CafeLand - Trong báo cáo gửi Quốc hội khoá XIV về việc thực hiện Nghị quyết Quốc hội khoá XIII liên quan đến hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn, Bộ Xây dựng đánh giá thị trường bất động sản 2017 và những tháng đầu năm 2018 phát triển khá ổn định nhưng vẫn còn tình trạng đầu cơ lợi dụng quy hoạch, các công trình hạ tầng để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính. Giá cả hàng hoá bất động sản chưa phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản.

Cụ thể, sau 3 năm tăng trưởng liên tục (từ 2013 đến 2016) thị trường bất động sản 2017 có xu hướng chững lại. Trong 6 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản hoạt động bình thường, giá cả không có biến động so với cùng kỳ năm 2017, tồn kho tiếp tục giảm.

Chương trình nhà ở xã hội tại khu vực đô thị trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 186 dự án với khoảng 75.700 căn, và hiện đang tiếp tục triển khai 206 dự án có quy mô khoảng 168.700 căn.

Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, cơ cấu các chủ thể tham gia thị trường bất động sản từng bước hình thành theo hướng chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa. Nhiều doanh nghiệp đã định hình và từng bước khẳng định uy tín, thương hiệu trong từng lĩnh vực hoạt động, loại hình, phân khúc sản phẩm bất động sản. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp đã chuyển mạnh sang phát triển các dự án nhà ở xã hội, góp phần giải quyết nhu cầu nhà ở cho công nhân, người thu nhập thấp đô thị.

“Cùng với sự phục hồi và tăng trưởng ổn định của thị trường bất động sản, cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, phong phú cả về chủng loại và phân khúc sản phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và xã hội, cũng như tạo lập cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ phát triển nền kinh tế, bao gồm: bất động sản nhà ở; bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng; văn phòng, khu công nghiệp...”, Bộ Xây dựng đánh giá.

Cơ cấu hàng hóa bất động sản ngày càng đa dạng, tuy nhiên vẫn có sự chênh lệch giữa phân khúc cao cấp và nhà ở bình dân.

Tuy nhiên, Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, cơ cấu hàng hóa bất động sản, nhất là nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường. Thị trường dư thừa sản phẩm nhà ở cao cấp, diện tích lớn, giá bán cao, nhưng lại thiếu sản phẩm nhà ở bình dân phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân cư đô thị.

Lượng tồn kho bất động sản tuy đã giảm nhưng vẫn còn khá lớn, (đến ngày 20/8/2018, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 23.692 tỉ đồng), chủ yếu tồn kho tại các dự án xa trung tâm, hạ tầng chưa đầy đủ và còn thiếu các dịch vụ thiết yếu nên không bán được hàng.

Về nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng, Bộ này cho biết, trong thời gian qua, có nhiều dự án bất động sản nghỉ dưỡng được cấp phép, nguồn cung loại hình bất động sản này lớn và đa dạng. Trong khi đó, các điều kiện của hợp đồng không chặt chẽ, rõ ràng, minh bạch dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và người mua.

"Giá cả nhà ở chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân”, Bộ Xây dựng nhận định.

Bộ Xây dựng cũng chỉ ra tình trạng giới đầu cơ bất động sản vẫn hoạt động công khai, lợi dụng các yếu tố xã hội như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị... để đẩy giá lên cao thu lợi bất chính, làm bất ổn thị trường.

Tình trạng này xảy ra tại một số địa phương như Quảng Ninh, Khánh Hoà, Kiên Giang, TP.HCM, một số tỉnh ven Hà Nội gây nên tình trạng sốt ảo.

Ngoài ra, Bộ thừa nhận thị trường bất động sản phát triển thiếu minh bạch, từ khâu quy hoạch, lựa chọn nhà đầu tư, giao dự án đến giao dịch bất động sản; chưa có sự kiểm soát hiệu quả từ phía các cơ quan nhà nước, nhất là tại các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.

Hệ thống thông tin về tình hình thị trường bất động sản chưa đầy đủ, thiếu minh bạch. Chưa có hệ thống quản lý và thống kê dữ liệu về sở hữu bất động sản giao dịch bất động sản đồng bộ để đáp ứng nhu cầu công tác quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương về lĩnh vực bất động sản.

Đáng lưu ý, từ cuối tháng 12 năm 2016 đến nay (sau khi gói tín dụng 30.000 tỉ đồng đã giải ngân hết), việc triển khai chương trình nhà ở xã hội theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội đã bị ách tắc.

Vì không có nguồn vốn để tiếp tục cho vay nên hầu hết các dự án nhà ở xã hội đang triển khai bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công (206 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000 m2), số lượng nhà ở xã hội cung ứng ra thị trường hầu như không có.

Để khắc phục, trong báo cáo gửi Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà kiến nghị tập trung rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản theo hướng tăng cường vai trò trách nhiệm của các địa phương đối với việc quy hoạch, cấp phép đầu tư và tiến độ xây dựng các dự án bất động sản, nhất là các dự án khu đô thị mới, dự án phát triển nhà ở, cải tạo chung cư cũ, giảm thiểu các thủ tục hành chính, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.

Tâm An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.