01/11/2019 8:32 AM
CafeLand - Chủ trương di dời các cơ sở gây ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch chung ra khỏi khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011. Đây được xem là vấn đề cấp bách, thế nhưng tiến độ di dời dường như vẫn giậm chân tại chỗ.

Công tác di dời vẫn chậm trễ

Nghị quyết 11 năm 2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020 nêu rõ: đến năm 2020 sẽ hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm thành phố.

Ngay sau khi Nghị quyết 11 được ban hành, Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua năm 2012 cũng đã quy định: Thủ tướng Chính phủ quyết định biện pháp và lộ trình di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp; di dời một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học ra khỏi nội thành. UBND thành phố Hà Nội có trách nhiệm bố trí quỹ đất cho các cơ quan trung ương, đơn vị sự nghiệp công lập để di dời trụ sở theo quy hoạch. Ngân sách nhà nước bố trí kinh phí đầu tư cho cơ quan, đơn vị di dời theo phân cấp.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc thực thi trên thực tế vẫn chậm chạp và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Trong khi cơ sở hạ tầng của thủ đô thời gian qua luôn trong tình trạng quá tải. Tình trạng tắc đường diễn ra thường xuyên, nhất là vào giờ cao điểm và các kỳ nghỉ lễ, Tết; không khí ngột ngạt vì ô nhiễm.

Hiện có nhiều cơ sở ô nhiễm, không phù hợp quy hoạch vẫn chưa được di dời khỏi nội đô.

Giới chuyên gia cho rằng, đây là kết quả của sự phát triển chóng mặt của Hà Nội trong nhiều năm qua, làm thay đổi bộ mặt thành phố. Nhưng điều này cũng đặt ra yêu cầu về giảm mật độ dân số, phương tiện nội đô, hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt là giảm ô nhiễm môi trường đang ngày càng cấp bách…

Sau khi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt, vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch trên địa bàn 12 quận, huyện đã được đặt ra.

Bà Bùi Thị An, nguyên ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, cho biết gian vừa qua, thành phố Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp mang tính căn cơ, như di chuyển toàn bộ các làng nghề trong nội đô ra khỏi khu dân cư; đưa các trường học, bệnh viện ra ngoại thành… nhưng giải pháp này chưa được giải quyết triệt để.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho rằng với tốc độ phát triển đô thị như hiện nay, việc để các nhà máy sản xuất công nghiệp giữa nội đô không còn phù hơn, do vậy phải có giải pháp quy hoạch để tập trung các nhà máy sản xuất vào khu công nghiệp có điều kiện đảm bảo về môi trường, trong đó có cả phương án xử lý sự cố môi trường xảy ra.

Đại biểu Thắng cũng cho biết, hơn 20 năm trước, nhiều khu, cụm công nghiệp được quy hoạch cách nội thành Hà Nội khoảng 25-35 km có thể được coi là phù hợp. Nhưng với sự phát triển chóng mặt của đô thị, những khu công nghiệp này nhanh chóng bộc lộ khuyết điểm và hạn chế, trong đó có nhiều khu công nghiệp nằm ở vùng lõi trung tâm bắt đầu gây ô nhiễm nặng nề. Nhìn vào danh mục các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn thủ đô có thể thấy, bốn bề Hà Nội đều phát triển công nghiệp và mùa nào người dân cũng phải gánh chịu hậu quả của không khí ô nhiễm.

Cần giải pháp căn cơ

Nguyên nhân dẫn đến việc di dời các trường học, cơ sở ô nhiễm chậm trễ là do chính sách ưu đãi về đất đai, thuế chưa phù hợp; thủ tục hành chính, việc lập hồ sơ thu hồi đất, chuyển nhượng, quyền sử dụng đất vẫn chưa linh hoạt.

Nguyên nhân chính khiến việc di dời chậm trễ là do các khu đất trong nội đô đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là các khu đất trong nội đô đều ở vị trí đẹp, có giá trị cao cho nên các đơn vị chần chừ trong việc di dời, bàn giao đất cho thành phố.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế phân tích: Nghị quyết 11 đề ra mục tiêu là đưa các trường đại học ra khỏi nội đô để giảm bớt lượng ùn tắc giao thông, bởi lượng sinh viên đi về các trường đại học rất lớn. Nhưng đề án đó chưa thực hiện tốt trong thực tiễn.

