Tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc, đề xuất giảm thuế, lãi vay… là các giải pháp mà Bộ Xây dựng kiến nghị để gỡ khó cho ngành vật liệu trong nước.

Bộ Xây dựng vừa lấy ý kiến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước về các giải pháp gỡ khó cho ngành sản xuất vật liệu, trước khi chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định, theo Tuổi Trẻ Online.

Theo Bộ Xây dựng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng hàng năm đóng góp gần 7% GDP của cả nước. Ngành này đóng vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển cho kinh tế xã hội.

Tuy nhiên, trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động đến đầu ra của ngành cả trong và ngoài nước.

Cụ thể, với xi măng, trong 10 tháng đầu năm, cả nước tiêu thụ được khoảng 72,4 triệu tấn, giảm 4,35% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu xi măng và clinker đạt 25,7 triệu tấn, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện có 8 dây chuyền sản xuất xi măng phải ngừng hoạt động trên cả nước.

Tương tự, sản xuất thép trong 9 tháng năm 2023 đạt khoảng 7,7 triệu tấn, giảm 21,6%, tiêu thụ thép cũng giảm 19,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 10 tháng đầu năm, sản lượng gạch ốp lát sản xuất đạt khoảng 324 triệu m2, bằng 47% công suất thiết kế các nhà máy; tiêu thụ của toàn ngành đạt khoảng 219 triệu m2, bằng 67% sản lượng sản xuất ra.

Sản lượng sản xuất kính xây dựng đạt khoảng 174 triệu m2, bằng 50% so với tổng công suất thiết kế, lượng tiêu thụ cũng chỉ đạt khoảng 138,5 triệu m2, bằng 79,6% lượng sản xuất. Với bê tông, sản lượng sản xuất 10 tháng ước đạt 129 triệu m3, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022.

Sản xuất tiêu thụ thép và nhiều loại vật liệu xây dựng đang gặp khó trong năm 2023

Để gỡ khó cho các ngành sản xuất vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư tăng tỷ lệ sử dụng cầu cạn bê tông cốt thép đối với các dự án đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn thiết kế, đặc biệt là ở những vùng có yêu cầu thoát lũ, vùng đất yếu và những vùng thiếu vật liệu đắp nền đường như Đồng bằng sông Cửu Long.

Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường sử dụng đường bê tông xi măng cho xây dựng đường nông thôn, miền núi và đường tại những vùng thường xuyên ngập lụt.

Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước cùng các địa phương sẽ tiếp tục triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.

Đồng thời, Bộ Xây dựng cũng đề nghị xem xét tạm hoãn tăng thuế xuất khẩu clinker (thành phần chính trong sản phẩm xi măng), giảm thuế suất thuế xuất khẩu clinker về 0% đến hết năm 2025.

Giảm thuế xuất khẩu và có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng chế biến sâu như: xuất khẩu cấu kiện bê tông cốt thép, bê tông khí chưng áp, phụ gia khoáng cho bê tông/xi măng từ phế thải công nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại nhà nước xem xét giảm lãi vay đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng (có thể giảm đến 2%) cho đến hết năm 2025. Tiếp tục gia hạn, không tính lãi đối với các khoản nợ quá hạn và tái cơ cấu nợ vay để giảm khó khăn cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, trước sức ép từ các sản phẩm nhập khẩu tăng mạnh (ví dụ gạch ốp lát), Bộ Xây dựng kiến nghị Bộ Công Thương điều tra chống bán phá giá với sản phẩm từ một số nước để áp thuế chống bán phá giá khi cần thiết.

Đối với các doanh nghiệp, Bộ Xây dựng cho rằng cần nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động đa dạng hóa sản phẩm, đổi mới trong sản xuất.

Trước đó, 8 hiệp hội gồm: Vật liệu xây dựng Việt Nam, Xi măng Việt Nam, Bê tông Việt Nam, Thép Việt Nam, Gốm sứ xây dựng Việt Nam, Kính và Thủy tinh xây dựng Việt Nam, Tấm lợp Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam đã đồng loạt kêu cứu vì sản lượng giảm, tiêu thụ khó

Thiên An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.