Đi đầu trong việc ‘đồng thuận’ hạ lãi suất đợt này là Ngân hàng cổ phần Á Châu (ACB). Theo đó, với kỳ hạn từ 3 đến 12 tháng, ACB áp dụng mức 10,88% một năm cho tiền gửi tiết kiệm. Mức lãi suất huy động VND cao nhất của ACB là 11%/năm được áp dụng cho sản phẩm tiền gửi tiết kiệm lãi suất thả nổi kỳ hạn 36 tháng. Tương tự, Eximbank cũng có mức 11%/năm cho kỳ hạn từ 1 đến 12 tháng.
Tại ngân hàng Eximbank, mức lãi suất tiền gửi tiếp kiệm bằng VND cũng đã được hạ xuống mức 11%/năm ở tất cả các kỳ hạn, và có hiệu lực bắt đầu từ ngày 15/10. Đồng thời với việc hạ lãi suất tiền gửi, Eximbank cũng khởi động chương trình “Gửi tiền nhận điểm thưởng” và chương trình “Gửi USD hưởng lãi suất cao”. Bên cạnh việc hạ lãi suất, Eximbank còn đưa ra nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn dành cho khách hàng gửi USD và VND.
Ngày 16/10, Vietcombank cũng điều chỉnh giảm mạnh lãi suất cho vay Việt Nam đồng, mức điều chỉnh thấp nhất chỉ còn 11,5%/năm. Theo đó, lãi suất huy động của Vietcombank cũng được hạ xuống cụ thể là: Kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng thấp nhất là 10,8% năm nhưng không được cao hơn 11%/năm, kỳ hạn 12 tháng thấp nhất là 10,5%/năm nhưng không được cao hơn 11%/năm, còn kỳ hạn 3 tháng, 6 tháng và 9 tháng có cùng lãi suất là 11%/năm.
Bên cạnh một số ngân hàng tích cực giảm lãi suất, vẫn còn nhiều ngân hàng khác vẫn chưa chính thức công bố việc giảm lãi suất. Lý do khiến các ngân hàng này ‘án binh bất động’ là bởi muốn 'học hỏi kinh nghiệm' từ các ngân hàng khác. Theo một số ngân hàng, nếu lãi suất giảm nhanh quá, vốn sẽ chảy sang các ngân hàng đối thủ ngay. Tuy nhiên, theo ý kiến của các chuyên gia, điều quan trọng nhất là cần phải có chính sách điều hành hợp lý để lạm phát giảm xuống thì lãi suất mới giảm được.







