Ảnh minh hoạ
Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có thông báo kết luận thanh tra trên địa bàn huyện Hoài Đức, Hà Nội. Trong đó, chỉ rõ nhiều vi phạm trong đấu giá quyền sử dụng đất tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung và khu Cổ Bồng, xã Di Trạch.
Cụ thể, tại khu đất đấu giá Trũng Trèn – Đìa Các, ngày 27.4.2018, UBND TP Hà Nội ban hành kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất năm 2018 và giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn thành phố, trong đó có dự án đấu giá đất tại khu này. Tuy nhiên, UBND huyện Hoài Đức đã thực hiện việc đấu giá đất trước khi UBND TP. Hà Nội phê duyệt kế hoạch đấu giá đất, điều này là không đúng về trình tự, thủ tục thực hiện đấu giá.
Trách nhiệm và thiếu sót này thuộc UBND huyện Hoài Đức và Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội là cơ quan tham mưu giúp UBND TP Hà Nội trong công tác quản lý.
Bên cạnh đó, phương án đấu giá ban hành tại quyết định số 368 ngày 19.1.2018 của UBND huyện Hoài Đức có quy định đấu giá theo phương thức trả giá lên.
Tuy nhiên, trên thực tế, đã tổ chức đấu giá 269 thửa đất với hình thức bỏ phiếu kín trực tiếp 1 vòng, không theo phương thức trả giá lên là không đúng với quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Ngày 19.1.2018, UBND huyện phê duyệt kế hoạch đấu giá. Nhưng ngày 15.1.2018, Phòng Tài chính - Kế hoạch đã thương thảo và ký hợp đồng với đơn vị tư vấn thẩm định giá, thiếu sự công khai lựa chọn đơn vị thẩm định giá.
Đáng chú ý, TTCP nêu rõ, sau 1 năm ký hợp đồng UBND huyện Hoài Đức và đơn vị thẩm định giá vẫn chưa có nghiệm thu sản phẩm và thanh quyết toán, nhưng vẫn lấy kết quả làm cơ sở thẩm định giá.
Quá trình khảo sát giá, đơn vị thẩm định giá bỏ qua nhiều nội dung tham khảo giá, không tham khảo giá các vị trí đã đấu giá thành công trong khu vực; thông tin giá bất động sản trên sàn, chưa có chi phí đầu tư hạ tầng, quá trình thẩm định giá khởi điểm không có văn bản của các đơn vị liên quan...
Theo cơ quan thanh tra, việc ký hợp đồng với đơn vị đấu giá là Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam nhưng Trung tâm phát triển quỹ đất đứng ra thu tiền đặt trước của khách hàng bằng hình thức khách chuyển tiền vào tài khoản của Trung tâm là không đúng quy định tại Luật Đấu giá tài sản.
Số tiền đặt trước của khách được gửi vào một tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; việc đặt tiền trả trước chỉ được thu bằng tiền mặt khi thửa đất có giá trị dưới 5 triệu đồng. Tuy nhiên, việc Trung tâm phát triển quỹ đất vẫn thu tiền khách hàng nộp tiền mặt với số tiền 9,5 tỷ đồng là không đúng quy định.
TTCP nêu rõ theo quy chế đấu giá, mỗi hộ gia đình chỉ được 1 cá nhân tham gia đấu giá. Tuy nhiên, tại phiên đấu giá ngày 11.2.2019 khu Trũng Trên - Đìa Các, có 7 hộ gia đình có 2 đến 3 người cùng hộ khẩu, phô tô chia tách hộ khẩu để tham gia trong cùng một phiên đấu giá. Việc này, theo cơ quan thanh tra là vi phạm quy định về quy chế đấu giá quyền sử dụng đất theo quyết định 216 của Thủ tướng Chính phủ.
Đáng chú ý, đơn vị tổ chức phiên đấu giá thiếu chặt chẽ trong công tác phát hành hồ sơ tài liệu, có nhiều phiếu thu không có chữ ký của người nộp tiền và người thu tiền. Nguyên nhân do việc giám sát thiếu chặt chẽ của chủ tài sản, đơn vị được giao tổ chức đấu giá là Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức và Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam.
Tại khu đấu giá Cổ Bồng, TTCP chỉ rõ có việc ký hợp đồng đấu giá trước khi phê duyệt giá khởi điểm.
Cụ thể, ngày 16.2.2016, UBND TP Hà Nội ban hành quyết định số 714 về việc xác định giá khởi điểm làm cơ sở đấu giá quyền sử dụng đất làm nhà ở tại khu Cổ Bồng, xã Di Trạch.
Nhưng này 22.1.2015, Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức đã ký hợp đồng với Công ty CP đấu giá và Thương mại Việt Nam. Việc này chưa đúng quy định. Thậm chí, 2 đơn vị này còn tự ý hoãn tổ chức đấu giá 4 lô đất khi chưa được cấp thẩm quyền chấp thuận là tùy tiện.
Trước các vị phạm trên, TTCP đề nghị UBND TP. Hà Nội chỉ đạo kiểm tra, rà soát việc phân cấp, ủy quyền cho cấp huyện tổ chức đấu giá đất các khu đất có diện tích trên 5.000 m2 và giá trị trên 30 tỷ đồng để bảo đảm thực hiện đúng quy định và kiểm soát chặt chẽ quá trình thực hiện.
TTCP cũng đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo UBND huyện Hoài Đức kiểm điểm trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân liên quan đến những thiếu sót nêu trên; rà soát, chấn chỉnh lại công tác tổ chức đấu giá đất, đảm bảo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Hoài Đức kiểm điểm trách nhiệm trong quá trình tổ chức đấu giá đã để xảy ra sai sót, thiếu chặt chẽ, tham mưu và trình phương án đấu giá sai quy định.
Cơ quan thanh tra cũng đề nghị xử lý vi phạm đối với đơn vị tổ chức phiên đấu giá là Công ty CP Đấu giá và Thương mại Việt Nam do đã không tuân thủ nguyên tắc trong đấu giá, ban hành quy chế đấu giá và thực hiện hiện phiên đấu giá không đúng quy định.
Bên cạnh đó, Hà Nội cần có biện pháp chấn chỉnh, xử lý theo quy định đối với các cá nhân tham gia đấu giá vi phạm quy định.
-
Thị trường trầm lắng, nhiều người dân trúng đấu giá đất với mức giá bằng với giá khởi điểm
UBND tỉnh Bình Định vừa ban hành loạt quyết định phê duyệt kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh. Trong đó có nhiều lô đất có giá trúng đấu giá bằng với giá khởi điểm.
-
Sắp đấu giá 92 lô đất tại Điện Biên, cao nhất chỉ hơn 350 triệu đồng/lô
Trong tháng 1 và tháng 2 tới sẽ diễn ra các phiên đấu giá 92 lô đất tại huyện Nậm Pồ, tỉnh Điện Biên. Giá khởi điểm các lô đất thấp nhất chỉ 135 triệu đồng/lô, cao nhất 358 triệu đồng/lô....
-
Hải Phòng đấu giá thành công khu đất hơn 1,6ha để xây toà nhà 27 tầng, giá trúng gần 950 tỷ đồng
UBND TP. Hải Phòng mới đây đã có quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện Dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở tại phường Vĩnh Niệm, quận Lê Chân.
-
Ecopark Hải Dương trúng đấu giá khu đất gần 570 tỷ đồng tại Đắk Lắk
Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk) đã đấu giá thành công khu đất và tài sản gắn liền trên đất có địa chỉ tại số 02, đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột....