Ngành bất động sản, giống như nhiều ngành kinh tế khác, thường hướng đến những nơi có mật độ dân cư cao và hoạt động đa dạng. Dù là ở vùng ngoại ô hay nội đô, hầu hết các dự án nhà ở đều chọn các khu vực trung tâm, nơi có nhiều người sinh sống và làm việc.
Cùng với sự bùng nổ đại dịch Covid-19 vào năm 2020, những thay đổi trong cách sống và làm việc đã khiến những mô hình phức hợp gồm nơi sinh sống, làm việc và giải trí (Live-Work-Play) ngày càng trở nên đắt giá. Còn được gọi là “thành phố 15 phút”, các cộng đồng này giúp cư dân tiếp cận với những nhu cầu đa dạng như chăm sóc sức khoẻ, thực phẩm, trường học và việc làm trong vòng 15 phút bằng cách đi bộ hoặc đi xe đạp.
Mark Sutcliffe của smarttransport.org, viết về mô hình này: "Thay vì thu hút người lao động, người mua sắm và sinh viên vào các trung tâm đông nghẹt, mô hình thành phố 15 phút cung cấp nhu cầu hàng ngày của dân cư trong một khu vực lân cận thành phố; vì vậy không ai cần đi hơn 15 phút để đi làm, mua thức ăn, khám bệnh và các địa điểm giáo dục cho con cái của họ”.
Tại Hoa Kỳ, các căn hộ thuộc các khu dân cư phức hợp đang tăng lên nhanh chóng, số lượng tăng gấp bốn lần so với 10 năm trước, từ 10.000 đến 43.000 căn hộ mỗi năm. Manhattan, New York dẫn đầu với 1/5 tổng số căn hộ theo mô hình này.
Tại Việt Nam, mô hình đô thị phức hợp cũng ngày càng phát triển, với các đại đô thị lớn mọc lên từ Nam ra Bắc. Trong đó có thể kể đến Royal City, Times City, Ecopark, Ciputra, Vinhomes Riverside, Gamuda Gardens… tại Hà Nội, hay Phú Mỹ Hưng, Vinhomes Central Park, Đảo Kim Cương, Dragon City, Dragon Village tại thành phố Hồ Chí Minh.
Các khu dân cư phức hợp được coi là sự kết hợp giữa khu đô thị và các chức năng xã hội để tạo ra một nơi sống giúp giảm lượng khí thải carbon đô thị, và định nghĩa lại các thị trấn đang bị chia tách thành các khu riêng biệt.
Ngoài việc tiết kiệm thời gian di chuyển đến công sở hay các khu vực có nhiều tiện ích khác, cư dân còn sở hữu một lối sống lành mạnh hơn và giảm đáng kể lượng khí thải nhà kính do ít phải lái xe. Theo đó, khi nơi làm việc, cửa hàng và nhà ở gần nhau hơn, không gian đường phố trước đây dành riêng cho ô tô được giải phóng, từ đó loại bỏ ô nhiễm và nhường chỗ cho các khu vườn, làn đường dành cho xe đạp, và các cơ sở thể thao và giải trí bổ sung.
Các khu dân cư phức hợp cũng cho phép người dân mang nhiều hoạt động hàng ngày ra khỏi nhà (ở các thành phố lớn, nơi diện tích nhà ở đôi khi có thể nhỏ và chật chội) và có thể đi đến “những con phố và quảng trường thân thiện, an toàn”. Họ cũng có nhiều thời gian dành cho bạn bè và gia đình hơn, nhờ đó tăng cường các hoạt động thể chất, cân bằng cuộc sống – công việc và có cuộc sống chất lượng cao hơn.
Tuy nhiên, dù được xem là xu thế phát triển thời thượng, việc phát triển các khu đô thị phức hợp vẫn gặp nhiều thách thức, đặc biệt là việc quản lý sau khi đi vào sử dụng.
Đối với các dự án chung cư có phần diện tích trung tâm thương mại lớn, việc quản lý vận hành phức tạp hơn rất nhiều so với các dự án chỉ để ở đơn thuần. Nguyên nhân là số lượng người ra vào trung tâm thương mại nhiều dẫn đến tình trạng lộn xộn và chen chúc giữa xe của cư dân và xe của khách hàng. Đó là chưa kể đến mùi thức ăn từ các nhà hàng hay tiếng ồn từ các khu vui chơi kéo dài đến tận khuya của khối thương mại gây ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân.
Ngoài ra, vấn đề còn liên quan đến phí dịch vụ là lợi ích sát sườn của cư dân. Với hai cách tính hiện tại là tính riêng phần phí dịch vụ của khối chung cư và thương mại hoặc gộp hai khoản phí này để sử dụng chung cho cả toà nhà đều khó giải trình với cư dân, gây ra mâu thuẫn giữa các bên liên quan gồm ban quản lý, chủ đầu tư và cư dân.
-
Đại dịch mở ra tương lai xanh hơn và bền vững hơn cho các đô thị tại châu Á
CafeLand - Đại dịch toàn cầu có thể là chất xúc tác cho những tiến bộ có ý nghĩa trong các lĩnh vực như xây dựng xanh, cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và quy hoạch đô thị tại châu Á.
-
Giao dịch đất nền bật tăng
Trong quý 4/2022, lượng giao dịch đất nền thành công là 149.197 giao dịch, bằng khoảng 130% so với quý trước đó.
-
Khó chồng khó, doanh nghiệp bất động sản phá sản tăng gần 40%
Theo Bộ Xây dựng, năm 2022 số doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản, giải thể tăng khoảng 38,7% so với cùng kỳ năm trước.
-
Bất động sản 2022: Một năm lạ lùng
Đầu năm 2022, sốt giá bất động sản diễn ra tại nhiều nơi. Giá đất tăng từ 2 đến 3 lần, nhưng cuối năm thị trường gần như đóng băng, nhiều nhà đầu tư muốn cắt lỗ cũng không thành. Gam màu xám được dự báo sẽ còn phủ lên thị trường bất động sản cho đến ...