Tại thời điểm cuối quý 2/2023, tổng vốn đầu tư tại dự án nhà máy sản xuất container Hòa Phát xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, sau khi doanh nghiệp này rót thêm khoảng 300 tỷ đồng trong nửa đầu năm nay.

Quả ngọt từ gần 1.900 tỷ đầu tư vào dự án container

Thông tin từ Tập đoàn Hòa Phát cho biết, chưa đầy 2 năm từ thời điểm khởi công (tháng 11/2021), nhà máy sản xuất vỏ container đã cho ra sản phẩm vỏ container đầu tiên ra thị trường. Cụ thể, ngày 4/8, Công ty CP sản xuất container Hòa Phát mới đây đã bàn giao lô hàng 100 container loại 20 feet cho đối tác.

Tập đoàn Hòa Phát bắt đầu sản xuất vỏ container từ năm 2021

Được biết, nhà máy vỏ container Hoà Phát tại khu công nghiệp Phú Mỹ II mở rộng, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có công suất 500.000 TEU/năm, tập trung các sản phẩm container phổ biến, có chiều dài 20 - 40 feet. Trong đó, modul giai đoạn 1 có công suất 200.000 TEU/năm đã hoàn thành và đi vào hoạt động.

Chia sẻ tại Đại hội cổ đông thường niên 2023 mới đây, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, cho biết “về dự án sản xuất container, hết tháng 4 sẽ hoàn thiện khâu cuối cùng. Đây là mặt hàng đặc thù, yêu cầu rất lớn về tiêu chuẩn chất lượng để được cấp chứng chỉ. Tháng 5, 6 sẽ hoàn thiện thủ tục lắp đặt, giấy chứng nhận và đi vào sản xuất thử.

Tuy nhiên, ngành tàu biển hiện nay lại quay về cái giá trước Covid-19 rồi nên container khó khăn, nhưng may là Hòa Phát không đi vay để làm dự án này nên cứ bình tĩnh thôi. Có thể giờ không tốt nhưng lâu dài sẽ tốt”.

Hiện tại, khoản tiền mà ông Trần Đình Long đổ vào dự án nhà máy vỏ container tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không hề nhỏ. Tính riêng 6 tháng đầu năm 2023, Hòa Phát đã rót thêm khoảng 300 tỷ đồng, qua đó nâng tổng mức đầu tư tại nhà máy vỏ container lên gần 1.900 tỷ đồng.

Đến cuối năm 2022, Hòa Phát đã ghi nhận giá trị 1.564 tỷ đồng xây dựng cơ bản dở dang vào dự án nhà máy container

Về giá vỏ container, hiện nhà sản xuất thép này chưa có báo giá cụ thể. Nhưng trên thị trường, giá vỏ container loại 20 feet mà Hòa Phát vừa xuất xưởng có giá khoảng từ 70 - 90 triệu đồng/chiếc.

Lý do Hòa Phát quyết làm container

Tháng 2/2021, Hòa Phát cho biết sẽ sản xuất container trong bối cảnh thế giới đang trong “cơn khát” container trầm trọng bởi Covid-19.

Nhà máy sản xuất container Hòa Phát tại Bà Rịa - Vũng Tàu

Chia sẻ lý do sản xuất container, Chủ tịch Trần Đình Long cho biết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm container trên thế giới rất lớn, trong khi 90% sản lượng sản xuất mặt hàng này thuộc về Trung Quốc.

Tại Việt Nam, hiện có vài chục doanh nghiệp hoạt động liên quan đến container (không tính các doanh nghiệp làm dịch vụ), nhưng hầu hết chưa phải là doanh nghiệp sản xuất đúng nghĩa. Có doanh nghiệp đã từng sản xuất container, nhưng do điều kiện khách quan nên phải thu hẹp sản xuất. Còn lại chủ yếu là những doanh nghiệp sửa chữa, cải tạo.

Trước tình trạng đó, Hòa Phát sở hữu nhiều lợi thế để sản xuất container và có thể cạnh tranh với các nhà sản xuất của Trung Quốc.

Cụ thể, nguyên liệu chính sản xuất vỏ container rỗng là loại thép HRC, mác SPA-H đặc chủng, kháng thời tiết, sản phẩm của Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất.

Về ván sàn cho container, Hoà Phát cho biết đã tìm được một số nhà cung cấp nhằm đảm bảo ổn định nguồn cung vật tư quan trọng này cho sản xuất. Ngoài ra, nhà cung cấp sơn của nước ngoài đã đầu tư thiết bị sản xuất tại Việt Nam, giúp container Hòa Phát chủ động nguồn cung trong nước và tiết kiệm chi phí.

Với công suất 500.000 TEU/năm, nhà máy sản xuất container Hòa Phát có thể tiêu thụ 1 triệu tấn thép cuộn cán nóng HRC/năm. Đây là đầu ra tốt cho Khu liên hợp gang thép Hòa Phát Dung Quất hiện tại và dự án Dung Quất 2 dự kiến đi vào hoạt động đầu năm 2025.

Trong khi thị trường xây dựng còn ảm đạm, việc xây dựng thêm đầu ra cho đại dự án Hòa Phát Dung Quất, phục vụ cho tham vọng chiếm lĩnh và gia tăng thị phần thép tại Việt Nam là một trong những bước đi quan trong của doanh nghiệp này.

Về kết quả kinh doanh, 6 tháng đầu năm nay, Hòa Phát ghi nhận 56.665 tỷ đồng doanh thu và hơn 1.830 tỷ đồng lợi nhuận, lần lượt giảm 30% và 85% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực khác của Hòa Phát gồm nông nghiệp, bất động sản, điện máy gia dụng vẫn được khẳng định tích cực, mảng thép vẫn khó khăn khi nhu cầu giảm.

Năm 2023, Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 150.000 tỷ đồng và lãi sau thuế 8.000 tỷ đồng. So với kế hoạch đặt ra, doanh nghiệp này này mới chỉ hoàn thành 23% về lợi nhuận, 37% về doanh thu.

Hữu Việt
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
  • Nhân vật tiêu điểm