31/10/2021 1:48 PM
Công nghệ mới và các tiêu chuẩn nghiêm ngặt hơn cho phép nhà đầu tư và đơn vị quản lý các công trình xanh theo dõi tốt hơn lượng khí thải carbon trong quá trình xây dựng và vận hành, từ đó mang lại lợi nhuận cao hơn và bền vững hơn.

Công trình xanh trở thành xu hướng trên toàn cầu

Khi nhà phát triển Lendlease khai trương tổ hợp nhà ở và văn phòng trị giá 600 triệu USD tại Los Angeles ​​vào năm 2025, dự án này sở hữu toàn bộ các đặc điểm của một công trình bền vững: gần trạm dừng tuyến đường sắt nội đô, tháp dân cư vận hành hoàn toàn bằng điện, các tấm pin năng lượng mặt trời và một quảng trường đi bộ.

Ngày nay, những đặc điểm trên đã khá phổ biến trong nhiều công trình. Điều khiến dự án của Landlease trở nên đặc biệt là tính bền vững không chỉ thể hiện ở các tiện ích hay trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, mà là hiệu quả về tài chính.

Sara Neff, người đứng đầu bộ phận phát triển bền vững tại khu vực Châu Mỹ của Lendlease, cho biết: “Chúng tôi đã phát triển các công trình bền vững trước khi có áp lực của nhà đầu tư như hiện tại”.

Đối tác đầu tư của Landlease trong dự án này, Aware Super, sẽ theo dõi hiệu suất và chỉ số môi trường, bao gồm cả việc loại bỏ lượng khí thải của người thuê nhà bằng cách sử dụng 100% năng lượng tái tạo.

Dự án này cho thấy một xu hướng lớn hơn khi các nhà đầu tư đổ tiền vào các bất động sản bền vững, áp dụng công nghệ mới và các tiêu chuẩn khắt khe hơn để theo dõi khả năng giảm khí thải của công trình.

Một nhà phát triển khác là Hudson Pacific Properties đã xây dựng tòa tháp văn phòng Epic ở Holywood đang được Netlix thuê lại. Bề mặt ngoài tòa nhà được ốp các tấm năng lượng mặt trời. Hay Prologis, gã khổng lồ công nghiệp quốc tế, đã bán trái phiếu xanh để huy động vốn cho việc xây dựng các nhà kho bền vững hơn.

Thay đổi nhận thức

Bất động sản bền vững không phải là một ý tưởng mới. Gần 3 thập kỷ qua, Hội đồng Công trình Xanh đã thúc đẩy sự phát triển hiệu quả hơn của các tòa nhà xanh thông qua bộ tiêu chuẩn LEED.

Trong vài năm gần đây, thay đổi nhận thức về rủi ro từ biến đổi khí hậu đã khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang các công trình xanh an toàn hơn và có hiệu suất cao hơn. Nhiều công cụ và tiêu chuẩn đo lường mới đang được áp dụng để các tòa nhà nâng cao tiêu chuẩn bền vững cũng như hiệu quả về kinh tế và môi trường.

Dan Winters, người đứng đầu tổ chức GRESB tại khu vực Châu Mỹ, cho biết: “Việc đánh giá lượng khí thải carbon sẽ định nghĩa ngành bất động sản trong thập kỷ tới”. GRESB là hệ thống đánh giá tính bền vững trong lĩnh vực bất động sản, hiện đang được áp dụng cho lượng tài sản có tổng giá trị 5,3 nghìn tỷ trên toàn cầu.

Theo công ty dữ liệu CoreLogic, các báo cáo ngày càng nghiêm trọng hơn về những thảm họa thiên nhiên thường xuyên - như lũ lụt và gió mạnh của cơn bão Ida tại Mỹ, gây thiệt hại nhà ở ước tính từ 27 tỷ đến 40 tỷ USD vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9 vừa qua - đã cho thấy biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng đến bất động sản sớm hơn nhiều so với dự kiến.

Theo Cervest, một A.I. nền tảng giám sát rủi ro khí hậu doanh nghiệp, thì 88% các doanh nghiệp tại Mỹ và Anh được khảo sát sở hữu một tài sản vật lý, như văn phòng hoặc nhà xưởng, bị ảnh hưởng bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Vào ngày 15 tháng 10, Tổng thống Mỹ Biden, người đã đưa ra nhiều đề xuất về khí hậu là trọng tâm trong chương trình nghị sự “Xây dựng trở lại tốt hơn”, đã đưa ra một chiến lược để tìm hiểu về các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu tại các công ty đại chúng nhằm giúp các nhà đầu tư chuyển hướng sang các tài sản bền vững hơn.

Thước đo thẩm định mới của các nhà đầu tư

Dự án của Lendlease tại Los Angeles là một phần trong chuỗi các tổ hợp mới mà nhà phát triển này đang xây dựng ở Bắc Mỹ, bao gồm công trình1 Java Street ở Brooklyn. Lendlease đang đặt cược rằng các bất động sản bền vững sẽ thu hút khách thuê tốt hơn và tạo ra một tài sản có giá trị hơn và hấp dẫn nhiều nhà đầu tư hơn.