Có rất nhiều lý do, liên quan đến đất đai và liên quan đến giao thông công cộng. Nếu chuyển đi xa thì sinh viên sẽ đi lại như thế nào. Nếu không thì phải xây dựng các ký túc xá với đầy đủ điều kiện như Internet, phòng thể dục, văn hóa, văn nghệ. Đó là những điều mà chúng ta chưa đáp ứng được. Vì vậy, Nghị quyết 11 đúng về nguyên tắc nhưng thực hiện chậm vì thiếu những điều kiện kỹ thuật cần thiết.

Để sớm thực hiện việc di dời các trụ sở cũng như các trường đại học ra khỏi nội đô, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, cho rằng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Chỉ khi nào tuyên truyền để mọi người đều hiểu việc di dời ra khỏi nội đô là tất yếu và phải thực hiện. Nhận thức thay đổi thì sẽ thay đổi thái độ và hành vi, khi đó sẽ tự giác thực hiện Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị.

Giải pháp thứ hai là khắc phục khó khăn cho các cơ sở phải di dời. Ví dụ trường học, bệnh viện, trụ sở các bộ ngành thì cần có phương tiện giao thông thuận lợi để việc di chuyển đỡ khó khăn, vất vả.

Thứ ba là cần có nguồn ngân sách để hỗ trợ ban đầu khi việc di dời đó gặp khó khăn, có thể thu nhập, đời sống bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, giải pháp này rất khó vì trong điều kiện khó khăn chung của đất nước thì cũng phải tính toán rất kỹ.

Để làm được điều này cũng cần có thời gian. Ở một số quốc gia trên thế giới, việc đi làm từ thành phố này sang thành phố khác cách nhau 100-200km là điều bình thường nhưng vấn đề giao thông ở Việt Nam vẫn chưa đáp ứng được điều này.

Do đó, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần nghiên cứu, tính toán phương án di dời phù hợp, giảm những tác động tiêu cực tới đối tượng thuộc diện phải di dời. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, thông thoáng, kết nối giữa trung tâm thủ đô với các vùng được quy hoạch bố trí di dời, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển dễ dàng.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, trên địa bàn 12 quận của thành phố có 186 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm, có nguy cơ cháy nổ cao phải di dời. Trong đó, nhiều nhà máy có quy mô đất đai lớn, nằm tại các khu đất vàng của thủ đô.

Hiện nay, Hà Nội đã hoàn thành việc khảo sát, đánh giá, phân tích và phân loại được 117 cơ sở gây ô nhiễm môi trường; đồng thời xác định lộ trình đến năm 2020 sẽ di dời toàn bộ 117 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội thành.

Tính đến tháng 6/2019, có 67 cơ sở sản xuất công nghiệp phải di dời đã có quyết định chuyển mục đích sử dụng đất sang xây dựng nhà ở, trường học, hạ tầng kỹ thuật, đất dịch vụ thương mại, với tổng diện tích hơn 100 ha; 27 cơ sở đã được thành phố chấp thuận chủ trương hoặc phê duyệt quy hoạch cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Như vậy, danh mục, lộ trình di dời cũng được xác, từ nay đến năm 2020, thành phố Hà Nội tiếp tục phải di dời 23 cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi nội đô.

  • Thấy gì ở việc di dời nhà máy khỏi nội đô từ vụ cháy Rạng Đông?

    Thấy gì ở việc di dời nhà máy khỏi nội đô từ vụ cháy Rạng Đông?

    CafeLand - Vụ hoả hoạn xảy ra tại Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông mới đây đã để lại hậu quả rất lớn cho doanh nghiệp và các hộ dân lân cận. Sau vụ việc này, một vấn đề được đặt ra là tại sao đã có chủ trương từ lâu nhưng đến nay, công tác di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội đô vẫn giậm chân tại chỗ? Để có cái nhìn rõ hơn, CafeLand đã có cuộc trao đổi với KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát tr

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.