Dù ngân sách khó khăn, nhưng Bạc Liêu vẫn phải “bấm bụng” bỏ ra số tiền khoảng 10 tỷ đồng xây dựng chợ.

Thành phố Bạc Liêu cho đây là giải pháp tối ưu nhằm giải quyết tình trạng chợ nhóm, chợ chạy, mua bán lấn chiếm lòng lề đường nhưng kết quả không như mong đợi, chợ thì bỏ trống, tiểu thương tiếp tục mua bán bát nháo trên đường phố, gây bất bình dư luận.

Chợ nhóm, chợ chạy “mọc” lên bát nháo ở Bạc Liêu. Ảnh: TTXVN

Năm 2017 UBND thành phố Bạc Liêu quyết định đầu tư xây dựng chợ nông sản, thực phẩm (chợ B, đường Hoàng Văn Thụ, phường 3), với nguồn vốn khoảng 10 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo thành phố này, hiện chợ đã xây dựng hoàn thành 1 khu với hơn 100 quầy sạp, ki-ốt, cơ bản đáp ứng điều kiện mua bán của tiểu thương. Tuy nhiên, đến nay chưa bố trí tiểu thương vào mua bán có nhiều lý do khác nhau; trong đó phần lớn có nguyên nhân là tiểu thương mua bán chợ tạm Trần Huỳnh không chịu di dời vào, khiến cho việc bố trí, sắp xếp mua bán chợ B chưa thực hiện được.

Nhưng theo ý kiến của tiểu thương, họ không vào chợ bán vì quầy sạp, ki-ốt chợ B thiết kế quá nhỏ, khó trưng bày hàng hóa mua bán.

Đại diện tiểu thương bức xúc chia sẻ: Với mỗi ki-ốt chỉ hơn 3m2 để mua bán được phải thuê từ 2-3 ki-ốt thì chi phí đầu tư lớn, trong khi đó những tiểu thương này điều kiện kinh tế khó khăn, đa phần mua bán theo kiểu tự sản tự tiêu, bán hàng rong, xe đẩy…

Việc chậm sắp xếp tiểu thương vào chợ B khiến tình trạng mua bán theo kiểu chợ nhóm, chợ chạy, hàng rong, xe đẩy, lấn chiến lòng lề đường tại thành phố này diễn ra bát nháo.

Không những thế, tại khu vực xung quanh chợ B, dọc theo tuyến đường Hoàng Văn Thụ, Hai Bà Trưng, Phan Đình Phùng, Ninh Bình, Minh Diệu, tuyến đê kề sông Bạc Liêu- Cà Mau… rất lộn xộn.

Hàng ngày, có hàng trăm tiểu thương trưng bày hàng hóa mua bán ngay dưới lòng đường, vô tư nước thải, các loại rác vứt ra đường, không chỉ làm mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường khiến giao thông tại các khu vực này luôn ùn tắc, người dân đi lại vô cùng khó khăn.

Hơn nữa, việc người dân không chịu vào chợ bán đồng nghĩa với tình trạng mua bán hàng rong, xe đẩy tiếp tục tồn tại trên các tuyến đường. Đáng chú ý là, loại hình mua bán này đang “phình” ra trên địa bàn thành phố Bạc Liêu, hệ lụy là khu vực nào có xe đẩy, bán hàng rong thì nơi đó nhếch nhác, rác thải đầy đường, mất mỹ quan đô thị thành phố.

Thành phố Bạc Liêu có khoảng 150 nghìn dân nhưng thành phố này xây dựng rất nhiều chợ, với quy mô mỗi chợ khá lớn. Điển hình, chợ nhà lồng cũ (chợ A) có diện tích xây dựng 12.000m2, tổng vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng; chợ Cầu Xáng diện tích xây dựng 5.000m2, vốn đầu tư hơn 28 tỷ đồng; chợ phường 1, chợ Xóm Mới B…diện tích lên đến hàng nghìn m2, vốn đầu tư nhiều tỷ đồng.

Do địa phương còn khó khăn, nhiều chợ kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT. Điều đáng nói là, các chợ trên đã đưa vào hoạt động nhiều năm qua nhưng số quầy sạp, ki-ốt vẫn còn bỏ trống khá nhiều.

Cụ thể, chợ A có 850 quầy sạp, ki-ốt nhưng đến nay chỉ mới vào khai thác khoảng 30% diện tích; chợ Cầu Xáng có đến 70% diện tích bỏ trống; chợ Xóm Mới B đầu tư hơn 10 tỷ đồng đã bỏ trống nhiều năm qua… Nhiều người dân bức xúc nói, trong khi các chợ chưa khai thác hết công suất, thì UBND thành phố Bạc Liêu xây thêm chợ B, nhưng chợ này cách chợ A chỉ khoảng 500m.

Lý giải về việc này, ông Dương Chí Bình Phó Chủ tịch UBND thành phố Bạc Liêu cho biết, việc xây thêm chợ B là nhằm sắp xếp, “gom” những hộ ở chợ tạm Trần Huỳnh, người dân mua bán theo kiểu chợ nhóm, chợ chạy vào mua bán.

Nhưng ngược lại có ý kiến cho rằng, tại sao các chợ còn trống thành phố không vận động tiểu thương vào kinh doanh mà xây thêm chợ mới tốn nhiều tỷ đồng.

Đúng như khuyến cáo, liệu xây chợ B có “dẹp” được tình trạng mua bán chợ nhóm, chợ chạy trên địa bàn hay xây chợ rồi lại bỏ… trống. Hiện chợ nghiệm thu hoàn thành nhiều tháng qua, nhưng nay cửa đóng then cài, gây lãng phí không nhỏ, còn chợ nhóm, chợ chạy “mọc” lên bát nháo ở thành phố xanh- sạch- đẹp và văn minh này.

Huỳnh Sử (TTXVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.