Đó là thực trạng đang diễn ra tại khu nhà ở Nam Thắng thuộc làng Phùng Khoang, Trung Văn, Từ Liêm, Hà Nội do Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và sản xuất vật liệu Nam Thắng làm chủ đầu tư.
Bỏ tiền tỷ mua nhà thiếu cơ sở hạ tầng trầm trọng

Theo đơn đề nghị gửi cho chủ đầu tư của các hộ dân nơi đây, kể từ khi ký hợp đồng tháng 12 năm 2006, sau khi hoàn tất các thủ tục về tài chính, được nhận bàn giao nhà liền kề xây thô, bắt đầu có một số hộ chuyển về sinh sống. Nhưng do điều kiện thiếu thốn đủ thứ, đường dây tải điện, đường nước, hệ thống thoát nước, cáp thông tin đều không có, các hộ dân đã nhiều lần trực tiếp đề nghị nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Cho tới thời điểm này, số lượng người dân chuyển về sinh sống vẫn chưa tới 50% do tình trạng cơ sở hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của một khu đô thị nhỏ, dẫn đến tình trạng nhà bỏ hoang gây mất mỹ quan.

Qua tìm hiểu được biết, dự án trên được khởi công vào tháng 1 năm 2007 và hoàn thành tháng 12 năm 2008. Các điều khoản ghi trong hợp đồng giữa Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và sản xuất vật liệu Nam Thắng với các hộ dân mua nhà, cụ thể trong điểm 3 điều IV của hợp đồng mua bán nhà ở giữa hai bên có ghi rõ: Bên bán có trách nhiệm cung cấp cho bên mua hạ tầng, đường dây tải điện, đường ống cấp thoát nước, cáp thông tin trước cửa nhà, và đường giao thông theo hiện trạng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tức là sau gần 3 năm hoàn thiện, nhiều hạng mục như điện, nước, cáp thông tin vẫn chưa được triển khai thực hiện, môi trường, cảnh quan xuống cấp, rác thải, cây cỏ mọc um tùm.

Theo Nghị định 71/2010/NĐ-CP của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn luật nhà ở, chủ đầu tư phải hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đưa vào hoạt động theo nội dung được phê duyệt dự án và bàn giao cho đơn vị quản lý, vận hành.

Không nước, không chỗ đổ rác, không điện chiếu sáng, không cây xanh

Hiện nay, toàn bộ số hộ dân nơi đây phải tự khoan giếng, dùng thiết bị lọc lấy nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh; chỉ có vài hộ gia đình bên dãy lô 3 may mắn xin mua được nước bên ngoài nhưng chi phí lắp đặt rất cao, phải thanh toán đắt hơn tiền nước sinh hoạt của Nhà máy nước 1000 đồng/m3 trong những chỉ số đầu.

Bỏ tiền tỷ mua nhà thiếu cơ sở hạ tầng trầm trọng

Hàng ngày, không có xe thu gom rác của Xí nghiệp vệ sinh môi trường nên những bãi đất trống, cỏ mọc trở thành nơi tập kết rác thải.

Hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh cũng không được triển khai, thực hiện. Điện sinh hoạt được chủ đầu tư cung cấp theo hình thức mua tổng bán lẻ, người dân phải tự bỏ tiền hàng chục triệu đồng để mua dây dẫn điện từ tủ điện của Công ty và phải trả tiền điện với trị số vụ trội rất cao mặc dù không có nhiều thiết bị điện, chỉ khi nào người dân phản ánh thì tháng sau lại giảm đi(?). Nguy hiểm hơn cả là do chưa có đường dẫn điện nên người dân phải tự lấy cột gỗ dựng lên làm cột điện đưa dây dẫn về nhà, thậm chí có gia đình do ở một mình chưa có hàng xóm để chung đường dẫn điện đã phải thả lòng thòng dây điện đi qua những ngôi nhà bỏ hoang rất nguy hiểm nếu có trẻ nhỏ đi qua vướng phải.

Mặc dù các hộ dân đã nhiều lần liên lạc trực tiếp với Công ty (Chủ đầu tư) đề nghị giải quyết dứt điểm tình trạng trên nhưng đều không được giải quyết, cũng không nhận được câu trả lời thích đáng.

Do cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu nên nhiều chủ hộ sau khi được bàn giao nhà đã không dọn đến ở, để nhà hoang, hoặc bán lại cho người khác. Điều này cũng lý giải một phần tại sao Hà Nội lại ngày càng nhiều biệt thự bỏ hoang chưa được đưa vào sử dụng gây lãng phí cho xã hội và làm xấu đi hình ảnh của các khu đô thị mới.

Thiết nghĩ, cùng với việc rà soát các biệt thự vô chủ đang tồn tại trên địa bàn thành phố Hà Nội, nhằm đưa ra phương án giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí, các sở, ban, ngành của thành phố cũng cần kiểm tra việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng của các khu đô thị vừa và nhỏ đã được phê duyệt để người dân được sinh hoạt trong điều kiện tối thiểu nhất, đảm bảo có điện, nước sạch, có hệ thống thoát nước khi mưa to tránh gây ngập úng. Nếu ngày nào còn những khu đô thị không đồng bộ về cơ sở hạ tầng, chắc chắn còn những căn nhà bỏ hoang, vì không ai muốn bỏ một đống tiền ra để sống trong hoàn cảnh thiếu thốn đủ đường, đó là lúc cơ hội cho giới đầu cơ ôm nhà đất bỏ không chờ biến động giá và là điều kiện để những biệt thự hoang tồn tại.

Theo Việt Cường (Quân đội nhân dân)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.