một khó nên các nhà băng luôn thủ nguồn, đồng thời cân đối khá kỹ trước khi mở “van” tín dụng hỗ trợ cho khách hàng.

Theo bà Dương Thu Hương, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA), với vai trò của Hiệp hội trong lúc này chỉ có thể đứng bên ngoài để theo dõi biến động của lãi suất và không thể kêu gọi các ngân hàng ngừng khuyến mãi. Vì các chương trình khuyến mãi lãi suất của ngân hàng là do các cơ quan, ban, ngành khác cấp phép.

Trước diễn biến của mặt bằng lãi suất chưa mấy ổn định hiện nay, một cán bộ cấp cao trong ngành ngân hàng cho rằng, sau đợt tăng lãi suất vừa rồi đã tác động rất lớn đến tâm lý kỳ vọng của người gửi tiền.

Đồng thời, qua đó tạo thuận lợi cho một số ngân hàng quy mô, có nguồn vốn khả dụng dư thừa kiếm lợi nhuận trên thị trường liên ngân hàng.

Vì ngân hàng nhỏ, vốn dĩ đã rất khó khăn trong huy động vốn, sẽ càng khó hơn khi lãi suất trên thị trường biến động, nên phải tìm đến liên ngân hàng. Thực tế, lãi suất liên ngân hàng trong tuần thứ 2 của tháng 11/2010 có thời điểm lên đến 30%/năm hoặc hơn (mức cao nhất trong năm), nhưng cầu vẫn khá lớn.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có chiều hướng hạ nhiệt trong 2 ngày qua và hiện kỳ hạn 1 tuần được chào ở mức dao động 14 - 15%/năm. Kỳ hạn tuần và kỳ hạn 2 - 3 tháng lãi suất còn 12,2%/năm, giảm 1 - 1,3%/năm so với cuối tuần trước.

Tuy nhiên, do cạnh tranh huy động vốn từ thị trường một ngày một khó khăn và chi phí tăng, nên ngân hàng khó có thể điều chỉnh giảm lãi suất cho vay thỏa thuận.

Cafeland.vn - Theo Thùy Vinh (ĐTCK)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland