Thời gian gần đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được tin báo của các nạn nhân ở TP.HCM và Đồng Nai tố cáo Công ty Lộc Phúc, địa chỉ tại số 34 Tiền Giang, Phường 2, Quận Tân Bình, TP.HCM có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lập dự án ảo trên đất nông nghiệp thuộc địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Giá một lô đất chỉ khoảng vài trăm triệu, nhưng các nghi can đã vẽ “dự án ma” rồi rao bán với giá 2-3 tỷ đồng. Sau đó, giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai chỉ đạo xác lập chuyên án đấu tranh.
Sáng ngày 31/8, Ban Chuyên án phát hiện các đối tượng trong Công ty này đang tổ chức sự kiện mở “sàn giao dịch” để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại một “dự án ma” thuộc xã An Viễn, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai. Công an tỉnh Đồng Nai đã tung hàng trăm cán bộ, chiến sĩ chia làm nhiều tổ công tác ập bắt quả tang.
Đối tượng trong Công ty Lộc Phúc tổ chức “sàn giao dịch” lừa đảo mua bán bất động sản bị lực lượng chức năng phát hiện bắt quả tang. Ảnh: Công an tỉnh Đồng Nai
Lực lượng công an đã khống chế Nguyễn Văn An (27 tuổi, tổng giám đốc Công ty Lộc Phúc) cùng 185 người liên quan. Trong đó có 122 nhân viên, 20 người được thuê đóng giả khách hàng và 43 khách hàng là nạn nhân của công ty này.
Đồng thời lúc này, một tổ công tác khác đã phối hợp với Công an TP.HCM tiến hành khám xét trụ sở Công ty, niêm phong, thu giữ 50 thùng tài liệu, nhiều máy tính, thiết bị điện tử, hơn 2,4 tỷ đồng, 18 ngàn yên Nhật; 3,5 ngàn USD; 24,3 lượng vàng; 2 xe ô tô 4 chỗ ngồi; 5 xe ô tô loại 52 chỗ để phục vụ công tác điều tra, mở rộng Chuyên án.
Qua đấu tranh, các đối tượng khai, vào khoảng tháng 6/2022, Công ty Lộc Phúc bắt đầu tổ chức hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản một số dự án trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Thuê “chân gỗ” dẫn dụ người mua nhà
Để đưa nạn nhân vào tròng, Công ty đã tuyển mộ cả trăm sinh viên làm thêm, sinh viên thực tập làm nhân viên cấp dưới, sau đó, hướng dẫn họ vào các trang mạng xã hội tìm những căn nhà đẹp ở TP.HCM chụp ảnh, đăng trên website của Công ty và trang web Chợ tốt để giới thiệu bán.
Từ đây, nhiều người có nhu cầu mua nhà ở TP.HCM đã tìm và liên hệ với Công ty. Khi đó, bộ phận nhân viên cấp trên của những sinh viên này sẽ liên lạc lại với khách hàng bằng sim điện thoại rác do Công ty phát (mỗi khách hàng chỉ dùng một sim rồi bỏ).
Khi khách hàng yêu cầu được đi xem mua nhà ở TP.HCM thì các đối tượng hẹn họ đến một quán cafe đã định trước, rồi đưa họ lên xe ô tô 52 chỗ ngồi, kéo rèm che kín xe và tổ chức trò chơi có thưởng để nạn nhân yên tâm đang được chở đi xem nhà nhưng thực chất bị các đối tượng ép buộc phải đi xem đất tại các “dự án ma”.
Sơ đồ quy hoạch được "vẽ" ra để lừa khách hàng. Ảnh: Công an tỉnh Đồng Nai
Mặt khác, chúng thuê những người lớn tuổi, có khả năng diễn xuất làm AC (gọi là chân gỗ). Đồng thời, đưa tiền cho những “chân gỗ” này tiếp cận khách hàng nhằm tạo sự gần gũi, đồng cảm rồi lôi kéo, dụ dỗ khách hàng giao dịch mua đất.
Khi đến “dự án ma”, nhân viên vây quanh giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần trị giá thực tế của lô đất, liên tục thúc ép khách hàng đặt cọc và tác động tâm lý làm cho khách hoang mang không có sự lựa chọn nào khác.
Song song đó, các “chân gỗ” góp tiền với khách hàng đặt cọc các lô đất để được hưởng chiết khấu giả. Khi khách hàng đặt cọc, “chân gỗ” sẽ đặt cọc theo nhằm kích thích, động viên khách hàng mua đất bằng được.
Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên một xe ôtô loại 7 chỗ và đi cùng AC, Trưởng phòng kinh doanh, nhân viên tư vấn khách hàng về lại Công ty để tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc từ 60% - 70% giá trị giao dịch trên lô đất đó.
Trường hợp khách hàng phát hiện ra lô đất đó cao hơn giá trị thực tế, yêu cầu trả lại cọc, sẽ bị nhân viên từ chối. Khi đó, khách hàng muốn được nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì buộc phải thanh toán hết số tiền còn lại mới được làm hợp đồng công chứng và chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, có nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cũng không phải ở vị trí đã được Công ty đưa đến xem và đặt cọc lúc đầu mà là ở vị trí khác, cách xa hàng chục km, giá trị cũng thấp hơn rất nhiều. Trường hợp khách hàng khiếu nại, tố cáo thì nhân viên trực tiếp giao dịch với khách hàng đó sẽ huỷ sim rác và chặn liên lạc.
Theo Trung tá Võ Nhật Hồng Phúc, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, Trưởng Ban Chuyên án cho biết, qua điều tra ban đầu phát hiện, hàng tháng, Công ty trên thu lợi khoảng 20 tỷ đồng. Ngoài dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Công ty này còn có dấu hiệu của các tội danh khác và sẽ được Cơ quan điều tra tiếp tục mở rộng trong thời gian tới.
-
Vẽ “dự án ma” để lừa đảo, chủ tịch công ty địa ốc ở Bình Dương nhận kết đắng
Tôn Lâm Sỹ, Chủ tịch kiêm giám đốc Công ty Địa ốc Á Châu Real Estate vừa bị bắt giam vì đã đưa thông tin gian dối về các dự án đất nền không có thật để lừa bán cho nhiều người, chiếm đoạt hơn 14,4 tỉ đồng.
-
Đồng Nai sẽ đấu giá 39 khu đất trong năm 2025
UBND tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu đấu giá thành công 39 khu đất công trên địa bàn trong năm 2025. Năm 2024, địa phương này lên kế hoạch đấu giá 18 khu đất, tuy nhiên việc đấu giá không hiệu quả.
-
Đồng Nai sắp có một dự án đặc biệt diện tích 100ha tại Long Khánh, dự kiến thu hút 1.000 chuyên gia
Khu vực gần 100 ha ở TP Long Khánh được tỉnh Đồng Nai quy hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ hạt nhân.
-
Hãng thép 50 năm tuổi tại miền Nam huy động thêm vốn từ cổ đông để xây nhà máy tại Đồng Nai
Doanh nghiệp này sẽ dùng toàn bộ nguồn tiền mới để đầu tư dự án sản xuất thép cán xây dựng, bổ sung công đoạn luyện phôi thép công suất 150.000 tấn sản phẩm/năm tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2 - Nhơn Phú, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai....