Không lâu sau khi Tập đoàn Hòa Phát (mã chứng khoán HPG) công bố kết quả kinh doanh quý 2/2023 với lợi nhuận 1.448 tỷ đồng, nhiều đơn vị phân tích đã đưa ra dự báo kết quả lợi nhuận năm 2023 của nhà sản xuất thép này.
Doanh nghiệp của tỉ phú Trần Đình Long có thể "bỏ túi" hàng nghìn tỷ trong năm 2023
Cụ thể, trong báo cáo mới đây các Chứng khoán MB (MBS) cho biết hiện giá thép trong nước đã giảm về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020, điều này có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh của Hòa Phát.
Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp của doanh nghiệp do tỷ phú Trần Đình Long làm Chủ tịch HĐQT được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ trong nửa cuối năm nay nhờ giá nguyên vật liệu đầu vào giảm mạnh hơn giá thành phẩm.
Nhu cầu yếu, giá thép trôi dần về đáy 3 năm
Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ yếu, đà giảm của giá thép xây dựng trong nước vẫn chưa có điểm dừng. Theo đó, sau 16 lần điều chỉnh liên tiếp, giá bán thép nội địa đã về mức thấp nhất kể từ cuối năm 2020. Hiện giá mặt hàng này đang dao động quanh duy mức 14 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 12% so với đầu năm nay.
Giá thép giảm về đấy gần 3 năm
Theo MBS, nhu cầu tiêu thụ giảm mạnh đến từ khó khăn của hoạt đông xây dựng dân dụng (chiếm 70% sản lượng tiêu thụ sắt thép trong nước). Hiện tại, nguồn cung bất động sản chưa có dấu hiệu hồi phục khi theo thống kê của Bộ Xây Dựng, số lượng dự án hoàn thành trong nửa đầu năm 2023 chỉ đạt 21 dự án, giảm 55% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nguồn cung giảm mạnh trong bối cảnh phần lớn các dự án gặp vướng mắc pháp lý và nguồn vốn. Mặt khác, sau thông tin sai phạm của các công ty bất động sản lớn, các địa phương đã tiến hành rà soát quy hoạch, pháp lý tại 1 số dự án. Điều này khiến các dự án bị chậm tiến độ kéo dài gây ra vấn đề thiếu hụt nguồn cung cho thị trường.
MBS cho rằng nguồn cung bất động sản trong các quý tiếp theo dự kiến giảm khoảng 20% so với cùng kỳ và chỉ được cải thiện khi Luật Đất Đai sửa đổi được thông qua vào cuối năm nay.
Hiện tại, mức chênh lệch 60 USD/tấn giữa thép Việt Nam và thép Trung Quốc sẽ không gây áp lực giảm giá bán đối với các nhà sản xuất thép trong nước. Do đó, MBS dự phóng giá thép xây dựng tại thị trường nội địa sẽ duy trì quanh mức 14,3-14,5 triệu đồng/tấn đến cuối năm 2023.
Tại thị trường thế giới, giá mặt hàng này cũng đã quay đầu giảm và đang có xu hướng giảm về vùng đáy 3 năm. Hiện giá thép của Trung Quốc đã giảm về mức đáy tháng 11/2022 khi giảm 15% so với đầu năm, đạt 530 USD/tấn và được dự báo sẽ duy trì ở mức này trong nửa cuối năm nay.
Khó cán đích lợi nhuận cả năm
Nhu cầu tiêu thụ yếu, tình hình tiêu thụ sắt thép các loại của Hòa Phát cũng hồi phục khá chậm. Cụ thể, sản lượng bán hàng thép xây dựng, thép cuộn cán nóng (HRC) và phôi thép trong tháng 7/2023 đạt 555.000 tấn, dù tăng 3% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022 nhưng vẫn chưa bằng mức sản lượng bán tháng 12 năm ngoái.
Tính chung 7 tháng đầu năm nay, Hòa Phát đã cung cấp cho thị trường 1,9 triệu tấn thép xây dựng, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước 1,5 triệu tấn thép HRC, giảm 15% so với sản lượng bán hàng 7 tháng đầu năm ngoái.
Giá bán giảm trong khi nhu cầu tiêu thụ hồi phục chậm khiến kết quả kinh doanh nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam tiếp tục tăng trưởng âm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong quý 2/2023, Hòa Phát ghi nhận doanh thu 29.800 tỷ đồng, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận mặc dù gấp 3,8 lần quý đầu năm, đạt 1.448 tỷ đồng nhưng vẫn giảm 64% so với cùng kỳ năm 2022.