Bà Neff nói: “Các công trình cần có một mô hình phát triển xuất sắc, nhưng việc vận hành cũng phải xuất sắc tương đương. Các yếu tố này trong bối cảnh thế giới nỗ lực giảm khí thải carbon sẽ trở thành thước đo thẩm định mới của các nhà đầu tư”.

Theo BlackRock, nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới, các quỹ tương hỗ và quỹ hoán đổi danh mục (ETF) đã đầu tư gần 300 tỷ USD vào các bất động sản bền vững trên toàn cầu trong năm 2020, gần gấp đôi năm trước đó.

Stephen Tross, Giám đốc đầu tư quốc tế của Bouwinvest có trụ sở tại Hà Lan, cho biết: “Cách đây 5 đến 10 năm, đã có rất nhiều cuộc tranh luận về tính bền vững. Nhiều người cho rằng điều này rất tốt nhưng không ai muốn đầu tư. Ngày nay, lợi nhuận đầu tư không phải hy sinh cho mục đích bền vững, mà chính sự bền vững tạo ra lợi nhuận”. Bouwinvest đang quản lý khối tài sản trị giá 17 tỷ USD chủ yếu ở khu vực Bắc Mỹ.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các quy định mới đã tăng thêm rủi ro đầu tư nếu không đổ tiền vào các công trình bền vững. Tại Mỹ, New York đã thông qua luật yêu cầu chủ sở hữu tòa nhà giảm lượng khí thải carbon vào năm 2019. Massachusetts gần đây đã ban hành một quy định tương tự.

Brendan Wallace, một đối tác quản lý tại Fifth Wall, một quỹ đầu tư bất động sản tập trung vào công nghệ, cho biết ngành bất động sản ảnh hưởng đáng kể đến khí thải và biến đổi khí hậu trên toàn cầu. Ông nói thêm rằng các hoạt động xây dựng ở Hoa Kỳ chiếm khoảng 40% tổng tiêu thụ năng lượng.

Ông Wallace cho biết: “Ngành bất động sản, ở một mức độ nào đó, là thủ phạm ngầm và giờ đây đang lộ diện”.

Tác động của biến đổi khí hậu đang làm thay đổi chiến lược của các tổ chức và công ty tài chính lớn. Hiệp hội Ngân hàng Thế chấp Mỹ đang kêu gọi minh bạch hơn trong các tiêu chuẩn đầu tư. Ủy ban Giao dịch và Chứng khoán Mỹ cũng có thể sớm yêu cầu các công ty đại chúng công bố các rủi ro liên quan đến khí hậu. Trong khi đó, các doanh nghiệp tư nhân như Carlyle Group và BlackRock đang thúc đẩy và ủng hộ việc tạo ra một khuôn khổ chung trên toàn cầu để công bố các rủi ro môi trường đối với doanh nghiệp.

Một nghiên cứu của Harvard cho thấy các khoản đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn môi trường, xã hội, và doanh nghiệp (ESG) không chỉ giúp loại bỏ các tài sản xấu mà còn hỗ trợ các nhà đầu tư thu hút được những tài sản tốt hơn. Theo JLL, các tòa nhà bền vững tại London thu hút khách thuê chất lượng cao hơn và nâng giá thuê lên hơn 10%.

Các công cụ này sẽ đánh giá và giúp các tòa nhà cải thiện những tiêu chuẩn bền vững còn thiếu sót. Chúng cũng sẽ giúp các nhà quản lý tài sản biết được tòa nhà nào có tiềm năng và tòa nhà nào có thể trở thành một bất động sản không phù hợp.

Oliver Light, giám đốc thương mại của Carbon Intelligence có trụ sở tại London, cho biết các tòa nhà cũ không giảm lượng khí thải carbon có khả năng bị “giảm giá trị trong vòng 5 năm tới”. Không đầu tư vào tính bền vững sẽ khiến công trình mất nhiều chi phí vận hành và phát triển hơn trong dài hạn.

Ông Light nói: “Các khách hàng lớn nhất của chúng tôi sẽ không mua tài sản cho đến khi đội ngũ kỹ sư thực hiện báo cáo thẩm định. Họ sẽ biết những chi phí cần bỏ ra trong vòng 10 đến 15 năm. Một tòa nhà chọc trời toàn bằng kính sẽ không bao giờ đạt được hiệu suất mà họ kỳ vọng. Vậy tại sao họ lại cần bỏ tiền ra mua một tài sản rủi ro như vậy?”.

  • Công trình xanh giúp tiết kiệm chi phí vận hành

    Công trình xanh giúp tiết kiệm chi phí vận hành

    CafeLand - Các nhà phát triển bất động sản ở Hong Kong và những người thuê nhà của họ đang tiết kiệm được khá nhiều tiền nhờ các “tòa nhà xanh”,  mô hình thiết kế nhà mới giúp tiết kiệm rất nhiều chi phí điện năng.

Lam Vy (NYT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.