05/08/2023 12:58 PM
Thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn giảm sâu, cho thấy hậu quả dai dẳng từ các chính sách kiểm soát chặt chẽ của chính phủ đối với động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng này.

https://cms-image-bucket-production-ap-northeast-1-a7d2.s3.ap-northeast-1.amazonaws.com/images/9/9/8/8/46318899-1-eng-GB/photo_SXM2023073100009053.jpg

Các dự án nhà ở xây dựng dở dang hoặc dường như bị bỏ hoang là cảnh thường thấy ở Tongling, một thành phố ở tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc.

“Mua 1 tầng, tặng 1 tầng” là chính sách khuyến mại đang được chủ đầu tư dự án nhà ở tại vùng ngoại ô của thành phố này sử dụng. Nhưng ngay cả với lời đề nghị hào phóng trên, thì mức giá 1,45 triệu Nhân dân tệ (202.000 USD) vẫn là quá cao đối với hầu hết mọi người dân địa phương, nơi thu nhập hàng tháng chỉ ở mức 3.000 đến 4.000 Nhân dân tệ.

“Ngay cả khi giá rẻ hơn một chút thì vẫn không có ai mua nhà”, một người dân nói.

Nhà ở không bán được chỉ là một triệu chứng của sự suy thoái sâu sắc đang diễn ra trên thị trường bất động sản Trung Quốc, một điều mà ngay cả các nhà hoạch định chính sách cũng phải bắt đầu thừa nhận.

Theo dữ liệu chính thức, doanh số bán nhà ở mới trên toàn Trung Quốc tính theo diện tích sàn đã giảm 26,8% vào năm 2022, và giảm thêm 2,8% trong nửa đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm ngoái.

Người mua trở nên đặc biệt “khan hiếm” ở các thành phố cấp ba và cấp bốn như Tongling. Zhou Junzhi, một nhà phân tích tại công ty chứng khoán Minsheng Securities, ước tính rằng sẽ mất hơn 13 năm để hấp thụ hết số lượng nhà ở hiện tại của Tongling.

Trong một dấu hiệu rõ hơn về sự sụt giảm của thị trường bất động sản, tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp ngày 24/7 của Bộ Chính trị Trung Quốc đã bỏ qua khẩu hiệu nổi tiếng “nhà ở là để ở, không phải đầu cơ”. Đây là câu nói từng định hình nỗ lực kiềm chế bong bóng bất động sản của chính phủ trong vài năm vừa qua.

Bất động sản và nhiều ngành liên quan tạo ra khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc. Mặc dù ngành này thúc đẩy tăng trưởng nhanh chóng khi nhu cầu mua nhà mạnh mẽ, nhưng hiện tại lại đang là gánh nặng của nền kinh tế.

GDP thực tế của Trung Quốc được điều chỉnh theo mùa tăng 0,8% trên cơ sở hàng quý từ tháng 4 đến tháng 6, chậm hơn so với mức 2,2% trong quý đầu tiên. Một số nhà kinh tế dự báo tăng trưởng cả năm sẽ giảm xuống dưới 5%.

Các nhà phát triển đang ngập trong nợ nần như China Evergrande Group đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi chính sách zero-COVID của chính phủ, khiến họ phải đối mặt với những rắc rối tài chính lớn như hiện tại. Trong khi đó, dân số Trung Quốc bắt đầu giảm lần đầu tiên sau 61 năm vào cuối năm 2022, ngay khi thị trường nhà ở đang chuyển từ thiếu hụt sang dư thừa.

Số lượng nhân viên tại các công ty bất động sản niêm yết ở Trung Quốc đại lục đã giảm khoảng 100.000 vào năm ngoái, từ khoảng 890.000 vào cuối năm 2021.

Meng Lei, chiến lược gia tại ngân hàng UBS, cho biết: “Việc sa thải lao động cũng đang làm giảm chi tiêu của các hộ gia đình”.

Sự căng thẳng lan sang các doanh nghiệp đang nợ nần khác đang bắt đầu lộ rõ. Vào ngày 19 tháng 7, thành phố Jiangyin thuộc tỉnh Giang Tô đã đồng ý mua 80% cổ phần của nhà sản xuất vật liệu Jiangsu Huaxi Group với giá chỉ 1 Nhân dân tệ. Công ty này do ngôi làng Huaxi điều hành, hoạt động trong lĩnh vực dệt và thép, là hạt nhân kinh tế của ngôi làng từng được coi là giàu nhất Trung Quốc. Jiangsu Huaxi Group nhưng đã thua lỗ nặng khi rót vốn xây dựng một khách sạn 72 tầng kể từ năm 2011 và chính quyền địa phương đã phải tiến hành giải cứu.

Thị trường tài chính đang để mắt đến những rủi ro xung quanh các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV) như Jiangsu Huaxi Group, được hiểu là các công ty thuộc sở hữu của chính phủ được thành lập để huy động tiền cho chi tiêu của chính quyền địa phương. Doanh số bán quyền sử dụng đất - một nguồn thu quan trọng - đã giảm mạnh, và nhiều người nghi ngờ chính quyền địa phương liệu có thể đảm bảo việc trả nợ của các LGFV hay không.

Ngân hàng Citigroup ước tính tổng nợ công của Trung Quốc - bao gồm cả nợ chịu lãi từ LGFV - ở mức 108 nghìn tỷ Nhân dân tệ, tương đương khoảng 90% GDP.

Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết trong cuộc họp tuần trước rằng nước này nên “xây dựng và thực hiện một gói các kế hoạch xóa nợ” trong thời gian tới để cải thiện tình hình.

  • Trung Quốc lại phải giải cứu ngành bất động sản

    Trung Quốc lại phải giải cứu ngành bất động sản

    Các nhà phân tích cho biết, hai biện pháp mới được các nhà quản lý Trung Quốc công bố để hỗ trợ thị trường bất động sản đang suy thoái sẽ giúp giảm bớt áp lực thanh khoản cho các nhà phát triển gặp khó khăn. Tuy nhiên, những nỗ lực này chưa thể giải quyết được tất cả các vấn đề hay vực dậy cả thị trường.

Lam Vy (AN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.