Mẫu bê tông hốc rỗng đang thử nghiệm giúp thoát nước vỉa hè.
Chưa chú trọng giải quyết vấn đề thoát nước
Trải qua nhiều lần thay đổi mẫu thiết kế hè đường đô thị, dường như Thành phố Hà Nội vẫn chưa chú trọng vào vấn đề thấm nước vỉa hè góp phần giải quyết tình trạng ngập úng vào mùa mưa. Hay nói cách khác, toàn bộ nước mưa vẫn theo bề mặt vỉa hè dồn xuống cống rãnh thoát nước nhỏ sau đó chảy ra cống to, gây áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật của thành phố.
Như gần đây là việc ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND ngày 21/3/2019 về “Thiết kế mẫu hè đường đô thị trên địa bàn Thành phố Hà Nội”. Theo đó, nhiều tuyến phố được thay lát bằng đá tự nhiên, nhưng ghi nhận của phóng viên cho thấy, nhiều tuyến đường mới thay, sau một thời gian sử dụng đã xuất hiện tình trạng mặt đá xuống cấp, gãy, vỡ, lộ dây cáp ra ngoài…
Một số chuyên gia cũng cho rằng, hiện tượng khó thoát nước, gây ngập úng của Hà Nội có phần tác động không nhỏ từ việc sử dụng vật liệu lát gạch vỉa hè là đá tự nhiên. Không những thế, việc lát đá tự nhiên cho vỉa hè còn gây tốn kém, lãng phí vì phải tốn tiền để mua vật liệu mới, thuê nhân công, còn gạch lát cũ thì trở thành rác thải phải xử lý.
“Mặt đá vỉa hè hiện nay gãy vỡ nên mỗi khi mùa mưa tới là xuất hiện ngập úng, trơn trượt. Mỗi khi xảy ra tình trạng ngập úng như vậy làm tôi rất khó khăn trong việc đi lại hàng ngày”, chị Nguyễn Thị Ngọc, sống gần phố Nguyễn Chí Thanh chia sẻ.
Giải pháp bê tông hốc rỗng giải quyết vấn đề gì?
Các chuyên gia cho rằng, giải quyết bài toán ngập úng của các thành phố lớn cần giải quyết các vấn đề chung, mang tính tổng thể. Hiện nay, đã và đang có nhiều giải pháp về thiết kế, vật liệu được nghiên cứu, thử nghiệm nhưng cần có kiểm chứng để đưa vào thực tiễn. Trong đó, bê tông hốc rỗng cũng là một giải pháp khả thi được nhiều cơ quan, đơn vị thực hiện. Với giải pháp sử dụng bê tông hốc rỗng, các nhà khoa học đã nhìn nhận câu chuyện thoát nước vỉa hè không giống với cách giải quyết vấn đề theo truyền thống.
Từ những kết quả thí nghiệm của Viện Chuyên ngành bê tông - Viện Khoa học công nghệ xây dựng (IBST – Bộ Xây dựng) cho thấy, bê tông rỗng có khả năng thoát nước rất tốt. Khi dùng đá có kích thước càng nhỏ thì kích thước các hốc rỗng sẽ giảm, nhưng độ rỗng lại tăng và từ đó làm tăng khả năng thoát nước của bê tông rỗng. Với việc sử dụng bê tông hốc rỗng, bề mặt vỉa hè được nhìn nhận như là một bề mặt thoát nước và trữ được nước góp phần làm giảm tải ngập úng trong đô thị.
Cụ thể, với bê tông hốc rỗng có độ rỗng từ 20 - 25%, độ dày 20cm thì sẽ trữ được 4 - 5cm nước. Như vậy, khi mưa 40 - 50mm thì nước sẽ được trữ trong viên gạch mà không ồ ạt chảy từ vỉa hè xuống cống như bề mặt vỉa hè hiện nay, bởi theo Quyết định 1303 thì đá lát vỉa hè phải phù hợp với TCVN 4731-2007 và không được sử dụng đá vôi. Như vậy nếu là đá granite thì độ hút nước không lớn hơn 0,5%, còn đá marble thì không lớn hơn 0,2%.
Tuy nhiên, khả năng thoát nước của bê tông rỗng không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào độ rỗng mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như tính liên tục, tính quanh co, bề mặt của các hốc rỗng. Do đặc tính thoát nước tốt nên có thể ứng dụng bê tông rỗng vào các công trình đô thị công cộng như lề bộ hành, công viên, bãi đỗ xe, taluy, mái dốc ven sông…
Bên cạnh đó, loại bê tông này có một số hạn chế về: Khả năng chịu lực thấp, giảm khả năng trữ nước, thoát nước khi có những vật cản (như cát, bụi, đất, phế thải xây dựng)… nên chỉ có thể lát tại một số địa điểm nhất định trên các tuyến phố.
Do đó, các đề tài nghiên cứu chế tạo bê tông hốc rỗng làm tấm lát nền thoát nước cần được tiếp tục đầu tư kỹ lưỡng hơn nữa để nghiên cứu về khả năng tích hợp cấu kiện, tích hợp bê tông cường độ cao, bổ sung bộ tiêu chuẩn Việt Nam cho bê tông hốc rỗng (bao gồm: Thiết kế cấu tạo, tiêu chuẩn sản phẩm, hướng dẫn về thi công và quy trình bảo trì…), có kiểm chứng thực nghiệm trước khi đưa vào ứng dụng.
-
Nghiên cứu xử lý bùn đỏ - chất thải nguy hại thành gạch gốm xây dựng
Nhóm nghiên cứu Trường Đại học Khoa học Tự nhiên thực hiện thành công đề tài chế tạo vật liệu xây dựng từ bùn đỏ phát sinh trong sản xuất Alumin ở Tây Nguyên, tạo hiệu quả kinh tế và giảm ô nhiễm.