CenGroup có “đạo diễn” để trốn tránh trách nhiệm?
Thời gian qua, giới đầu tư bất động sản đang rất bất bình trước thông tin về việc Công ty TNHH Quản lý bất động sản Thế kỷ (Công ty Thế kỷ) giở “trò bẩn” với khách hàng.
Theo đó, thông qua Công ty Thế kỷ, nhiều nhà đầu tư đã góp vốn vào một dự án bất động sản ở Đại Mỗ (Từ Liêm, Hà Nội). Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, dự án này vẫn chỉ là bãi đất hoang.
Quá “ngán” với cách làm của chủ đầu tư cũng như cách hành xử kiểu “chí phèo” của Công ty Thế kỷ, không ít nhà đầu tư đã phải buông xuôi, chấp nhận bán lại hợp đồng góp vốn cho chính Công ty này với giá trị chỉ bằng 80% giá trị hợp đồng.
Vấn đề mà không ít nhà đầu tư đặt ra vào thời điểm này là vai trò của CenGroup trong vụ việc này đến đâu? Trả lời báo chí về mối quan hệ giữa Công ty Thế kỷ - CenGroup, đại diện CenGroup đã phủ nhận hoàn toàn mối liên hệ này và nhấn mạnh rằng, CenGroup và Công ty Thế kỷ là 2 doanh nghiệp độc lập, có pháp nhân riêng. Từ đó, vị này cho rằng việc khách hàng tìm đến CenGroup tố cáo về một hoạt động của Công ty Thế kỷ là không hợp lý.
Câu hỏi đặt ra là liệu rằng sự tồn tại của 2 công ty có phải là sự ngẫu nhiên hay không? Hay đây lại là một màn kịch nhằm trốn tránh trách nhiệm của CenGroup đối với khách hàng?
Chủ đầu tư The Morning City nợ hàng nghìn tỷ
Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (Becamex TDC) là một trong những doanh nghiệp có tiếng về phân khúc đất nền tại Bình Dương. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều dự án của Becamex TDC tồn kho cao làm ảnh hưởng đến dòng tiền của doanh nghiệp. Becamex TDC hiện đang kinh doanh đất nền Khu tái định cư Phú Chánh - Dự án còn được giới thiệu với cái tên khác The Morning City (Phú Chánh D)- tại phường Phú Tân, thành phố Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.
Tình hình tài chính hợp nhất tại thời điểm ngày 30 tháng 6 năm 2013 của Công ty cổ phần kinh doanh và phát triển Bình Dương cho biết, số nợ của công ty là hơn 2.413 tỷ đồng; trong đó nợ ngắn hạn 2.312 tỷ đồng và nợ dài hạn hơn 101 tỷ đồng. Mặc dù vốn chủ sở hữu hơn 1.072 tỷ đồng nhưng lợi nhuận của công ty rất khiêm tốn; hàng tồn kho lên đến hơn 1.980 tỷ đồng.
Về nguyên nhân việc kinh doanh sa sút, Becamex TDC giải trình rằng: “Tình hình kinh doanh BĐS hiện nay vẫn chưa có tín hiệu tốt, sức mua của thị trường giảm sút do nguồn vốn huy động khó khăn, một số nhà đầu tư không còn khả năng thanh toán nên phải thanh lý hợp đồng, trả lại cho chủ đầu tư, do đó trong 6 tháng đầu năm, Công ty vừa bán sản phẩm mới, vừa phải tiếp tục bán sản phẩm nhận lại từ khách hàng, đây là một trong những yếu tố làm cho bán hàng trả lại tăng cao và cũng ảnh hưởng một phần đến chỉ tiêu lợi nhuận.
Tuy nhiên, với khối nợ khủng hơn 2.413 tỷ đồng và những khó khăn nội tại mà Becamex TDC đã báo cáo, liệu rằng có sức mạnh nào có thể giúp doanh nghiệp vượt lên chính mình?
Gói 30.000 tỷ: 5 tháng giải ngân được hơn 1%
Đến ngày 31/10, chương trình tín dụng hỗ trợ nhà ở tính chung cả con số giải ngân từ phía khách hàng cá nhân và doanh nghiệp gộp lại đạt hơn 300 tỷ đồng đạt hơn 1% tổng số tiền của gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng.
Cụ thể các ngân hàng đã giải ngân cho 920 cá nhân với dư nợ 221 tỷ đồng. Vietcombank là ngân hàng có số lượng khách hàng vay vốn nhiều nhất. Tiếp đến là VietinBank, BIDV. Bên cạnh đó, 4 khách hàng doanh nghiệp cũng được rót vốn với dư nợ 91 tỷ đồng.
Trong quá trình triển khai, nhiều rào cản trong tiếp cận khiến gói hỗ trợ đang dần mất đi tính cạnh tranh, chưa đạt hiệu quả cao.
Thời gian qua cũng đã nhiều ý kiến đề xuất nới điều kiện vay vốn nhằm tạo ra cú hích thực sự từ gói hỗ trợ như xem xét nới điều kiện cho vay.Vừa qua, NHNN đã có văn bản gửi 5 ngân hàng được chỉ định triển khai gói 30.000 tỷ phải chủ động tiếp cận, hướng dẫn và giải ngân nhanh gói hỗ trợ về nhà ở cho các đối tượng theo Nghị quyết 02.
Mua nhà Dự án Khu Ngoại giao đoàn: "hồn treo cột buồm"
Theo hợp đồng ký kết với khách hàng, trước ngày 31/12/2013, tòa N03T1 phải bàn giao nhà cho khách hàng.
Tuy nhiên, nay là giữa tháng 11/2013, Dự án vẫn ngổn ngang sắt thép bắt đầu hoen gỉ.
Hầu hết các khu nhà cao tầng (văn phòng, trung tâm thương mại, chung cư căn hộ) đều "đắp chiếu", rêu xanh, cỏ mọc um tùm.
Chỉ duy nhất tòa N03-T8 có tiến độ khả quan nhất trong Khu Ngoại giao Đoàn khi đang hoàn thiện phần trong nhà, còn tòa N03- T7 đã ngừng thi công từ lâu.
Các tòa N02T2, N02T1, N04...cũng đã dừng thi công từ lâu, chưa có dấu hiệu tái khởi động.
Trả lời khách hàng về việc chậm tiến độ, đại diện Công ty Cổ phần Thi công Cơ giới Xây lắp, chủ đầu tư của tòa N03-T1 cho biết, nguyên nhân chậm tiến độ là do thiếu vốn.
Nhiều khách hàng lo lắng, sốt ruột khi bỏ ra một số tiền lớn để mua căn hộ tại đây nhưng dự án lại chậm tiến độ, trong khi hợp đồng mua bán ấn định rõ ràng thời điểm bàn giao vào trước tháng 12/2013, trong khi, số tiền đã đóng tới quá 40% tổng giá trị căn hộ. Tuy nhiên, tới nay tiến độ thi công không có dấu hiệu khởi sắc.
Nhà tái định cư: Từ “con cưng” thành cục nợ
Được mua nhà tái định cư (TĐC) song nhiều hộ dân bị giải tỏa ở TPHCM nhận tiền tự lo chỗ ở, chấp nhận sống tạm bợ trong các khu tạm cư, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn mọi bề… khiến nhiều dự án TĐC lâm tình trạng ế ẩm, trái ngược với trước đây, người dân tranh nhau mua suất TĐC.
Ông Hứa Ngọc Thảo, Phó Chủ tịch UBND quận 2 cho biết, quận đã xây dựng 16 khu TĐC và đã hoàn thành 13 khu với trên 10.200 căn hộ và 2.931 nền đất. Tuy nhiên, trong số hơn 27.500 hộ dân được TĐC, chỉ có khoảng 5.500 hộ chọn nhà TĐC, còn lại tự lo nơi ở mới. Vì vậy căn hộ và nền đất TĐC trên địa bàn quận 2 thừa rất nhiều. Theo số liệu của Sở Xây dựng, TPHCM hiện còn tồn khoảng 4.482 căn hộ/nền TĐC.
Lãnh đạo một số quận, huyện cho biết, đã mua sẵn nhiều căn hộ, nền đất làm quỹ nhà TĐC chuẩn bị cho các dự án. Tuy nhiên, khi thị trường bất động sản đóng băng, giá nhà đất xuống thấp nên bị lỗ.
Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do nhiều chung cư TĐC vừa đưa vào sử dụng chưa bao lâu đã hư hỏng, xuống cấp không phanh khiến người dân không còn “khát” nhà TĐC. Đơn cử như chung cư Bình Trưng (quận 2)… bị lún, nứt, thấm nước. Không ít lần, cánh cửa sổ các căn hộ từ trên cao rơi thẳng xuống sân khiến các cư dân nơm nớp lo sợ. Còn chung cư Tân Mỹ (quận 7) thì không đảm bảo vệ sinh, đặc biệt một số hộ dân phản ánh, họ thường xuyên bị mất cắp các thiết bị phòng cháy chữa cháy.
Và tái định cư vẫn còn đó với ngổn ngang những trăn trở.
Nghi vấn dấu hiệu lừa đảo tại dự án Sky Garden Tower
Nhiều đơn thư phản ánh của các khách hàng mua căn hộ tại dự án Sky Garden Towers của Công ty TNHH Định Công (Số 12, ngõ 115 Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) khiếu nại về việc đơn vị này dự án đang chậm tiến độ và có nhiều dấu hiệu nghi vấn về việc lừa đảo khách hàng.
Cụ thể, ông Nguyễn Hoàng Minh (Hai Bà Trưng – Hà Nội) cho biết: Qua tìm hiểu về dự án, ông Minh có mua một căn hộ chung cư tại dự án Sky Garden Towers của Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư. Theo đúng cam kết trong hợp đồng, ông Minh đã đóng số tiền là 718.400.000 đồng.
Ngày 18/10/2013, ông Minh có nhận được thông báo của Chủ đầu tư là Công ty TNHH Định Công yêu cầu ông đóng tiền lần 2. Nhưng qua tìm hiểu thực chất, ông Minh thấy rằng: Hiện nay công trình đang ngừng thi công (chưa rõ nguyên nhân tại sao và ông Minh cũng không nhận được một lời giải thích nào từ phía chủ đầu tư).
Theo đó, trước đây Chủ đầu tư cam kết cho khách hàng xem trực tuyến camera thi công tại công trường để khách hàng tự giám sát tiến độ thi công của chủ đầu tư, nhưng hơn một tháng nay chủ đầu tư tự ngắt camera trực tuyến mà không hề thông báo đến khách hàng.
Cũng theo phản ánh của khách hàng dự án Sky Garden Towers, "gần một tuần nay chúng tôi đến công trường nhưng không còn thấy triển khai thi công nữa. Trong khi đó, chủ đầu tư vẫn tiếp tục thông báo để thu tiền của khách hàng). Rõ ràng đã có khuất ở đây?".
Theo ghi nhận, vào sáng ngày 14/11, dự án Sky Garden Towers do Công ty TNHH Định Công làm chủ đầu tư mới chỉ hoàn thành xây thô đến tầng 8 và rõ ràng dự án đang dừng thi công.
-
Giám đốc phân lô bán hàng nghìn nền đất “ma" ở Phú Quốc
Công an Phú Quốc đã bắt giữ nhóm người phân lô, bán nền, lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong lĩnh vực đất đai ở Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang.
-
Bỏ 17 tỉ đồng mua nhà, nhưng khi nhận bàn giao chỉ biết “chết lặng”
Cách đây 2 năm, một người phụ nữ tên Zhang tại Trung Quốc đã chi 5 triệu nhân dân tệ (hơn 17 tỉ đồng) để mua một căn nhà ở Định Kiều, Hàng Châu. Tuy nhiên, cô đã “chết lặng” khi căn nhà quá khác xa quảng cáo....
-
Bất động sản và những cú lừa ngoạn mục
Thị trường bất động sản (BĐS) được xem là “mỏ vàng” cho các nhà đầu tư. Nhưng mặt trái của thị trường này là sự phức tạp, tính rủi ro cao và là miếng mồi béo bở cho những kẻ đầu cơ, trục lợi. Nhiều người chạy theo cơn sốt của thị trường BĐS, nhưng do...