Những gì đang diễn ra tại các dự án resort của thành phố cảng có thể giúp phần nào trả lời câu hỏi: Liệu bất động sản ở Hải Phòng có hút được nhà đầu tư ngoại tỉnh?

Đọc thêm:

>>> Thị trường chung cư Hải Phòng chờ động lực mới

>>> Giao dịch chung cư chiếm... 1% tại Hải Phòng

>>> Chung cư: Xu hướng tất yếu của BĐS Hải Phòng

Có những nhà đầu tư thứ phát ngoại tỉnh mua các lo đất biệt thự tại các dự án, nhưng chỉ có một số ít triển khai xây dựng, còn lại đa số vẫn là sa mạc cát

Lay lắt thị trường đất biệt thự resort

Dự án làng biệt thự cao cấp Vạn Hương (Dự án Vạn Hương), do Công ty cổ phần DASO làm chủ đầu tư được khởi công xây dựng từ năm 2003 với diện tích theo quy hoạch của thành phố là 32,2 ha. Đây là dự án lấn biển đầu tiên của Đồ Sơn trong khoảng mấy chục năm gần đây để phát triển du lịch - mà như chủ đầu tư nói - theo tiêu chuẩn cao cấp. Trải qua 7 năm điều chỉnh quy hoạch, phối cảnh tổng thể, tới đầu năm 2009 hình hài của dự án đã cơ bản hình thành. Đầu tháng 8/2010, DASO - giờ đã mang danh tập đoàn - tổ chức khởi công tổ hợp resort cao cấp Đảo Hoa Phượng - tên mới của Dự án Vạn Hương - với tổng vốn đầu tư 2.000 tỷ VND.

Theo chủ đầu tư, khu resort này sẽ bao gồm tổ hợp khách sạn 5 sao với 300 phòng, 200 căn biệt thự cao cấp, các công trình dịch vụ như bến du thuyền, bãi biển, sân tennis, hồ bơi, khu trung tâm thương mại... Dự kiến quần thể này sẽ hoàn thành vào năm 2014. Nếu trở thành hiện thực, Hải Phòng sẽ có khách sạn 5 sao đầu tiên vào thời điểm đó.

Nhưng đó là chuyện của tương lai. Cái nhìn thấy giờ đây là ngay từ khi khởi công dự án này đã có khá nhiều lô đất biệt thự sẵn sàng được chuyển giao cho các chủ đầu tư thứ phát xây dựng công trình theo quy hoạch. Nhưng hiện có bao nhiêu lô đất đã được chuyển giao thành công thì vẫn là điều… không nhiều người rõ. Chỉ biết rằng, cho đến giờ chưa có một công trình xây dựng nào được hoàn thành tại dự án này.

Sâu hơn về hướng khu 3 của Đồ Sơn còn có dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế Hòn Dấu, được khởi công từ năm 2005. Đến nay đã có 203/408 lô đất biệt thự đã được chuyển giao cho các nhà đầu tư thứ phát. Theo chủ một sàn giao dịch bất động sản thì có khá nhiều người ngoại tỉnh, chủ yếu là từ Hà Nội, mua đất biệt thự tại dự án này. Vị này đưa ra một con số ước lượng đầy cảm tính là khoảng 15% - 30% số khách mua đất dự án này là người ngoại tỉnh. Nhưng tới giờ cũng ít chủ đầu tư thứ phát xây dựng công trình tại đây.

Các dự án resort ở Hải Phòng đang trong tình trạng giậm chân tại chỗ đợi nhà đầu tư

Không rõ có bao nhiêu nhà đầu tư ngoại tỉnh mua đất tại các dự án bất động sản ở Hải Phòng. Cũng chưa có cơ quan, tổ chức, chủ đầu tư nào của thành phố nghĩ đến việc tổ chức thống kê, khảo sát về điều này. Trong khi đó, đây là một yếu tố giúp đánh giá, xác định các biện pháp phù hợp để phát triển thị trường, dự án bất động sản của thành phố.

Và hi vọng: “Chắc cũng còn không lâu”

Bà Nguyễn Thị N (Hà Nội) đang đứng nhìn và cố tưởng tượng ra quy mô biệt thự sẽ “mọc” trên đất của bà tại dự án Cát Bà Amatina tại huyện Cát Bà. Đây là dự án có chủ đầu tư là Công ty Vinaconex - ITC với tổng số vốn đầu tư được công bố là vào khoảng 1 tỷ USD, trên tổng diện tích đất là 172,27 ha. Thực ra, bà N chỉ đứng tên hộ một số người nhà trong dự án này. Cá nhân bà chỉ đăng ký mua một lô biệt thự tại đây, để như bà nói, mua chơi, được giá thì bán. Sự mua chơi của bà N không phải do bà giàu mà vì nếu mua đất ngay từ khi dự án mới khởi động thì giá có thể sẽ tương đối rẻ, và cũng không phải nộp hết tiền ngay. Thế nên một số người ngoại tỉnh, chủ yếu là người thân cán bộ dự án, sẽ nộp tiền đăng ký mua đất ngay từ đầu để tranh thủ lợi thế này. Cũng sẽ có người thực sự có nhu cầu mua đất tại các dự án resort của Hải Phòng để xây dựng công trình nghỉ dưỡng cũng như kinh doanh của mình. Nhưng nếu đã là nhu cầu có thật thì đương nhiên sau việc mua ấy bao giờ cũng là hoạt động xây dựng công trình. Mà đó lại là điều các dự án resort của Hải Phòng đang thiếu, dù đa số dự án đều khẳng định mình… bán tốt.

Dĩ nhiên, câu hỏi thường trực của người mua luôn là, bao giờ công trình ấy, dự án ấy… sẽ hoàn thành? Và câu trả lời của người bán bao giờ cũng là: “chắc cũng còn… không lâu”! Thế nên bà N cứ thỏa sức để cho trí tưởng tượng của mình phát triển khi hình dung về khu đất có biệt thự to đẹp mà bà đã đăng ký mua, dù hiện tại khu vực có cái biệt thự to đẹp ấy vẫn là sa mạc cát.

Kiểu dự báo “chắc cũng còn… không lâu” này còn được một cán bộ Sở TNMT thành phố dùng để nói về tính hấp dẫn của thị trường bất động sản quê hương mình trước các nhà đầu tư ngoại tỉnh. Để thuyết phục người nghe về sự khởi sắc của thị trường trong tương lai ông này đã viện dẫn những lý lẽ kiểu như: quy định quản lý của nhà nước đang ngày càng hoàn thiện làm các giao dịch ngày càng minh bạch, rõ ràng; Thành phố đang có nhiều biện pháp nhắc nhở, thúc giục các chủ dự án thực hiện đúng cam kết về mặt tiến độ…

Thị trường bất động sản Hải Phòng là thị trường mở, với sự tham gia của người Hải Phòng và người ngoại tỉnh, hay chỉ là chuyện nội bộ người Hải Phòng với nhau? Dường như chưa có ai đặt câu hỏi ấy với chủ đầu tư và các nhà quản lý thành phố. Một nguyên tắc ai cũng hiểu là thị trường chỉ sôi động khi tạo được cơ hội và thu hút được nhiều người tham gia. Nhưng khi cả chủ đầu tư và nhà quản lý đều không thể biết, dù chỉ là ước đoán, về số người, thành phần, xuất xứ của người tham gia thị trường thì sẽ là quá khó để có thể phát triển và nâng cao được tính hấp dẫn của thị trường bất động sản Hải Phòng.

Cafeland.vn - Theo Quốc Dũng (DDDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland