CafeLand – Quy định cấm các cuộc điện thoại, nhắn tin quảng cáo khi chưa được sự đồng ý của khách hàng, trong đó có lĩnh vực bất động sản đang nhận được nhiều quan tâm. Đa phần người dân cảm thấy hồ hởi bởi từ nay sẽ không còn phải nghe những cuộc gọi làm phiền liên tục. Với môi giới bất động sản Nghị định này sẽ gây ảnh hưởng và khó khăn hơn cho công việc của họ.

Tức muốn đập điện thoại

Nghị định 91/2020/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành mới đây và bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/10/2020 đã có những quy định chặt chẽ và chế tài nặng hơn cho các hành vi gọi điện, gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo đến số điện thoại của người dùng khi chưa được sự đồng ý.

Theo đó, nếu tổ chức, cá nhân thực hiện các cuộc điện thoại, nhắn tin quảng cáo khi chưa đạt được thoả thuận với người dùng, hoặc gửi vào số điện thoại nằm trong danh sách không quảng cáo, gọi điện gửi tin nhắn quảng cáo không đúng quy định… thì mức xử phạt có thể từ 5 – 100 triệu đồng.

Như vậy, nếu nghị định này có hiệu lực, bất động sản sẽ là một trong lĩnh vực chịu ảnh hưởng nhiều hơn cả. Tình trạng người dân phải “nổ đầu” với những cuộc điện thoại, tin nhắn mời mua nhà đất đã được phản ánh rất nhiều trước đây. Nay với Nghị định 91, nhiều người vui mừng vì sắp tới không còn bị ám ảnh bởi những cuộc gọi không mời mà đến này nữa.

Sẽ không còn những ngày mất ăn mất ngủ vì bị làm phiền bởi các cuộc gọi điện quảng cáo?

Chị Vui (ngụ Thủ Đức, TP.HCM) chia sẻ, mỗi ngày chị nhận ít nhất cũng vài tin nhắn, đôi khi là các cuộc điện thoại liên tục của nhân viên môi giới bất động sản mời mua nhà đất. Có nhiều khi đang bận “tối tăm mặt mũi” nhưng thấy cuộc gọi liên tục đổ đến cứ ngỡ là khách hàng, đối tác nên phải dừng tay nghe điện thoại thì tức nghẹn vì đó là cuộc gọi mời mua nhà.

Anh Trung (ngụ quận 9, TP.HCM), cũng không ít lần muốn đập điện thoại vì bị “khủng bố” mời mua đất nền giá rẻ. “Đi làm cả ngày mệt bở hơi tai, buối tối về đang lim dim ngủ thì điện thoại đổ chuông mời mua đất tỉ này tỉ nọ. Nhiều khi muốn đập cả điện thoại”, anh Trung bức xúc.

Nhiều bạn đọc của CafeLand cũng chia sẻ những trải nghiệm oái ăm với những cuộc gọi rác.

“Người nhà đang cấp cứu ở bệnh viện, trên đường chạy lên thì nghe tiếng điện thoại sợ muốn khóc, vội tấp vào lề đường alo, alo. Thì ra là chào mời mua bất động sản, muốn cạo đầu nó ghê”, một bạn đọc cho biết.

Một bạn đọc khác cũng từng muốn đập điện thoại: “bực nhất đang ở trên lầu, nghe điện thoại dưới nhà kêu, tưởng khách hàng gọi chạy muốn ná thở xuống dưới bắt máy lên nghe quảng cáo, muốn đập cái điện thoại ghê”.

Theo ghi nhận của CafeLand, bên cạnh việc ủng hộ những nội dung Nghị định 91 thì người dân cũng muốn làm rõ trách nhiệm quản lý của nhà mạng ra sao. Bởi họ không hiểu vì sao mình chưa bao giờ có nhu cầu mua nhà đất nhưng số điện thoại lại nằm trong tay của các công ty, môi giới bất động sản.

“Làm công nhân tháng vài triệu chưa đủ ăn lấy đâu ra tiền tỉ mà mua nhà, không hiểu sao họ vẫn có số điện thoại để gọi”, chị Dung, công nhân ở khu chế xuất Linh Trung (Thủ Đức).

Người trong cuộc nói gì?

Diễm Thuý, nhân viên môi giới bất động sản của một công ty ở quận 3, TP.HCM cho biết, thông tin về Nghị định 91 đang là chủ đề quan tâm của nhiều anh em môi giới.

Việc gọi điện, nhắn tin quảng cáo thì nhiều lĩnh vực khác như bảo hiểm, bán xe, bán hàng cũng làm chứ không riêng gì bất động sản. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực đặc thù hơn nên nhiều người cứ “khoanh vùng” cho mỗi bất động sản.

Thuý cho biết, gọi điện thoại quảng cáo là một trong những kênh bán hàng truyền thống và hiệu quả được nhiều ngành nghề áp dụng. Nếu hình thức này bị cấm thì nhân viên bán hàng sẽ mất đi một kênh quảng cáo chi phí thấp, lượng khách hàng cũng ít lại bởi một số khách hàng lớn tuổi họ ít khi lên mạng kiếm thông tin mà gọi điện thoại họ mới nghe.

Ngoài ra, môi giới sẽ phải chạy quảng cáo online nhiều hơn, tốn chi phí nhiều hơn do áp lực cạnh tranh rất lớn.

“Thật ra ngay cả bản thân mình mỗi ngày nhận cả chục cuộc điện thoại sẽ rất ức chế khó chịu. Thường 70 – 80% là không thích nghe các cuộc điện thoại quảng cáo như vậy. Quan trọng hơn cả là kỹ năng gọi điện và tuỳ vào data mình gọi nữa”, Thuý nói.

Nữ môi giới này chia sẻ thêm, tuỳ cách nói chuyện, giọng nói của môi giới như thế nào nữa chứ không phải ai bị gọi điện cũng khó chịu. Ví dụ, gọi data một cách đại trà thì ai cũng khó chịu nhưng nếu gọi đúng data là người quan tâm, nhà đầu tư chuyên bất động sản thì những quảng cáo đó lại có hữu ích với họ.

Không phải cuộc gọi, tin nhắn quảng cáo nào cũng vô bổ và gây khó chịu cho người nghe

Anh Hoàng, một nhân viên môi giới bất động sản khác chia sẻ, không phải môi giới bất động sản nào cũng gọi điện, nhắn tin quảng cáo bất chấp. Một người bán hàng kinh nghiệm sẽ luôn đặt mình vào vị trí của khách hàng để chọn cách tiếp cận phù hợp, mang đến những giá trị thông tin hữu ích cho người ta chứ không phải tiếp thị một cách vô tội vạ sẽ phản tác dụng.

Theo anh Hoàng, hiện nay phần lớn những cuộc điện thoại, tin nhắn quảng cáo liên tục bất kể ngày đêm một phần là do các bạn môi giới mới nhập nghề, chưa có kinh nghiệm, chưa có data tốt cộng với áp lực cạnh tranh phải bán được hàng nên buộc phải tận dụng tối đa kênh này dù biết kiểu gì cũng bị “ăn chửi”. Tuy nhiên, cũng có những cuộc điện thoại, tin nhắn được lập trình sẵn và gửi một cách tự động bởi robot.

Ông Nguyễn Văn Hậu, Tổng giám đốc Aisan Holding, cho rằng Nghị định 91 sẽ có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động bán hàng của nhân viên môi giới bất động sản sắp tới. Thực tế, không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới gọi điện thoại vẫn là kênh bán hàng truyền thống được ưa chuộng và hiệu quả.

Tuy nhiên, để hạn chế những khó chịu cho người nghe đòi hỏi cách quản lý chặt chẽ từ phía nhà mạng. Ví dụ, một nhân viên bán hàng gọi tới số điện thoại của khách hàng thì nhà mạng sẽ gửi tin nhắn báo cho người đó biết đây là số điện thoại quảng cáo để người dùng lựa chọn có nghe hay không.

CEO Asian Holding cũng cho biết, Nghị dịnh 91 ra đời cũng là dịp để các công ty, sàn môi giới bất động sản thay đổi cách tiếp cận khách hàng. Thay vì phụ thuộc vào gọi điện thì còn nhiều cách tiếp cận online hoặc offline khác để đưa thông điệp tới khách hàng.

Luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng, Nghị định 91 sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn cho lĩnh vực bán hàng. Nhiều công ty bán hàng nếu không thích ứng được sẽ phải “chết” vì xưa nay chủ yếu tìm khách bằng các cuộc gọi điện thoại. Do đó, đòi hỏi các đơn vị này muốn tồn tại phải thay đổi chiến lược, phương thức Marketing để tiếp cận khách hàng.

Xử phạt có dễ?

Nghị định 91 quy định khá chi tiết về vi phạm và chế tài xử phạt đối với hành vi gọi điện, nhắn tin quảng cáo không đúng quy định. Tuy nhiên, liệu có dễ thực hiện?

Băn khoăn như vậy là bởi, trước đây Nghị định 28/2017 sửa đổi Nghị định 131 và 158 của Chính phủ xử phạt hành chính về quyền tác giả, văn hóa, thể thao, du lịch, quảng cáo vừa được ban hành và có hiệu lực từ 5/5/2017 cũng từng có nội dung quy định xử phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với hình thức quảng cáo bằng cách treo, đặt, dán, vẽ quảng cáo trên cột điện, trụ điện, cột tín hiệu giao thông và cây xanh nơi công cộng.

Tuy nhiên, dù Nghị định đã “đi vào đời sống” được 3 năm nhưng thực tế hiện nay tình trạng băng rôn quảng cáo “trèo cây xanh, đu cột điện” vẫn diễn ra nhan nhản.

Trần Phong
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.