Chị Tiên cho biết những năm tháng học đại học tại Hà Nội không quá vất vả như những người bạn cùng trang lứa vì không phải thuê phòng trọ, đồ ăn được bố mẹ ở quê tiếp tế. Nhưng chị luôn có ý thức tự lập về tài chính, nên khoảng thời gian đi học chị chăm chỉ làm thêm để trang trải tiền học phí, sinh hoạt.
Tới khi ra trường chị xin vào làm việc tại thư viện trường Đại học Bách Khoa Hà Nội với mức lương 4 triệu đồng/tháng. Sau đó không lâu, chị kết hôn.
“Hai vợ chồng mình khi đó lương được khoảng 11 triệu đồng. Dù không phải chi trả tiền phòng trọ, nhưng có con lúc gia đình chưa ổn định nên tốn khá nhiều chi phí. Một tháng, hai vợ chồng không tiết kiệm nổi một đồng. Đến khi con lớn, có nhiều thời gian rảnh hơn mình bắt đầu bán hàng hải sản online. Được anh chị em trong thư viện ủng hộ, dần dần người này giới thiệu người kia nên có thêm thu nhập”, chị Tiên cho biết.
Chị Tiên chọn loại sàn gỗ nâu trầm tạo sự ấm cúng. Đây là căn nhà thứ hai chị sở hữu sau kết hôn.
Khoảng năm 2013, khi có 50 triệu đồng trong tay, chị Tiên tìm hiểu các dự án nhà ở xã hội gần khu vực Linh Đàm. Thấy căn hộ có diện tích nhỏ 40m2 phù hợp với gia đình, chị chốt mua và lo thủ tục vay ngân hàng gói nhà ở xã hội. Giá căn hộ khoảng 600 triệu đồng, thanh toán theo tiến độ. Chị vay thêm người thân để trả trước 30% và 70% còn lại vay ngân hàng.
Đến năm 2016, chị Tiên lên kế hoạch sinh bé thứ hai nên muốn đổi một căn nhà to hơn. Vô tình đọc được thông tin về dự án căn hộ chung cư tại Định Công gần cơ quan công tác. Dự án khi đó đang xây đến tầng 5.
Căn hộ chị Tiên tìm hiểu có diện tích 80m2, ba phòng ngủ và có giá 2,4 tỉ đồng. Chị Tiên cho hay, gia tài chị chẳng có gì ngoài căn hộ 40m2 đang ở. Nhưng vì quá thích nên chị vẫn quyết định xuống tiền đặt cọc 50 triệu đồng.
“Đặt cọc xong hai vợ chồng mình về nhà mà ngẩn ngơ, không biết sao lại liều lĩnh như vậy. Sau đó, mình tìm hiểu thủ tục bán lại suất mua ấy cho người khác, nhưng sau một hồi đắn đo, suy nghĩ lại chốt mua. Mình bán căn hộ đang ở với giá 750 triệu đồng, trả cho ngân hàng khoản còn nợ rồi dồn tiền trả đợt I cho căn nhà mới. Mỗi đợt cách nhau ba tháng, đợt II, đợt III ông bà ngoại hỗ trợ 500 triệu đồng. Ở căn nhà thứ hai mình vay ngân hàng 50% với lãi suất thương mại trả góp”.
Tuy hành trình mua nhà đầy sự gian nan, vất vả nhưng được tự tay chăm sóc căn nhà là niềm hạnh phúc của chị Tiên.
Đúng như kế hoạch, năm 2017, chị Tiên sinh bé thứ hai và năm 2020 chính thức chuyển về nhà mới. Công việc của chồng chị cũng phát triển hơn nên chị dành thêm 300 triệu đồng hoàn thiện nội thất.
Chia sẻ về hành trình mua nhà, bà mẹ hai con cho biết trước khi quyết định mua nhà hai vợ chồng phải cân nhắc thu nhập hàng tháng, cân đo đong đếm chi phí sinh hoạt để đảm bảo việc trả nợ ngân hàng không ảnh hưởng quá nhiều.
“Mục tiêu ban đầu cơ bản là phải có nhà dù to hay nhỏ. Vay mua nhà là điều không tránh khỏi khi vợ chồng còn trẻ. Nếu không đủ tiền trả toàn bộ căn nhà thì lên kế hoạch chi tiết về khoản vay, thu nhập để cân đối cho hợp lý. Nên tìm hiểu các dự án xa trung tâm một chút và không nên tham lam mua căn hộ quá sức rồi lại nản. Cần xác định rõ ai có thể cho mình vay, vay tạm hay vay được lâu dài. Khi vay ngân hàng cần thiết có kế hoạch trả đúng hạn, vay số tiền vừa đủ đừng để tháng nào cũng giật gấu vá vai. Hàng tháng cần bỏ ra một khoản cố định để tiết kiệm. Chỉ cần trong tay có độ 200-300 triệu đồng thì có thể nghĩ đến việc mua nhà” – chị Tiên đưa ra lời khuyên.
Chị Tiên cho hay quá trình tìm hiểu thông tin dự án, thông tin gói vay, thủ tục rất mệt mỏi, nhưng nghĩ đến việc hằng ngày được chăm chút căn nhà riêng của mình là điều hạnh phúc.
Thay vì trả góp trong vòng 10, 20 năm chị Tiên chọn trả theo đợt để không bị áp lực hàng tháng.
Chia sẻ thêm về kế hoạch sắp tới, chị Tiên cho biết hiện vợ chồng chị đã trả nợ xong căn nhà đang ở. Con cái cũng dần lớn hơn, có nhu cầu sinh hoạt khác nhau nên chị tiếp tục lên kế hoạch đổi một căn nhà to hơn nữa.
Làm sao để thiết kế nhà nhỏ tiện nghi?
-
Bí quyết mua nhà cho sinh viên mới ra trường
Với thế hệ trẻ ngày nay, rất nhiều người đặt mục tiêu mua được nhà ngay khi vừa mới tốt nghiệp đại học. Với những đang đặt ra mục tiêu như vậy, các chuyên gia của CNBC đã tổng hợp những bí quyết giúp sinh viên mới ra trường có thể tìm được căn hộ ưng ý.
-
Nhà đầu tư “mách” bí quyết mua nhà: Ở thì thích, bán nhanh lời
CafeLand – Để lựa chọn được căn nhà có vị trí đẹp, hợp phong thủy,…lại không bị hớ giá, người mua nhà phải “nằm lòng” những quy tắc vàng của các nhà đầu tư từng trải dưới đây.
-
Có nên chờ giá căn hộ giảm khi Luật thay đổi?
Việc giá nhà ở, trong đó nổi bật là phân khúc căn hộ tăng phi mã trong thời gian vừa qua khiến những người có nhu cầu thực nản lòng. Trong số đó không ít người đặt kỳ vọng thị trường sẽ có xu hướng giảm giá khi các bộ luật mới có hiệu lực....
-
Tìm được nhà giá phải chăng ở Đức 'như trúng số'
Do nguồn cung khan hiếm, việc thuê căn hộ giá phải chăng hay sở hữu nhà ở xã hội tại Đức được chuyên gia đánh giá như "trúng xổ số".
-
Gen Z giờ mua nhà liều lĩnh hơn thế hệ trước
“An cư lạc nghiệp” không chỉ là câu chuyện của thế hệ trước, mà hiện nay đối tượng là Gen Z, thậm chí Gen Y cũng vô cùng quan tâm đến vấn đề này. Họ sẵn sàng nắm bắt cơ hội sở hữu tổ ấm riêng nếu có thể....