"Các công ty bất động sản vỡ nợ nghiêm trọng và mất khả năng hoạt động phải được phá sản, hoặc tái cơ cấu theo luật pháp và nguyên tắc thị trường", Bộ trưởng Nhà ở và Đô thị - Nông thôn Trung Quốc Ni Hong nói trong họp báo mới đây.
Tuyên bố của ông Ni phát tín hiệu rằng các chính quyền có khả năng không đưa ra các gói cứu trợ lớn để cứu các nhà phát triển lâm nguy. "Những người có hành vi xâm phạm lợi ích quần chúng sẽ bị điều tra và xử phạt xứng đáng theo pháp luật", ông nói thêm.
Bình luận của ông Ni được đưa ra trong bối cảnh các nhà phát triển bất động sản lớn từ Evergrande đến Country Garden đã vỡ nợ. Doanh số bán nhà mới sụt giảm khiến tương lai của ngành này đang là dấu hỏi.
Các khu dân cư ở Nam Kinh, tỉnh Giang Tô ngày 8/1. Ảnh: AFP
Năm 2020, Bắc Kinh ban hành chính sách "3 lằn ranh đỏ" nhằm trấn áp các công ty bất động sản phụ thuộc quá nhiều vào đòn bẩy tài chính để phát triển dự án. Nhiều doanh nghiệp sau đó không còn đủ tiền để hoàn thiện căn hộ, làm dấy lên làn sóng tẩy chay thanh toán nợ vay mua nhà.
Từ đó, giới chức cung cấp tài chính cho một số nhà phát triển. Gần nhất, nguồn tin Reuters cho hay Bắc Kinh đang tìm cách hỗ trợ China Vanke - hãng bất động sản lớn thứ hai nước này - sau thông tin họ xin gia hạn trả nợ.
Tuy nhiên, quan điểm chung vẫn là giảm vai trò của bất động sản trong nền kinh tế. Cuộc họp chính phủ thường niên năm nay nhấn mạnh sự tập trung vào việc đầu tư và xây dựng năng lực sản xuất cao cấp. Ngược lại, các lãnh đạo lại không đề cập nhiều đến lĩnh vực bất động sản.
Bất động sản từng chiếm khoảng 25% GDP Trung Quốc, bao gồm các lĩnh vực liên quan như xây dựng. Đến cuối năm ngoái, các nhà phân tích của UBS ước tính tỷ lệ này đã giảm xuống còn khoảng 22%.
Tuần trước, Thủ tướng Lý Cường cho biết chính phủ sẽ "thúc đẩy mô hình phát triển mới về bất động sản" nhanh hơn. Ông cho biết sẽ cố gắng ổn định lĩnh vực này bằng các biện pháp có mục tiêu, đồng thời cung cấp tài chính cho các dự án "hợp lý".
"Chúng tôi sẽ mở rộng việc xây dựng và cung cấp nhà được chính phủ trợ cấp và cải thiện các hệ thống cơ bản cho nhà ở thương mại để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người dân", ông nêu.
Một số nhà phân tích đang so sánh thị trường bất động sản Trung Quốc với hàng thập kỷ trì trệ và giảm phát của Nhật Bản. "Thị trường vẫn chưa ổn định. Những vấn đề của nó phản ánh việc nới lỏng tiền tệ (giảm lãi suất) không đủ trong quá khứ và nguy cơ giảm phát tăng", Chil Lo, Chiến lược gia cấp cao thị trường châu Á - Thái Bình Dương tại BNP Paribas Asset Management, nhận xét.
Ngân hàng ANZ ước tính diện tích sàn nhà ở chưa bán được của Trung Quốc đã vượt quá 3 tỷ m2 vào cuối năm 2023. Tình trạng dư thừa phải mất 3,6 năm mới giải quyết được. Theo cuộc thăm dò các nhà kinh tế của Reuters, giá nhà mới ở nước này có thể giảm 0,9% năm nay.
-
Trung Quốc bắt đầu chu kỳ cắt giảm lãi suất lớn nhất lịch sử để vực dậy thị trường bất động sản
Ngày 20/02/2024, Trung Quốc tuyên bố cắt giảm lãi suất thế chấp ở mức lớn nhất từ trước đến nay trong nỗ lực nhằm vực dậy thị trường bất động sản và trợ lực cho nền kinh tế vĩ mô đang gặp khó khăn.
-
Trung Quốc đẩy mạnh hỗ trợ tỷ giá nhân dân tệ dưới sức ép từ đồng USD
Theo Nikkei Asia Review, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) vừa phát tín hiệu về việc tăng cường hỗ trợ nhân dân tệ để ngăn đà suy yếu nhanh của đồng tiền này sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo giảm lãi suất ít hơn trong năm 2025 khiến ...
-
Thái Lan trở thành điểm nóng của các nhà đầu tư bất động sản Trung Quốc
Người Trung Quốc là những nhà đầu tư nước ngoài có nhiều giao dịch bất động sản nhất tại Thái Lan, chiếm gần 46% tổng số căn hộ chung cư do người nước ngoài đã mua vào năm 2023.
-
Nhà đầu tư huyền thoại Ray Dalio: Trung Quốc cần tái cơ cấu nợ xấu, tạo ra nhiều tiền hơn để tránh khủng hoảng nợ
Nhà sáng lập Bridgewater Associates Ray Dalio cho biết tại một hội nghị vào thứ Sáu 18/10 rằng, Trung Quốc phải áp dụng điều mà ông gọi là "giảm đòn bẩy đẹp đẽ" (beautiful deleveraging), ngoài các biện pháp kích thích mới nhất của mình để tránh khủng...