Từ mức lãi khủng 10.351 tỷ đồng đạt được trong quý 3/2021, kết quả kinh doanh của Hòa Phát dần dần đi xuống khi nhu cầu thị trường thép lao dốc. Tới quý 3 và 4/2022, lỗ lần lượt 1.786 tỷ và gần 2.000 tỷ đồng.
Tính chung 6 tháng đầu năm nay, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu, giảm 30% so với cùng kỳ năm trước và lợi nhuận sau thuế hơn 1.830 tỷ đồng, giảm 85%.
Với dự báo giá thép sẽ duy trì ở nền thấp, MBS dự phóng doanh thu và lợi nhuận sau thuế của Hòa Phát trong năm nay có thể đạt lần lượt 117.900 tỷ đồng và 5.590 tỷ đồng, tương ứng giảm 16% và 37% so với năm trước.
Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng. Nếu dự báo của MBS chính xác, doanh nghiệp đầu ngành thép sẽ không kịp về đích lợi nhuận trong năm nay.
Tuy nhiên, nhờ chi phí đầu vào giảm mạnh hơn giá thành phẩm, MBS cho rằng biên lãi gộp của Hòa Phát có thể sẽ cải thiện trong 2 quý cuối năm. Đơn vị này dự báo giá quặng sắt sẽ ở mức 110 USD/tấn và giá than đạt 230 USD/tấn, lần lượt giảm 20% và 30% so với nửa cuối năm 2022.
Được biết, Hòa Phát đã mở lại toàn bộ 7 lò cao vào đầu quý 3. Điều này giúp nhà sản xuất này có thể tích trữ hàng tồn kho giá rẻ khi giá nguyên vật liệu đã giảm về mức thấp của năm 2021. Nhờ đó, biên lợi nhuận gộp có thể sẽ được cải thiện đáng kể trong năm 2024 khi giá thép xây dựng hồi phục trở lại.
Các lĩnh vực khác của doanh nghiệp này gồm bất động sản, nông nghiệp, điện máy gia dụng vẫn đang hoạt động tích cực.
Tại mảng nông nghiệp, doanh nghiệp của tỷ phú Trần Đình Long hưởng lợi khi giá bán heo, trứng gà có chuyển biến theo chiều hướng tích cực. Trứng gà sạch có sản lượng khoảng 900.000 quả/ngày. Trong lĩnh vực bất động sản, Hòa Phát tiếp tục đầu tư mở rộng các khu công nghiệp hiện có. Tổng quỹ đất khu công nghiệp Hòa Phát được phê duyệt quy hoạch là hơn 1.133 ha.
Mới đây, Hòa Phát đã tung ra thị trường những lo hàng container đầu tiên sau hai năm đầu tư sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
-
Những vỏ container loại 20 feet đầu tiên được Hòa Phát tung ra thị trường sau 2 năm đầu tư sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
-
Tỷ phú Trần Đình Long đã “bỏ” bao nhiêu tiền vào vỏ container?
Tại thời điểm cuối quý 2/2023, tổng vốn đầu tư tại dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này rót thêm khoảng 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.
-
Ông Trần Đình Long báo tin vui sau 2 năm “đu đỉnh” theo trend vỏ container
Lô hàng 100 container loại 20 feet của Tập đoàn Hòa Phát vừa được tung ra thị trường sau 2 năm đầu tư sản xuất tại Bà Rịa - Vũng Tàu.
-
Lộ diện “trùm cuối” thua lỗ nặng nhất ngành thép, là hãng thép có tiếng tại Bình Dương, sở hữu 3 nhà máy công suất 2,6 triệu tấn/năm
9 tháng đầu năm 2024, Công ty CP Thép Pomina báo lỗ sau thuế hơn 791 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ 647 tỷ đồng. Đây cũng là mức lỗ nặng nhất trong số các doanh nghiệp thép đã công bố báo cáo tài chính quý 3 tính đến thời điểm hiện tại....
-
Nhà sản xuất thép lớn nhất Hàn Quốc bất ngờ đóng cửa 1 nhà máy sau hơn 45 năm hoạt động
Trong một động thái bất ngờ, nhà sản xuất thép Hàn Quốc POSCO đã đóng cửa một nhà máy sản xuất thép cuộn ở thành phố Pohang, sau hơn 45 năm hoạt động.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam sắp được rót thêm vốn để xây nhà máy tại Đồng Nai, quy mô dự án gấp 2,6 lần vốn chủ
Dự án nhà máy sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép với công suất 150.000 tấn/năm của Thép Nhà Bè được xây dựng tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....