Thép cuộn cán nóng HRC là nguyên liệu đầu vào quan trọng cho nhiều ngành sản xuất công nghệ cao khác như sản xuất ô tô, đóng tàu, tôn mạ, ống thép... Hiện nay ngoài Formosa, Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được loại thép này với sản lượng đạt 9 triệu tấn.

Thép cuộn cán nóng HRC là gì?

Thép cuộn cán nóng HRC (hot rolled coil) là kiểu thép tấm dạng cuộn và được sản xuất với phương pháp cán nóng. Loại nguyên vật liệu này được sản xuất với nhiều độ dày khác nhau, khổ rộng thường là 1.500 mm hoặc 2.000mm và nặng ít nhất là 24 tấn.

Khi mới sản xuất, bề mặt thép HRC sẽ có màu xanh xám và sau đó có thể chuyển sang màu nâu sẫm. Nếu như là loại thép HRC được nhập khẩu thì bề mặt thường sẽ có màu vàng do bị ảnh hưởng bởi hơi nước biển.

Thép cuộn cán nóng HRC là loại thép tấm dạng cuộn và được sản xuất với phương pháp cán nóng

Ứng dụng lớn nhất của thép cuộn cán nóng HRC là sử dụng để cán thép ống, thép hộp, sản xuất tôn mạ, vỏ container. Bên cạnh đó, loại thép này còn được sử dụng trong ngành sản xuất ô tô, đóng tàu, làm nguyên liệu cho vụ ngành cơ khí, chế biến chế tạo như làm lõi que hàn, đinh ốc vít, cáp, thép dự ứng lực, lò xo…

Hiện nay, thép HRC là nguyên liệu đầu vào quan trọng của những doanh nghiệp sản xuất tôn mạ và ống thép trong nước như Hoa Sen hay Nam Kim. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này hiện vẫn chủ yếu phụ thuộc nguồn nguyên liệu bên ngoài do không tự sản xuất được.

Theo tìm hiểu, hiện nay ngoài Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Tập đoàn Hòa Phát là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất sản xuất được thép cuộn cán nóng HRC.

Số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam ghi nhận năm 2023 bán hàng thép cuộn cán nóng đạt 6,8 triệu tấn. Trong khi đó, theo thống kê năm 2023 từ Tổng cục Hải quan, Việt Nam vẫn nhập khẩu tổng lượng thép HRC tới hơn 8 triệu tấn.

Như vậy, các loại thép HRC chất lượng cao cho ngành công nghiệp đóng tàu, ô tô, thép kết cấu, cơ khí chế tạo vẫn phụ thuộc nguồn nhập khẩu.

Hòa Phát cán mốc 9 triệu tấn thép HRC sau 4 năm sản xuất

Theo thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát, sau gần 4 năm từ khi đưa vào vận hành thử nghiệm, sản lượng thép cuộn cán nóng (HRC) của nhà sản xuất này đã đạt 9 triệu tấn. Đây là thành quả sau khi hoàn thành Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất 1 năm 2019.

Hoà Phát cán mốc 9 triệu tấn HRC sau 4 năm sản xuất

Được biết, Hòa Phát bắt đầu sản xuất HRC từ tháng 5/2020 nhưng chủ yếu để sử dụng nội bộ. Từ tháng 11/2020, nhà sản xuất này mới bắt đầu bán HRC ra thị trường.

Với sự hỗ trợ của các chuyên gia, kỹ sư hàng đầu của Danieli, Hòa Phát đã đưa dây chuyền sản xuất HRC với công nghệ đúc cán tấm liên tục vào hoạt động giúp tăng năng suất, hiệu suất khi cán các sản phẩm so với trước đây.

Trong đó, nhà máy cán thép tấm QSP (Quality Strip Production) đã lắp đặt thêm giá cán, máy tạo cuộn giúp cán được thép HRC chiều dày 1,5 mm.

Các sản phẩm HRC của doanh nghiệp này đa dạng về chủng loại như mác cacbon thấp (SAE1006, SAE1008, S235JR, SPHC, SPHD, BJPC, SPHT1), mác thép cacbon trung bình (SS400, S275, S355, SAE1017, SS36, ASTM A36), mác SPAH. Cung cấp những sản phẩm độ dày từ 1,2-12 mm, khổ rộng 900-1.500 mm theo nhu cầu của khách hàng trong và ngoài nước.

Năm 2023, Hòa Phát cũng sản xuất một số mác HRC mới như S235JR, S275JR, S355JR xuất khẩu châu Âu và thép kháng thời tiết SPA-H làm vỏ container.

Hiện nay, Khu liên hợp tại Dung Quất là nhà máy duy nhất của Hòa Phát có khả năng sản xuất HRC. Trong khi đó, phôi thép và thép xây dựng được doanh nghiệp này sản xuất ở cả Khu liên hợp sản xuất gang thép Dung Quất và Hải Dương.

Để đáp ứng nhu cầu thị trường, Hòa Phát đang tích cực triển khai xây dựng dự án Dung Quất giai đoạn 2 với vốn đầu tư khoảng 85.000 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, dự án Dung Quất 2 sẽ hoàn thành vào quý 1/2025 với công suất 1,5 triệu tấn/năm cho giai đoạn 1. Tổng công suất thiết kế của dự án này là 5,6 triệu tấn/năm, bao gồm 4,6 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC và 1 triệu tấn thép đặc biệt.

Tính đến thời điểm cuối tháng 12/2023, dự án này đã đạt tiến độ 45% khối lượng công việc.

Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Hòa Phát, khi dự án Dung Quất 2 hoàn thành, quy mô doanh thu của tập đoàn sẽ tăng thêm 80.000-100.000 tỷ đồng mỗi năm so với hiện nay. Bên cạnh đó, dự án sẽ tạo thêm việc làm cho trên 8.000 lao động, thúc đẩy mạnh mẽ các ngành công nghiệp cơ khí, phụ trợ của Việt Nam.

Mới đây, Hòa Phát ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư 3 dự án lớn tại Phú Yên với tổng vốn đầu tư 120.000 tỷ đồng. Trong đó, nổi bật với dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm vốn đầu tư lên đến khoảng 80.000 tỷ đồng.

Tại dự án ở Phú Yên, doanh nghiệp này dự kiến tập trung sản xuất thép HRC chất lượng cao, phục vụ cho sản xuất ô tô, đóng tàu, thép kết cấu và các lĩnh vực cơ khí chế tạo. Công suất dự án này là 6 triệu tấn thép HRC cao cấp/năm.

Như vậy, khi hoàn thành dự án Khu liên hợp gang thép tại Phú Yên và dự án Dung Quất 2 tại Quảng Ngãi, năng lực sản xuất thép của Hòa Phát sẽ là 20 triệu tấn/năm. Trong đó có tới 14,6 triệu tấn HRC chất lượng cao/năm và 5,4 triệu tấn thép dài xây dựng, thép cuộn chất lượng cao mỗi năm.

Thúy Hà
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm